8. Cấu trúc luận văn
2.3.1. thức xây dựng đế chế
Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự chủ và ý thức xây dựng đế chế của dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm. Hồng Bàng được coi là một thời kỳ khởi nguyên, là triều đại mở đầu quốc thống của dân tộc Việt Nam. Điều đó được minh chứng trong Truyện Hồng Bàng thị. Rõ ràng, phương Nam và phương Bắc mỗi phương một vua đại diện cho một quốc gia, mỗi bên đều có lãnh thổ riêng, vương triều riêng và quyền lực riêng ngang bằng nhau. Sự tích Hồng Bàng cũng bác bỏ mô hình thiên tử - chư hầu của triều đại phong kiến phương Bắc áp đặt lên đối với các nước liền kề. Lịch sử cũng cho thấy 18 đời vua Hùng chưa có một vị vua nào chịu khuất phục và phụ thuộc vào các hoàng đế phương Bắc vì chúng ta không phải là nước có thân phận chư hầu. Vì vậy vua Việt vẫn có quyền xưng là con trời, là “thiên
tử” cai trị dân nước Việt. Bài thơ thần Nam Quốc sơn hà - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên đã khẳng định một chân lý hiển nhiên và thiêng liêng: Bắc có Bắc đế thì Nam cũng có hoàng đế của mình:
Nam quốc sơn hà nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Nước Trung Hoa là một quốc gia phong kiến lớn (đại bang) với tư tưởng bá quyền cao độ. Vua nước họ tự xưng Đế vì họ tự coi mình là trung tâm thiên hạ, là chúa tể thiên hạ, là “con trời” có quyền lực của “Thiên triều”. Họ tự cho mình quyền cất binh “điếu phạt” với các nước nhỏ khác và gọi các nước xung quanh là “Man di mọi rợ”. Theo quan niệm: “khắp dưới gầm trời không đâu không là đất của vua, tất cả trên mặt đất không ai không là tôi của vua”, người Trung Hoa “áp đặt” các tiểu bang (nước nhỏ) là chư hầu và vua chỉ có quyền xưng Vương nhằm ràng buộc, phục tùng “Thiên triều” của họ. Ở đây bài thơ dùng từ “Đế” là để tỏ thái độ ngang hàng, bình đẳng với nước Trung Hoa. Khẳng định “Sông núi nước Nam vua Nam ở” là một khẳng định yêu nước. Vua tức là nước, lúc bấy giờ nói vua Nam hay hoàng đế nước Nam chính là đối chọi lại với “Thiên triều” Trung Hoa. Nước ta có quyền xưng đế, các vua Việt Nam ý thức được rằng mình là hoàng đế trị nước. Tạo hoá đã định sẵn nước Việt Nam là của người Việt Nam. Đây là một tuyên bố khẳng định núi sông nước Nam là đất Nam, bờ cõi của ta – một nước có chủ quyền do Nam Đế trị vì, Bắc Đế không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nam. Nam Đế tượng trưng cho quyền lực và quyền lợi của nhân dân ta, một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ, lâu đời, một quốc gia có nền độc lập bền vững. Chân lí ấy thành sự thật hiển nhiên trong thực tế, nhưng càng rõ ràng, vững chắc hơn khi cơ sở pháp lí là sách trời là “thiên định” công nhận và không một thế lực nào được xâm phạm, nếu xâm phạm phải chuốc lấy thất bại. Đó là chân lí hợp đạo trời, thuận lòng người để khẳng định Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, ngang hàng không khác gì Trung Hoa. Phần lời tựa trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên cũng ghi chép lại điều đó: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã
phân chia giới hạn Nam - Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương” [51, tr. 14]. Mặt khác, quá trình hình thành và phát triển của dân tộc được ghi chép qua những bộ quốc sử, tiêu biểu là bộ Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu biên soạn, hoàn thành vào năm 1272 dưới triều Trần và bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Hậu Lê biên soạn, cơ bản hoàn chỉnh vào năm 1479 được coi như một dấu hiệu, một chuẩn mực của một quốc gia văn hiến, độc lập. Dân tộc ta chiến đấu không phải là để tuyên chiến mà chiến đấu chống quân xâm lược là nhân nghĩa, là phù hợp với nguyên lí chính nghĩa, là cảnh cáo quân giặc cướp nước, cho chúng biết trước cái thất bại thảm hại tất yếu sẽ đến với chúng. Đến thế kỉ XV, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo - bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai đã nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, chân lí độc lập dân tộc và khẳng định rõ Việt Nam từ lâu đời đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ, có văn hiến, hào kiệt.
