8. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Tín ngưỡng dân gian là một bộ phận của văn hóa dân gian
Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: “Tín ngưỡng: lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa” [12, tr. 283]. Theo Nguyễn Thị Bích Hà, tín ngưỡng có thể hiểu là “niềm tin, sự ngưỡng mộ, tôn sùng tuyệt đối với một đối tượng siêu nhiên nào đó có ảnh hưởng, chi phối đến đời sống sinh hoạt của con người. Tín ngưỡng là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được [65, tr. 63]. Trong bài viết này chúng tôi cho rằng: Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào một lực lượng siêu nhiên, vào cái gì đó hư ảo, vô hình thiêng liêng, cao cả, gần gũi với đời sống thường nhật của người lao động. Đó là niềm tin thuộc về bản năng của con người với một hệ “chuẩn” về đức tin, giáo lý, giáo lễ, nghi lễ nhưng tiền khoa học, phi khoa học. Khi không làm chủ được cuộc đời mình, con người thường có xu hướng thoát khỏi thực tế để sùng bái, tôn thờ những thế lực siêu thực như một sự nâng đỡ tinh thần nhất định để trốn tránh, hy vọng, giải thoát, để được an ủi, cứu rỗi... Tín ngưỡng là một sản phẩm tinh thần của cộng đồng ra đời từ rất sớm trong lịch sử được nảy sinh trong thực tiễn sản xuất, trong đấu tranh cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội dựa trên cơ sở tri thức phản ánh sai lạc dưới dạng kinh nghiệm cảm tính, trực quan. Với vai trò củng cố sự cố kết cộng đồng tín ngưỡng dân gian đã tạo nên một đời sống tâm linh phong phú và huyền bí gắn kết người dân với gia đình, quê hương, đất nước.
Tín ngưỡng và tôn giáo là hai khái niệm khác nhau, tín ngưỡng nếu chưa thành tôn giáo thì bản thân nó là tín ngưỡng dân gian. Trần Đăng Sinh cho rằng: “Tín ngưỡng dân gian là sự tin tưởng, sự ngưỡng mộ vào các đấng thiêng liêng như thần, thánh, mẫu, gắn liền với các sinh hoạt văn hoá, phong tục, tập quán của các cộng đồng dân cư, có quá trình hình thành từ rất sớm và tồn tại chủ yếu ở cộng đồng làng xã, là yếu tố quan trọng tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hoá làng xã.” [109, tr. 20].
Với tư cách là phạm trù lịch sử, là thành tố của văn hoá, tín ngưỡng dân gian Việt Nam khá phong phú. Đó là sự tôn thờ các lực lượng vũ trụ và tự nhiên như: trời, đất, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp, cây cối, vật nuôi hay tôn sùng sự sinh sản, tôn thờ các vị vua, các vị anh hùng, nhân vật lịch sử, thành hoàng có công lớn với đất nước, tôn sùng các Mẫu, các vị nữ thần,... Qua đó nhằm bày tỏ sự tôn kính, thoả mãn nhu cầu tâm linh và để cầu xin các thần phù hộ cho cuộc sống ấm no, thuận hòa, tránh mọi tai ương,… Ngoài ra, dân ta còn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, họ tin rằng tổ tiên vẫn sống luôn theo dõi, chứng dám hành vi hiếu thảo của con cháu và khi cần thì phù hộ cho con cháu vượt qua khó khăn, gặp nhiều may mắn.
Nếu như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên chủ yếu ghi chép về các thần thì
Lĩnh Nam chích quái của Trần Tế Pháp không chỉ ghi chép chuyện các thần mà còn
nói đến sinh hoạt cộng đồng phong phú của người Việt cổ xưa gắn liền với phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng. Tiêu biểu kể đến là Truyện Hồng Bàng Thị có nhắc đến tục xăm mình, tục cưới xin, ma chay, văn hoá ở, cách ẩn trú của người thời xưa: “bắc cây làm nhà để tránh hổ sói” và các tục tập cổ xưa khác của người Việt cổ. Tục ăn trầu, cưới xin bằng trầu cau sau này mới xuất hiện và được nhắc tới trong Truyện
Cây cau, trồng dưa hấu để bồi bổ sức khoẻ mùa hè (Truyện Dưa hấu), tục thờ cúng
tổ tiên bằng bánh chưng, bánh giày và thể hiện quan niệm về vũ trụ: trời tròn, đất vuông khởi nguồn từ Truyện Bánh Chưng. Tục gọi người đàn ông sinh ra mình là “bố” xuất hiện từ Truyện Hồng Bàng Thị và Truyện Bố Cái đại vương. Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ nhân vật Nam Nương và các vị nữ thần nhằm trọng mẫu, đề cao vai trò của người mẹ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước phương Nam. Nhìn chung những phong tục, tập quán thời Hùng Vương còn thuần hậu, chất phác gắn liền với đời sống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước đang phát triển. Có thể nói Lĩnh Nam chích quái chứa đựng nếp sống tâm linh, triết lý sống, của người Việt. Nó là một loại thánh kinh của tín ngưỡng Việt. Vì thế khi sống trong ngàn năm Bắc thuộc mà những nếp sinh hoạt truyền thống trong đời sống của người Việt vẫn được duy trì. Người Việt đến nay vẫn không bỏ những phong tục như búi tóc, xăm mình, ăn trầu, chôn người chết trong quan tài hình thuyền hay thân cây khoét rỗng, nhuộm răng, làm bánh chưng ngày Tết,…