Việt điệ nu linh và Lĩnh Nam chích quái trong mối quan hệ với Sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 74 - 78)

8. Cấu trúc luận văn

3.2. Việt điệ nu linh và Lĩnh Nam chích quái trong mối quan hệ với Sử

Ngoài chất liệu là văn học dân gian thì hiện thực lịch sử cũng là nguồn tài liệu phong phú, đa dạng cho các tác giả Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp khai thác để tạo nên hai tập truyện Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái. Đinh Gia Khánh cũng nhận định rằng: “Giữa Việt điện u linh và các bộ sử ngày trước cũng có sự vay mượn của nhau. Lê Quý Đôn đã khen Lý Tế Xuyên là một nhà chép sử có tài. Việt điện u linh cùng với Lĩnh Nam chích quái đã từng được sử gia ngày trước dùng làm tài liệu.... Vì vậy cho nên trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và do đó, trong nhiều bộ sử sau này, ta thấy có những phần ít nhiều giống với các truyện trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái” [46, tr. 6]. Tuy nhiên, Việt điện u linh không phải là một cuốn sách lịch sử mặc dù có lúc tác giả dẫn Ngoại sử kí của Đỗ Thiện (thế kỷ XII), Đại Việt ngoại sử, Giao Chỉ ký, Giao Châu ký hay Truyện Báo cực (thế kỷ XI) mà nên hiểu theo như một chứng tích được ghi chép về những sự kiện thông qua tâm thức của những người Việt cổ đến nửa đầu thế kỷ XIV. Tức là coi Việt điện u linh như một tài liệu sử.

Là một tập lượm nhặt những truyện thần dị thiêng liêng của dân tộc đan xen nhiều yếu tố hoang đường, Việt điện u linh có ít giá trị văn học mà thiên về giá trị sử học nhiều hơn Lĩnh Nam chích quái. Thực tế cho thấy Lý Tế Xuyên giữ chức

Thủ đại tạng thư, Hỏa chính trưởng Trung phẩm phụng ngự (chức quan đứng đầu Nội mật viện, phụ trách kho tài liệu sách vở lưu trữ của Nhà nước, coi giữ việc tế lễ, tham gia quản lí bách thần). Chức vụ này đã giúp ông có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tài liệu sử học để lấy tư liệu viết tác phẩm của mình. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục có khen phương pháp sử của truyện trong Việt điện u linh đã “tỏ ra tài sử học lành nghề”. Trong mỗi thiên truyện đều có hai phần: phần kể chuyện người và phần kể chuyện thần trong đó phần kể chuyện người giống với sử. Phần mở đầu thường tác giả sẽ dẫn sách trước sau đó giới thiệu tên, họ, quê quán, rồi thân thích, hành trạng một cách sơ lược, ít sự kiện. Phần sau là phần chính của truyện kể các sự hiển linh, âm phù của thần sau khi chết và gia phong danh hiệu cho các vị thần một cách chính xác. Đây là cách ghi chép thời gian tiểu sử của nhân vật. Các nhân vật trong truyện đều là những nhân vật lịch sử như: Cao Lỗ, Phùng Hưng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Mỵ Ê, Lý Nam Đế, Lý Phục Man, Trương Hống, Trương Hát, Lê Phụng Hiểu, Mục Thận, Lý Hoảng, Lý Thường Kiệt,… Các triều đại lịch sử, tiểu sử, lai lịch, nguồn gốc, hành trạng, thời gian sắc phong của nhân vật cũng được trình bày hết sức chi tiết, minh bạch. Thời gian và địa điểm xảy ra sự kiện lịch sử trong truyện đều được ghi rất rõ ràng gắn liền với các triều đại Việt Nam. Truyện Bố Cái

đại vương lấy niên hiệu Đại Lịch đời Đường, truyện về Triệu Quang Phục lấy thời

gian thời Lương Vũ đế, truyện Nhất Dạ Trạch lấy “thời hiệu” Hùng Vương thứ tư,... Bên cạnh đó, trong Việt điện u linh ở đầu mỗi truyện tác giả thường nêu rõ tên nguồn tài liệu mà mình sử dụng. Đó là những tài liệu như: Báo cực truyện, Giao

Châu ký (Tăng Cổn), Giao chỉ ký, Tam Quốc chí, Đại Việt ngoại sử hay 9 truyện từ

cuốn Sử ký (Đỗ Thiện).

