Tín ngưỡng dân gian thờ nhân thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 68 - 73)

8. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Tín ngưỡng dân gian thờ nhân thần

Trong tâm thức của người dân Việt có quan điểm về sự tồn tại của một thế giới siêu nhiên, làm mẫu mực cho cuộc đời này hướng tới. Người Việt luôn nghĩ: “Sống về mồ về mả, không ai sống về cả bát cơm”, có nghĩa là bên cạnh thế giới trần gian với vật chất và thân xác còn tồn tại một thế giới thần linh khác mà ai nấy cũng đều tôn trọng. Trong thế giới đó, người có công “cứu giúp sinh linh” sẽ được tôn thờ trở thành các vị thần, thánh. Theo quan niệm của dân gian mang tiềm thức Phật giáo thì những người anh hùng có công lao lớn với tập thể, dân tộc đều được ca ngợi và tôn vinh làm thánh, thần vì khi con người chết đi, thể xác thì mất nhưng linh hồn thì vẫn còn. Linh hồn, linh khí của họ còn mãi trong tiềm thức nhân gian như một sự biết ơn, niềm ca ngợi, niềm tự hào của nhân dân đối với công lao của người anh hùng đó. Thần linh xuất hiện ở quan niệm về thế giới tâm linh con người mà ra. Đó chẳng qua là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng và cả sự phản kháng của người dân trước những thực tế xã hội. Cũng từ thế giới tâm linh của họ mới xuất hiện những vị thần linh luôn có mặt mỗi khi Thăng Long nói riêng và dân tộc nói chung đứng trước những bước ngoặt có giặc ngoại xâm đánh chiếm. Đa số các vị thần có hành trạng và công lao giống nhau: hiển ứng giúp triều đình đánh giặc, cứu dân. Các vị thần này đều nhận mệnh lệnh của Thiên đình giáng lâm xuống nhân gian để ban phúc lành che chở cho dân, trợ giúp triều đình sau đó lại trở về trời. Đối với nhân dân, những vị anh hùng không bao giờ chết mà chỉ là trở về với đúng vị thế của họ là các “ngài”, thần, thánh ở thế giới bên kia. Những người anh hùng đó mang những phẩm chất, tài năng phi thường đại diện cho sức mạnh tập thể, dân tộc mà nhân dân muốn gửi gắm ước mơ, khát vọng của cả cộng đồng, dân tộc ấy.

Việt điện u linh là tập truyện mang đặc trưng của xu hướng lịch sử với mục

đích thần thánh hoá nhân vật theo quan điểm của Nho giáo và tín ngưỡng dân gian. Căn cứ vào các truyện được ghi chép trong Việt điện u linh (18 truyện) chúng tôi có liệt kê được 17 các vị nhân thần được tôn thờ. Các vị đế vương khí chất bất phàm bao gồm: Phùng Hưng, Triệu Việt Vương, Lý Nam đế, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Mỵ Ê, Lý Hoảng. Các vị phụ thần trung nghĩa bao gồm: Cao Lỗ, Lý Ông Trọng, Lý Thường Kiệt, Phạm Cự Lưỡng, Lê Phụng Hiểu, Mục Thận, Trương Hống, Trương

Hát, Lý Phục Man, Lý Vương. Căn cứ vào các truyện được ghi chép trong Lĩnh

Nam chích quái chúng tôi có liệt kê các vị nhân thần được tôn thờ gồm: Phù Đổng

Thiên Vương, Lý Ông Trọng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trướng Hống, Trương Hát, Thần Ma La, Ân Hậu, Thôi Vỹ.

Tín ngưỡng thờ các nhân thần ở Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, liên tục tồn tại và phản ánh sâu đậm quá trình dựng nước, giữ nước đầy cam go nhưng vô cùng hào hùng và oanh liệt của dân tộc ta. Những nhân vật được tôn làm thần là các nhân vật lịch sử, nhân vật văn hoá, anh hùng có công giữ nước, dựng làng, tổ nghề, là linh khí núi sông và thậm chí là người chết bất đắc kỳ tử nên thiêng hoá thần. Theo Nguyễn Tô Ly trong bài nghiên cứu có nhan đề: “Thần trong thần tích tại Huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận” có nêu khái niệm về nhân vật lịch sử như sau: “Nhân vật lịch sử (nhân thần) là những vị thần có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, từng có đóng góp trong lịch sử và đã được ghi trong chính sử (cho dù phần lớn những vị thần này ít nhiều đã được dân gian hóa, kỳ diệu hóa, thần linh hóa”. [57, tr. 104 - 109.] Nhưng trong số các thần đó số lượng đông hơn là các nam thần. Đó là các thần khi sống vốn là các bậc đế vương uy dũng, là bề tôi của triều đình có công với dân làng, được vua cùng dân làng suy tôn và thờ cúng. Đó là những vị thần có lòng yêu nước, cứu nước, có công trạng với dân, vì dân. Để giải thích nguồn gốc xuất thân của các vị thần này, các nhà nho giải thích bằng thuyết “địa linh sinh nhân kiệt”, “dòng sinh khí của núi sông Việt Nam đã hun đúc, sinh ra nhiều anh hùng cái thế”.

Đối với nhân dân những vị nam thần đều hội tụ những phