7. Bố cục của luận văn
1.1.3. Bài tập và hệ thống bài tập
1.1.3.1. Bài tập
a. Khái niệm bài tập.
Bài tập là một khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực dạy học, một bài học lí thuyết thường có phần lí thuyết và phần bài tập. Phần bài tập thường có vị trí sau phần lí thuyết, có nhiệm vụ củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng, PTNL cho HS. Ở bài học thực hành rèn luyện kĩ năng, PTNL thì phần bài tập là chính. Lí thuyết chỉ được nhắc lại trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ của bài tập.
Có rất nhiều quan niệm về bài tập được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra, trong đó có quan niệm sau đây khá phổ biến: “Bài tập là bài ra cho HS làm để tập vận dụng những điều đã học” [35,tr.27]. Quan niệm này chủ yếu phù hợp với các bài học về lý thuyết, loại bài tập này chủ yếu giúp HS nắm chắc các kiến thức về lý thuyết, củng cố các đơn vị lý thuyết vừa học.
Dựa vào các quan điểm của các nhà nghiên cứu đi trước, theo chúng tôi: Bài tập là một dạng nhiệm vụ học tập do GV đặt ra cho HS, trên cơ sở những thông tin
đã biết, HS phải tư duy, tìm ra cách giải quyết nhằm lĩnh hội nội dung học tập, rèn luyện kĩ năng, đạt được mục tiêu bài học, môn học đề ra.
b. Vị trí, vai trò của bài tập. * Vị trí:
Trên thế giới: việc nghiên cứu và sử dụng bài tập trong dạy học không phải là vấn đề mới trong thực tiễn mà đã được các nhà khoa học đề cập từ rất sớm. Điểm thống nhất giữa các tác giả là: giải bài tập là quá trình củng cố tri thức, phát huy nội lực trí tuệ của người học, bồi dưỡng niềm đam mê, tính sáng tạo trong khoa học nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề lí luận về thiết kế và sử dụng bài tập còn ít được bàn tới, phương pháp đánh giá kết quả mỗi bài tập chưa được nghiên cứu, điều này phần nào đã làm hạn chế tác dụng và giá trị của việc sử dụng bài tập trong dạy học.
Ở Việt Nam: bàn về vấn đề thiết kế và sử dụng bài tập trong dạy học đã có nhiều nhà khoa học quan tâm và có nhiều bài viết, trong đó điển hình là các tác giả Vũ Văn Tảo, Trần Văn Hà, Nguyễn Ngọc Quang, Nguyễn Cảnh Toàn, Thái Duy Tuyên.... Sử dụng bài tập trong dạy học có vai trò quan trọng, nó tạo ra những tình huống học tập nhằm kích thích sinh viên phát triển tư duy, bồi dưỡng năng lực tự học.
Bài tập gồm 2 dạng cơ bản: Bài tập lí thuyết và bài tập thực hành. Trong mỗi loại bài tập, có cả bài tập tái hiện, bài tập sáng tạo.
Đánh giá chung: Phân tích, tổng hợp các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước trong khoa học giáo dục về vấn đề thiết kế và sử dụng bài tập trong dạy học, chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất: Hầu hết các tác giả đều chỉ rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bài bập trong dạy học; trong đó, bài tập tình huống là dạng bài tập được các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn cả. Tuy nhiên, loại bài tập này mới chỉ tập trung rèn luyện cho HS kĩ năng xử lý tình huống trong dạy học và GD, chưa hướng tới rèn luyện cho họ những kĩ năng khác.
Thứ hai: Kết quả nghiên cứu của một số công trình khoa học gần đây nhất cho thấy mục đích của việc sử dụng bài tập trong dạy học là nhằm hướng tới giúp HS củng cố, khắc sâu kiến thức đã học, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện và hình thành những kỹ năng cơ bản về dạy học - giáo dục.
* Vai trò:
Trong thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, bài tập giữ vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo. Bài tập vừa là mục đích, vừa là nội dung, lại vừa là phương pháp dạy học hiệu quả, nó không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, con đường giành lấy kiến thức mà còn mang lại niềm vui của quá trình khám phá, tìm tòi, phát hiện của việc tìm ra đáp số. Đặc biệt bài tập còn mang lại cho người học một trạng thái hưng phấn, hứng thú nhận thức. Đây là một yếu tố tâm lý quan trọng của quá trình nhận thức đang được chúng ta quan tâm.
Trong dạy học, sử dụng bài tập là yêu cầu bắt buộc trong chương trình của mỗi môn học, bài tập chứa đựng nội dung dạy học, vì vậy kiến thức trong mỗi bài tập phải nằm trong hệ thống kiến thức được quy định trong chương trình môn học. Giáo viên có thể sử dụng bài tập trong tất cả các khâu của quá trình dạy học: Mở bài tạo tình huống có vấn đề, tổ chức lĩnh hội tri thức mới, củng cố, ôn tập... nhằm hoàn thành các chức năng giáo dục, giáo dưỡng và phát triển dạy học. Vì vậy, bài tập có những vai trò sau:
- Bài tập giúp học sinh nắm vững kiến thức hơn. - Bài tập là một phương pháp giáo dục tốt.
