Xác lập căn tính về nguồn gốc và giống nòi Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 40 - 45)

8. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Xác lập căn tính về nguồn gốc và giống nòi Việt Nam

Khi nói đến cội nguồn của một dân tộc, một quốc gia là nói đến giang sơn và nguồn gốc giống nòi của dân tộc, quốc gia đó. Lĩnh Nam chích quái đã lý giải nguồn gốc, giống nòi người Việt qua Truyện Hồng Bàng Thị giống như: “Ôi! Nếu trời đã sai chim huyền điểu xuống để sinh ra nhà Thương, thì ắt có việc trăm trứng nở ra con, chia nhau đi cai trị nước Nam, Truyện Hồng Bàng thị không thể mất được”[105, tr. 108]. Đây là câu chuyện thần thoại về thủy tổ người Việt lý giải

nguồn gốc dân tộc, thể hiện tinh thần tự tôn về xuất xứ cao quý (con Rồng cháu Tiên); nêu cao tinh thần đoàn kết, coi những dân tộc khác đều là anh em một nhà, cùng một mẹ sinh ra (đồng bào - cùng bọc).

Sự tích Hồng Bàng thị được ghi lại đầu tiên trong sách Lĩnh Nam chích quái

của Trần Thế Pháp, sau được chép vào chính sử của Ngô Sĩ Liên trong cuốn Đại

Việt Sử Ký Toàn Thư có nội dung như sau: Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần

Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, lấy về, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài xuống Thủy Phủ, lấy con gái của vua hồ Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân cho nối ngôi trị nước. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ một năm thì đẻ ra một bọc trăm trứng, mỗi trứng nở ra một người con trai rồi chia tay nhau. Âu Cơ và năm mươi người con trai đến ở đất Phong Châu (nay chính là huyện Bạch Hạc, Phú Thọ), cùng tôn người anh cả lên làm vua, đều xưng hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Đất nước được chia làm 15 bộ, gồm có dân tộc Lạc Việt là chính, đóng đô ở Phong Châu, tướng Văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng, con trai là Quan Lang, con gái là Mị Nương, các quan nhỏ là Bồ Chính. Vua Hùng truyền đến đời Hùng Vương thứ 18 thì bị Thục Phán, người nước Thục đánh bại. Thục Phán lên làm vua xưng là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (nay là tỉnh Phúc An), xây thành Cổ Loa, trị vì được 50 năm thì mất nước.

Như vậy, theo sử cũ và truyền thuyết thì viễn tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương là cháu bốn đời của Viêm Đế Thần Nông, người Lạc Việt (người Việt cổ) - chủ nhân văn hoá Đông Sơn là tổ tiên của người Việt ngày nay. Xích Quỷ là quốc hiệu đầu tiên của nước Việt. Nhà nước Văn Lang là nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam, có ranh giới phía Bắc tới hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Đông giáp biển Đông Hải. Kinh đô đầu tiên của Văn Lang đặt ở vùng Phong Châu, Bạch Hạc. Người con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua gọi là Hùng Vương (Pò khun) với phong tục đời đời cha truyền con nối, tục truyền ngôi cho con trai trưởng... Xã

hội Văn Lang là một xã hội văn hóa dù còn sơ khai. Các vị vua đầu tiên của nước Việt thời thượng cổ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và các vị vua Hùng.

Sự tích Hồng Bàng thị ít nhiều có tính chất truyền thuyết nhằm giải thích, suy tôn gốc tích giống nòi cao quý của dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết tinh giữa hai giống Tiên – Rồng, sự trộn lẫn giữa hai nền văn hóa phụ hệ và mẫu hệ. Người Việt là con Rồng cháu Tiên. Chúng ta đều có chung nguồn gốc là Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Vì vậy tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng một huyết tính. Họ cùng nhau chiếm giữ vùng núi rừng, đồng bằng (không gian đất) và miền sông biển (không gian nước) để thích nghi với điều kiện tự nhiên tạo nên một cộng đồng dân tộc ngay từ thuở khai sinh. Khái niệm “đất nước” có lẽ cũng được hình thành từ thuở xa xưa ấy. Việc Lạc Long Quân kết duyên với một vị thần nông nghiệp phản ánh ý niệm của người dân về đặc trưng sinh sống bằng nông nghiệp của tổ tiên, đồng thời ca ngợi công lao, tài năng của tổ tiên đã dày công kiến tạo nên cuộc sống như hiện tại cho con cháu. Tất cả người Việt Nam đều sinh ra từ cùng một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Hình ảnh “bọc trăm trứng” là dấu ấn nguồn cội con Rồng cháu Tiên, khẳng định ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng, yêu thương gắn bó của người Việt Nam. Theo lời cha Lạc Long Quân căn dặn, người Việt dù có“lên núi, xuống biển, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên nhau”, dù miền xuôi hay miền ngược, dù ở đồng bằng, miền núi hay ven biển, trong nước hay ở nước ngoài, đều cùng chung cội nguồn, đều là con của mẹ Âu Cơ luôn yêu thương và đoàn kết với nhau. Việt Nam là một dân tộc cổ gồm 54 tộc người: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao, Thái, Chàm, Mèo, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Tà Ôi, Khơme,... nhưng đều là trăm sông của một nguồn, trăm cành của một cội, trăm con một mẹ từ bọc trăm trứng mà ra không phân biệt chủng tộc, định kiến dân tộc. Tổ Tiên chúng ta mặc dù phải sống tiếp cận và bị cai trị bởi các triều đình phong kiến phương Bắc nhưng lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay vẫn đứng vững riêng một cõi phương Nam, không bị đồng hóa.