Về Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp thì lượng trích dẫn sử liệu đã bớt

đi khá nhiều so với tác phẩm của Lý Tế Xuyên nhưng ảnh hưởng của sử kí vẫn còn khá đậm nét. Những truyện về các nhân vật lịch sử chỉ còn một số truyện như: An Dương Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trương Hống, Trương Hát, Lý Ông Trọng,… Lĩnh Nam chích quái chỉ nhắc đến tên các tài liệu lịch sử (Sử ký (chưa rõ của ai), Giao Châu ký của Lỗ Công ) ở hai truyện: Truyện Hai bà trinh linh phu

Việt Nam được nhắc đến bằng cách thuật lại thời gian gia phả với sự kế tiếp của các thế hệ. Người Việt có gia phả họ Thần Nông Viêm đế, nhánh Lộc Tục Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân rồi kết duyên với Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng trong đó một trong những năm người con lên đất liền được uy tôn làm Hùng Vương. Hình ảnh bọc trứng trăm con chính tổ tiên người Bách Việt. Đấy chính là thời gian lịch sử khởi đầu cho các thiên truyện về sau. Thời gian lịch sử qua các niên đại được kể nối tiếp nhau. “Thời thượng cổ” có Truyện Hồ Tinh, Truyện Mộc Tinh, truyện Ngư

Tinh, Truyện Cây Cau. Thời Hùng Vương có các truyện: Truyện Đổng Thiên

Vương, Truyện Nhất Dạ Trạch, Truyện Bánh Chưng,... Tuy nhiên các truyện thời

Bắc thuộc, tác giả đều lấy niên đại Trung Quốc làm khung tham chiếu cho thời gian như truyện Man Nương lấy thời Hiến Đế nhà Hán,... Tính chân thật của lịch sử trong Lĩnh Nam chích quái đã có phần hạn chế mà thay vào đó là tính siêu nhiên kết hợp với trí tưởng tượng chiếm ưu thế hơn vì cuốn sách phần lớn là truyện có tính chất truyền thuyết, thần thoại, cổ tích hơn so với Việt điện u linh. Chẳng hạn Truyện

Rùa vàng thể hiện rất rõ những đặc điểm này. Thành cổ Loa là có thật đây là một hệ

thống thành được xây dựng dưới thời An Dương Vương, hiện còn dấu tích tại Đông Anh, Hà Nội. Cũng trong truyện này, những nhân vật về An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy là những nhân vật đã được ghi chép khá nhiều trong các trang sử. Hiện nay vẫn còn đền thờ An Dương Vương ở cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ở đó cũng có tượng đá công chúa Mỵ Châu cụt đầu và giếng nước nơi Trọng Thủy tự tử. Đan xen giữa câu chuyện lịch sử là những tình tiết có tính chất kỳ ảo về chuyện tình Mị Châu - Trọng Thuỷ và cái chết của An Dương Vương. Yếu tố dân gian xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái thực chất là tín hiệu của đời sống folklore. Các truyền thuyết trong truyện đã được văn bản hóa để hun đúc lên chiều dài của lịch sử dân tộc. Tác phẩm là một sưu tập truyện dân gian, nên chưa tách khỏi các đặc trưng của văn học dân gian. Vũ Quỳnh trong lời Tựa sách Lĩnh Nam chích quái cũng cho rằng: “Những truyện chép ở đây là sử trong truyện cổ chăng”. Sau đó ông đi đến nhận định: “Việc tuy kì dị mà không quái đản, văn tuy thần bí mà không nhảm nhí, tuy nói những chuyện hoang đường mà tung tích vẫn có bằng cứ”. Như vậy, lịch sử trong tác phẩm không phải là “lịch sử ở bề mặt, mà là lịch sử ở chiều sâu”. Những