Nước Đại Việt là một nước văn minh thật sự có chủ quyền độc lập đầy đủ, lãnh thổ riêng. Nhân dân ta đã gồng mình lên để ra sức bồi đắp thành nền văn hiến ngàn năm. Trên lãnh thổ này đã có dân Việt với nền văn hóa riêng, lịch sử, chế độ riêng ngang hàng với phương Bắc, anh hùng hào kiệt thì nước Đại Việt lại càng không thiếu. Thực tiễn cũng cho thấy các vua Việt Nam qua các triều đại luôn coi dân tộc mình cùng “đẳng cấp” với Trung Hoa nên đã dùng thuật ngữ “bang giao”, “Nam triều, Bắc triều”, mọi công việc nội bộ vẫn giải quyết độc lập, tự chủ, không lệ thuộc, không tiết lộ hay xin ý kiến của Trung Hoa ngoài những thông báo mang tính nghi lễ ngoại giao việc vua này lên ngôi, vua khác băng hà. Nước Đại Việt đã ý thức được độc lập về chính trị, độc lập về văn hoá, chủ quyền lãnh thổ.
Hơn nữa Vua ở Việt Nam mỗi khi giành được độc lập từ Trung Quốc cũng tự xưng Hoàng đế để không kém vua Trung Quốc về mặt danh xưng, như Lý Nam Đế (Anh liệt Trọng uy Nhân hiếu Khâm minh Thánh vũ hoàng đế), Hậu Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương (Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế), Mai Hắc Đế, Lê Lợi, Quang Trung Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng Đế,... Các vị vua này đều có quyền lực tuyệt đối đối với thần dân trong nước nhưng chưa có giá trị hợp pháp đối với các nước lân cận. Bên cạnh đó, để tránh xung đột không cần thiết với các triều đại
Trung Quốc vì học thuyết Nho giáo nói rằng một trời chỉ có một “thiên tử” hay một hoàng đế, các hoàng đế Việt Nam khi ngoại giao với Trung Hoa trên tinh thần hiếu hòa, hiểu biết, tôn trọng và cứng rắn qua các thời kỳ lịch sử vẫn hay dùng danh xưng quốc vương. Vì vậy, để đảm bảo tính chính thống về chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, để có thể duy trì quan hệ hòa hiếu với nước láng giềng khổng lồ ấy, các vua nước ta đã có đường lối đối ngoại “trong xưng đế, ngoài xưng vương” một cách “mềm dẻo”, “lấy nhu, thắng cương”, giả danh trên danh nghĩa “thần phục” Trung Hoa.
Mặt khác, Truyện Hồng Bàng thị trong sách Lĩnh Nam chích quái có phản ánh sự mâu thuẫn giữa người Việt và người phương Bắc. Sách có chép: “Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng gọi Lạc Long Quân: “Bố ơi ở đâu mà để cho người phương Bắc xâm nhiễu dân” [105, tr 30]. Vượt qua giới hạn của thời gian và không gian, Long Quân đột nhiên trở về. Sức mạnh và sự bảo trợ của Lạc Long Quân tiền thân sức mạnh vô song của loài rồng như một biểu tượng ngầm của quyền lực hoàng đế tạo sự linh ứng, huyền bí. Ngoài vai trò là ông tổ của Đại Việt, Long Quân còn hiện lên như một ông “bố” đầy quyền năng và trách nhiệm để che chở, “dạy dỗ” những đứa con phương Nam. Vậy trong Nho giáo, nếu coi rồng là đại diện cho quyền lực tối cao của hoàng đế thì Lạc Long Quân chẳng phải đã trở thành vị “hoàng đế” quyền năng đầu tiên của nước ta sao? Thực chất Lạc Long Quân mang tư cách, phẩm chất của một ông vua có tính chất huyền thoại. Người không chỉ là cội nguồn sinh thành, cội nguồn sinh dưỡng mà còn là người “thay trời chăm dân”, thay trời hành đạo, khai sáng văn minh dân tộc Việt.