Sau khi Lạc Long Quân và Âu Cơ từ biệt nhau, cuộc sống của của người Việt bước sang một đời sống tinh thần mới. Để sinh tồn, con người ý thức được việc

mở mang bờ cõi lãnh thổ trên ba vùng địa lý: sông nước, miền núi, đồng bằng và bắt đầu quá trình chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống lại thiên nhiên khắc nghiệt. Ba Truyện Ngư Tinh, Truyện Mộc Tinh, Truyện Hồ Tinh đã phản ánh công cuộc kiến tạo đó. Truyện Ngư Tinh đã khẳng định sức mạnh con người Việt Nam trước cuộc đối đầu với thử thách đại dương để làm chủ trên địa bàn cư trú vùng

sông nước. Truyện này còn là dấu tích về một số các địa danh: Bạch Long Vĩ, Đảo

đầu chó, Cẩu Mạn Cầu, cảng Phật đào. Quá trình mở mang bờ cõi không phải lúc nào cũng thuận lợi vì khó khăn do các loài yêu ma, quỷ quái gây nên vẫn luôn xuất hiện. Câu chuyện còn mang ý nghĩa khẳng định sự quan trọng của yếu tố Nước – vật chất khởi thuỷ trong đời sống của người Việt cổ. Việt Nam được thiên nhiên ưu ái, ban cho một hệ thống sông ngòi dày đặc, trải khắp lãnh thổ lại có đường bờ biển dài vì thế tín ngưỡng thờ Nước của người dân Việt cũng vì vậy mà ra đời và phát triển từ rất sớm. Sau khi mở rộng địa bàn cư trú vùng sông nước, con người tiếp tục thực hiện công việc khai khẩn đất hoang ở vùng đồng bằng châu thổ với nhiều gian khó. Quá trình khai thác tự nhiên được đẩy mạnh nhờ sự giúp đỡ của Lạc Long Quân tiêu diệt cáo chín đuôi giúp người Man. Long Quân bèn ra lệnh sau đạo quân của thuỷ phủ dâng nước lên công phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Hồ Tinh bị tiêu diệt đã để lại dấu tích một cái vũng sâu gọi là “đầm Xác Cáo” (tức Hồ Tây ngày nay). Về sau, địa bàn nơi cáo chín đuôi trú ngụ gọi là Lỗ Khước thôn, gần đó có một cánh đồng bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt, làm ăn, nay gọi là Hồ Động (Hang Cáo), chỗ đất cao ráo người dân làm nhà để ở gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo, thông ở ven Hồ Tây ngày nay). Cùng với Ngư Tinh và Hồ Tinh, Mộc Tinh là đại diện cho khó khăn con người trong công việc mở mang địa bàn cư trú ở vùng trung du miền núi. Đây là một địa bàn cư trú mới, nơi rừng rậm bí hiểm “cành lá xum xuê, không biết che rợp đến mấy ngàn dặm”, nhiều bất trắc vì đây cũng là nơi ẩn nấp cũng những ác thú, loài yêu quái dũng mãnh nhất có thể “giết người hại vật” trong đó có Mộc Tinh. Chi tiết pháp sư Văn Du Tường dùng thuật chế ngự được Mộc Tinh, trả lại đất đai màu mỡ, mùa vụ bội thu cho những người nông dân chân lấm tay bùn khẳng định sự khéo léo của con người trong việc dùng trí tuệ và đạo đức vốn có của mình để sinh tồn. Ba thiên truyện mang màu sắc kỳ ảo, dân gian thấm đẫm những