nhân vật lịch sử trong truyền thuyết dân gian đều trở thành biểu tượng của một ký ức cộng đồng. Tính sử được thể hiện trong hình tượng các nhân vật (Hai Bà Trưng, Phù Đổng thiên vương,...) các sự tích (Trầu cau, Bánh chưng bánh giầy,..), lễ hội (hội đền Gióng, Sóc Sơn; hội Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ) được lưu truyền lại đến ngày nay. Một ví dụ tiêu biểu cho nét khác biệt này là dẫn chứng về nhân vật Sơn Tinh. Nếu như Việt điện u linh chỉ nói về tiểu sử, công trạng ngăn lũ của Sơn Tinh thì Lĩnh Nam chích quái lại tập trung vào miêu tả sức mạnh hiển linh, âm phù của vị thần này trong công cuộc chống tà thần. Bên cạnh đó sau mỗi thiên truyện của Lĩnh Nam chích quái không còn phần sắc phong các vị thần như Việt điện u linh. Điều đặc biệt của Lĩnh Nam chích quái là lần đầu tiên xây dựng một diễn trình lịch sử từ thời hồng hoang bằng con đường tổng kết huyền tích, thần thoại. Chính vì thế cốt lõi lịch sử trong Lĩnh Nam chích quái đã trở thành tiền đề cho các bộ lịch sử đời sau nhắc tới.

Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay luôn phải “gồng mình lên” để chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm và bảo vệ địa bàn sinh sống của mình. Do đó, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước thương nòi và tinh thần cộng đồng được kết tinh từ rất sớm trong thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. Việt điện u linhLĩnh Nam

chích quái cũng đã vận dụng những nội dung, cốt truyện, nhân vật dân gian và chi

tiết lịch sử để tái tạo lại câu chuyện dân gian gắn liền với thực tiễn lịch sử dân tộc. Những truyền thuyết, thần thoại cổ xưa như: Lạc Long Quân - Âu Cơ, An Dương Vương, Truyện Rùa vàng, Truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Truyện Thánh Gióng, Truyện cổ tích Bánh chưng bánh giầy,… đã nói về gốc gác cội nguồn giống nòi, cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ và chống giặc ngoại xâm của người Việt cũng được tái tạo lại trong hai cuốn sách. Ý thức văn sử bất phân làm cho hai tác giả chép lại các thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích như là những yếu tố đan xen, trú ngụ trong những tình tiết có tính chất lịch sử. Việt điện u linh là sách ghi lai lịch chư thần ở cõi u linh, mà thần là sản phẩm của thần thoại, truyền thuyết nhưng lại được tác giả khẳng định “chép lại sự thực” (bài tựa của Lý Tế Xuyên).

Với lối viết “sử trong truyện”, sử hóa các thần thoại, truyền thuyết, cổ tích dân gian, thực chất hai tác phẩm mang chiều kích “siêu lịch sử”, là minh chứng về

lịch sử về chủ quyền, độc lập dân tộc. Các câu chuyện tuy ít nhiều mang tính thần thoại, truyền thuyết, cổ tích nhưng vẫn mang tính chất lịch sử rõ ràng. Đó là tinh thần của lịch sử, hồn cốt của lịch sử chứ không phải là bản thân lịch sử. Điều đó được thể hiện qua các phương diện: nguồn gốc giống nòi, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, tín ngưỡng, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử,... Tuy nhiên quá trình lịch sử được phán ánh mang tầm vóc cao hơn, vĩnh cửu hơn sự thật lịch sử vì bản thân hai tác phẩm không phải là lịch sử mà chỉ lấy lịch sử làm nền cho hư cấu. Các truyện trong hai tuyển tập không hẳn là lịch sử cũng chẳng phải là truyện hoang đường thuần tuý, cái thực và ảo hoà quyện vào nhau. Dẹp bỏ nỗ lực truy tìm chứng cứ, đằng sau những chiến công bất diệt của dân tộc luôn tồn tại một niềm tin dân gian mà tác giả và nhân dân đều tin tưởng nhằm tôn vinh, sùng bái tuyệt đối quá khứ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)