8. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Thần quyền như một công cụ đắc lực duy trì quyền lực của giai cấp thống trị
trị (âm phù)
Thờ thần là tín ngưỡng phổ biến của các dân tộc trên thế giới. Ở nước ta, thờ thần có nét đặc sắc đến tự hào vì các vị thần cũng trở thành những vị anh hùng giúp vua chống giặc cứu dân. Những anh hùng có công với dân với nước đều được nhân dân lập đền miếu thờ cúng, tôn làm thần linh và có thể linh ứng mỗi khi cần thiết. Tục thờ thần và tin vào thần quyền đã giúp cho dân tộc ta đứng vững và tồn tại hàng chục thế kỷ Bắc thuộc mà vẫn lấy lại được đất nước, giữ được giống nòi Việt và không bị nạn đồng hoá. Nhân dân ta từ xưa tới nay có truyền thống thờ cúng các vị thần linh vì đều tin rằng các vị đó vẫn sống mãi, bất tử và luôn phù hộ cho dân, cho nước. Chính vì niềm tin dân gian mãnh liệt ấy đã hình thành nên ý thức quốc gia, chủng tộc mạnh mẽ và quyết liệt chống đối lại Trung Hoa mặc dù chúng ta vẫn công nhận nền văn minh lâu đời của họ.
Mỗi bước đi của dân tộc Việt Nam đều có sự soi tỏ của tổ tiên. Do khí thiêng sông núi, do truyền thống bất khuất và tinh thần thượng võ của dân tộc ta đã hun đúc và sản sinh ra những anh hùng kiệt xuất luôn xuất hiện đúng lúc để phù trợ giúp vua cứu nước. Chẳng hạn như việc Hai anh em Trương Hống, Trương Hát giúp vua Lý Nhân Tông khiến cho quân Tống vô cùng khiếp sợ, hoảng loạn. Quốc đô Thành hoàng Đại vương hiển linh giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long. Sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Lý Thái Tổ bắt tay vào việc xây đắp luỹ thành đề
phòng ngừa sự xâm lăng của giặc. Thế nhưng, điều kỳ lạ là xây thành đến đâu cũng đều bị sụp đổ. Trước thực tế khó khăn, Vua Lý Thái Tổ bèn tới đền thờ thần Long Đỗ ở Đại La xin được phù trợ. Đêm đó, nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ chỉ cách xây thành theo dấu chân ngựa bạch mã. Quả nhiên, Thành Thăng Long vững chãi. Nhà vua cảm kích trước sự phù trợ của thần Long Đỗ bèn sắc phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương, lại cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ thành Bạch Mã linh từ (đền thiêng Ngựa Trắng).
Với lòng trung quân, ái quốc, các vị thần hiện lên trong các câu chuyện trở thành một cánh tay đắc lực trợ giúp triều đình và gắn bó với Nhà nước phong kiến. Khi Ngô Quyền dựng nước, giặc Nam Hán sang xâm chiếm nước ta, Bố Cái đại vương sau khi mất đã kêu gọi thần binh để giúp sức nhà vua đem lại chiến thắng hiển hách trên sông Bạch Đằng. Lý Phục Man cũng là một phúc thần phù trợ giúp vua nhiều lần, “ngài” từng phò trợ giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương, giúp Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống, lại phụng sự Thượng đế đem quân đánh đuổi giặc Chiêm thành. Lý Đô Uý giúp vua Trần Thái Tông diệt giặc Mông Cổ, thần núi Đồng Cổ giúp vua Lý Thái Tông đánh quân Chiêm, Lạc Long Quân giúp Hùng Vương đánh giặc Ân, Hai chị em họ Trưng là ra mưa giúp vua Lý Anh Tông thoát đại hạn, Lý Hoảng giúp vua vua Lý Thái Tông đánh thắng Chiêm Thành, thu phục các dân Di, Lạo,... Các thần lúc nào cũng hiển linh báo mộng cho vua chúa biết điều lành phải theo, điềm dữ phải tránh giúp cho vua tránh được những khó khăn, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Dù khi sống hay khi trở về cõi âm họ vẫn kiên trung một lòng vì dân tộc. Hương hồn của họ vẫn linh thiêng để phò giá giúp vua đánh giặc. Thật sự đằng sau các câu chuyện đều có mục tiêu chính trị rõ ràng. Thậm chí các vị thần cũng đều đặt ra yêu cầu được lập đền thờ, được giữ hương lửa thờ cúng lâu dài. Và tất nhiên vua đã trả công xứng đáng cho các vị thần và làm cho các thần mất đi cái khí thế hào hùng có tính chất thần thoại. Vì thế tất cả các vị thần trong các thiên truyện đều dùng uy quyền và công năng của mình phục cho vua, chúa như một kẻ bề tôi của triều đình ở trần gian. Từ đó uy quyền của các triều đại được lên ngôi, vương quyền của chế độ phong kiến
thống trị được duy trì nhờ thần quyền. Có thể thấy các ông Vua trong hàng loạt truyện của Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái mang màu sắc thiêng liêng kết nối trần thế với các thần linh. Đây thực chất là kết quả của việc chế độ phong kiến đề cao vương quyền và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo: vua được coi là “thiên tử” được ủy quyền để cai trị “thiên hạ” và tất cả thần dân, thánh thần đều tuân theo. Các vị thần thánh dù có tài đức siêu việt như thế nào đi chăng nữa cũng phải phục tùng “thiên tử”, cũng là bề tôi của thiên tử. Như vậy quyền lực tuyệt đối tập trung trong tay nhà vua. Thậm chí nhà vua có quyền giết cả con gái vì tội “nghịch thần, phản tặc” (Truyện Rùa vàng) hay đày dân ra đảo (Truyện Dưa hấu) vì khinh thường quyền lực nhà vua. Ở khía cạnh này, so với Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh
có tính chất quan phương và tôn giáo nhiều hơn.