huyền ảo, kỳ tích đã phản ánh công cuộc đấu tranh và chinh phục thiên nhiên của nhân dân trên ba không gian văn hoá xã hội Việt cổ: miền ven biển, miền trung du đồi núi và miền đồng bằng châu thổ. Cùng với gốc tích giống nòi Tiên Rồng cao quý của mình, Việt Nam hiện lên là một dân tộc có khả năng ứng biến, luôn cố gắng thích nghi tối ưu và tối đa với tự nhiên trong cuộc sống đời thường. Điều đó được Trần Quốc Vượng khẳng định: “Con Rồng cháu Tiên cũng là một dân tộc giỏi thích nghi, trải những thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước, luôn luôn cố gắng thích nghi tối ưu và tối đa với tự nhiên trong làm ăn… Tìm cách thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên khi đánh giặc… Tôi gọi cái bản lĩnh bản sắc biết nhu, biết cương, biết công, biết thủ, biết “trông trời, trông đất trông mây” rồi tùy thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục”… ấy là khả năng ứng biến của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam” [103, tr. 49].

Sau khi mở rộng địa bàn cư trú, người Việt cổ bắt đầu tạo dựng cuộc sống mưu sinh đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất sơ khai gắn liền với đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Trong không gian xã hội miền châu thổ, người Việt cổ đã xây dựng một nền tảng nghề nông trồng lúa nước. Việc cày cấy, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải, diệt trừ thú dữ của người dân cũng được hình thành từ đây. “Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung đồ làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, phát nương đốt rẫy. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc cây làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, rồi giết trâu

dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân” [105, tr.

32]. Ông “bố” Lạc Long Quân đầy quyền năng lại hiện lên để truyền dạy “con cháu mình” cách thức để sinh sống, tồn tại. Thuở đầu, vì lí do “giống sơn man và giống thuỷ tộc khác hẳn nhau, giống thuỷ tộc yêu kẻ giống mình ghét kẻ khác mình cho nên hại nhau”, Lạc Long Quân bèn bảo người đời xăm vào mình theo dạng thuỷ quốc. Từ đó, tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy. Với đặc điểm

địa lý đất nước mang tính chất là bán đảo, có nhiều vùng sông nước, người Việt cổ bắt đầu hình thành ở đó những bến chợ, trung tâm giao thương, buôn bán hàng hoá với những người nước ngoài. Điều đó cũng được ghi chép lại trong Truyện Nhất Dạ

Trạch. Sự tích cũng mở đầu việc mở chợ buôn bán và nhờ giao thương mà người

dân đã tự lập nghiệp để thoát cảnh nghèo khổ. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã trở thành hai nhà thương nhân đầu tiên, là hai vị thần linh bảo hộ nghề buôn bán trong tâm thức của người Việt.

Căn tính về nguồn gốc và giống nòi Việt Nam được thể hiện rõ nét trong những thiên truyện của Lĩnh Nam chích quái. Theo truyền thuyết, người Việt có gốc tích cao quý, nòi giống thần minh là con Rồng cháu Tiên, là con cái của những đấng thiêng liêng quyền uy át thế. Theo truyện thì ta và Tàu tuy cùng chung tổ tiên Viêm đế thần nông, nhưng không bao lâu sau nguồn gốc thần minh của Tàu đã bị tiêu diệt vì sự suy vong của Du Võng (con trai Đế Lai) gây nên. Ngược lại, ở phương Nam, cuộc chia tay giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ có ý nghĩa mang tầm vóc lớn lao đối với dân tộc Việt. Chi tiết về sự phân chia năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển phản ánh công cuộc khai phá, mở rộng địa bàn sinh sống của cha ông, cho thấy người Việt dù sống ở đâu cũng là anh em một nhà. Trong quá trình phát triển, xây dựng đời sống, người Việt luôn khẳng định sự đoàn kết cộng đồng, sức mạnh của dân tộc trong việc dám đấu tranh chống lại thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên ở cả ba miền: đồi núi, sông nước, đồng bằng để chiến thắng tự nhiên và tạo lập cuộc sống nông nghiệp, giao thương với những truyền thống văn hoá bản địa tốt đẹp. Bên cạnh đó trong Việt điện u linh cũng có những truyện đề cao dòng họ huyết thống giữa các thần minh và tổ tiên chúng ta qua các truyện: Truyện Chế thắng nhị Trưng phu nhân, truyện về Đổng Thiên Vương, truyện về thần Tản Viên. Sự việc có tính chất thần kì hóa, linh thiêng hóa nguồn gốc dân tộc kết hợp với óc tưởng tượng và tính kiêu hãnh dân tộc chính là để dạy con cháu về sự tôn kính, trân trọng cội nguồn, tổ tiên của dân tộc, từ đó thúc đẩy tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc trong cộng đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 40 - 45)