- Bài tập có khả năng phát triển trí tuệ, tình cảm của học sinh.
Thực tiễn DH Ngữ văn ở trường THPT cho thấy, bài tập Ngữ văn có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình dạy học:
- Bài tập Ngữ văn là phương tiện rèn luyện cho học sinh các kĩ năng như: dùng từ, đặt câu, kĩ năng diễn đạt, kĩ năng trình bày, kĩ năng cảm thụ bình giá tác phẩm văn chương, kĩ năng vận dụng các kiến thức ngôn ngữ vào thực tiến đời sống...
- Bài tập Ngữ văn được sử dụng như là một phương tiện nghiên cứu tài liệu mới trong giai đoạn hình thành kiến thức mới cho học HS, giúp HS lĩnh hội kiến thức mới một cách chính xác và vững chắc.
- Bài tập Ngữ văn là một phương tiện ôn tập, củng cố kiến thức đã học một cách sinh động và có hiệu quả. Nhiệm vụ của GV hiện tại còn là lựa chọn những bài tập hay có khả năng PTNL của HS và phù hợp với từng đối tượng học.
- Bài tập Ngữ văn còn là phương tiện rèn luyện tư duy, phương pháp nghiên cứu khoa học cho học sinh. Trong quá trình giải bài tập, học sinh phải trải qua các
quá trình phân tích, so sánh, tổng hợp, suy luận logic để tìm ra lời giải đáp cho bài tập. Chính trong quá trình đó, khả năng tư duy của học sinh ngày càng được nâng cao.
- Bài tập Ngữ văn góp phần phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh: có nhiều loại bài tập Ngữ văn đặc biệt là loại bài tập sáng tạo, yêu cầu HS tạo lập một văn bản mới không giống các văn bản đã từng có, văn bản đó là kết tinh của trí tuệ, của tư duy cá nhân của học sinh.
1.1.3.2. Hệ thống bài tập
Để có được một hệ thống bài tập, trước hết cần nghiên cứu nội dung của môn học, chương học, bài học, mối liên hệ giữa các bài học. Ngoài ra việc xác định vị trí của bài tập trong quá trình dạy học là một việc làm cần thiết, bởi vì nó sẽ giúp cho GV hình dung tiến trình giờ học sẽ thực hiện như thế nào, mối quan hệ giữa các bài tập trong tiến trình giờ học và chủ động trong tổ chức thực hiện. Thực tế, bài tập thường được GV sử dụng sau khi trang bị cho HS một lượng tri thức mới, hoặc trong các giờ luyện tập, ôn tập. Việc sử dụng bài tập như là một phương tiện củng cố tri thức đã làm giảm vai trò của bài tập, đồng thời học sinh không thấy được mối liên hệ giữa các bài tập trong giờ học, bài học. Một bài học có thể thực hiện qua một giờ học hoặc nhiều giờ học. Mỗi một giờ học bao gồm nhiều khâu như: Mở đầu, giảng bài mới, củng cố, ra bài về nhà..., giữa các khâu có mối liên hệ với nhau và cùng hướng tới thực hiện mục tiêu của bài học.
Trong dạy học, GV có thể sử dụng bài tập trong tất cả các khâu của một giờ học. Do vậy, sử dụng bài tập có hiệu quả, người GV cần nghiên cứu mục tiêu, nội dung, đặc trưng của mỗi giờ học, trên cơ sở đó dự kiến sử dụng loại bài tập gì và ở vị trí nào của tiến trình giờ học. Thực tế, có giờ học sử dụng nhiều bài tập, có giờ học sử dụng ít bài tập. Ngoài ra, cấu trúc của một giờ lên lớp là một hệ thống động, do vậy trong dạy học, GV cần phải linh hoạt khi sử dụng bài tập thì giờ học mới đạt hiệu quả cao.
Việc đổi mới phương pháp dạy học trong các trường hiện nay theo định hướng chung là phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Do vậy, phát huy tính tích cực của HS trong dạy học chính là tạo điều kiện cho họ được thực hành nhiều hơn,
một trong những phương tiện quan trọng để người GV có thể tổ chức các loại hình hoạt động học tập của HS đó chính là thông qua hệ thống bài tập.
Vận dụng khái niệm “Bài tập” và khái niệm “Hệ thống” chúng tôi quan niệm:
“Hệ thống bài tập là tập hợp các bài tập theo một trật tự nhất định, trong đó giữa các bài tập có mối liên hệ với nhau nhằm thực hiện mục tiêu của giờ học, bài học, môn học”.