Vấn đề chính trị xen vào tín ngưỡng để biến tín ngưỡng thành một công cụ nhằm củng cố, đề cao quyền lực chính trị là một vấn đề mang tính phổ biến và tất yếu kể từ khi có chính trị. Từ đó hình thành nên một “cộng đồng tôn giáo” và vương triều với hệ thống “chính trị” duy nhất mà nhân dân có thể tưởng tượng. Các ông vua đã lập nên một ý niệm chính thống về vương quyền và dựa trên nguyên lý có tính hợp pháp là các vị thần thánh bảo trợ. Như vậy ngay cả những biểu tượng cho tín ngưỡng thần linh thiêng liêng cũng bị chế định bởi lợi ích của tập đoàn cầm quyền và có tính giai cấp. Suy cho cùng, thần quyền hay sức mạnh của thần minh chẳng qua là một thứ công cụ thể hiện quyền lực của nhà nước phong kiến và những bậc thánh hiền chỉ cần lấy ý chí, lòng thành, nhân đức mà cảm thông được thần minh, tiên phật, thánh nhân. Các vị thần càng linh thiêng phục vụ triều đình được nhiều, lập công lao càng lớn thì quyền uy và thế lực của triều đình, của giai cấp thống trị càng được đề cao. Sự hiển linh của thần linh đất Việt âm phù các Vua thực chất là một cách thể hiện tinh thần dân tộc dưới sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo và tính chất phong kiến rõ rệt. Thực tiễn khi viết hai tác phẩm Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, các soạn giả đã dựa trên quan điểm của nhà nho để phân tích tư tưởng của các thiên truyện. Nhận xét về vấn đề này Đinh Gia Khánh cho rằng: “Việt điện u linh do một viên quan coi việc tế lễ soạn ra, nhằm biểu dương các thần thờ ở miếu đền. Trong từng truyện một, soạn giả chú ý nêu cao tính chất linh thiêng của mỗi vị thần đối với nhân dân đến cầu
đảo, tế tự. Như vậy tính chất tôn giáo của tác phẩm biểu lộ khá rõ rệt. Lý Tế Xuyên đã đề cao thần quyền, mà đề cao thần quyền là đề cao chính quyền phong kiến, nhà
nước phong kiến” [46, tr. 6]. Cách hiểu truyện cổ dân gian như vậy đành là đã chịu
sự hạn chế của ý thức hệ phong kiến [105, tr. 24]. Lý giải cho cho điều này, Đinh Gia Khánh chỉ ra nguyên nhân: vì Lý Tế Xuyên trước hết là một nhà nho sống dưới chính quyền phong kiến đương thời. Đó là tư tưởng của nhà nho: tin kính thần linh và hoàn toàn không phải nghe theo những điều mê tín dị đoan. Mặt khác, sự hạn chế đó là do điều kiện lịch sử quy định, khó có thể đòi hỏi người xưa phải vượt ra khỏi tư tưởng thần linh chủ nghĩa và ý thức hệ phong kiến. Mặc dù các vị thần không giấu giếm mục đích của mình là lập công để mong được hưởng sự tế tự lâu dài, xin vua quan sửa sang hoặc xây dựng đền miếu nhưng ở các vị thần đều là những người có lòng đạo hạnh, lương thiện, đều biểu lộ lòng yêu nước, thương dân, kiên quyết chống ngoại xâm, ghét điều gian ác, dâm tà và “những chiến công siêu việt của các vị đó há chẳng đáng cho dân tộc ta tự hào vì nhân vật nước ta hay sao”? Mặt khác, không phải ai có công với dân với nước cũng được gọi là thần vì “Những bậc sáng suốt ngay thẳng mới gọi là thần” và “tất cả các vị thần không phân biệt lịch sử hay linh khí núi sông đều có khí tiết cương trực, yêu thiện, ghét ác, có tình nghĩa thuỷ chung cho nên mặc dầu thần đã bị phong kiến hoá đi rồi nhưng ít nhiều vẫn cứ tiêu biểu được cho truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của dân tộc ta”. [46, tr. 8-10].
Như vậy, qua việc đề cao sức mạnh tinh thần và tôn giáo, các vị thần linh đã bất diệt, hoá thân thành những lực lượng siêu nhiên viện trợ cho các thế hệ đời sau trong lúc nguy nan bằng con đường hiển linh, âm phù. Bên cạnh sự ảnh hưởng của quan điểm phong kiến và học thuyết Nho giáo về anh hùng, siêu nhiên thì hai tác phẩm cũng đã nói lên những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Dù có tin hay không tin vào sự việc hoang đường thì sự âm phù của anh hùng đời trước đối với anh hùng đời sau lại biểu hiện sự “đồng tâm hiệp lực”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa các thế hệ trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, qua đó phản ánh sức sống mãnh liệt của những truyền thống dân tộc. Người Việt dường như có sự giao hoà với thế giới tâm linh, thấy ở đó tiềm ẩn một năng lượng vô hình nhưng hữu
hiệu. Từ đó xu hướng thiêng hoá thực tại nhằm tôn vinh công ơn của những tác giả dân gian đối với các vị anh hùng được biểu hiện rõ nét.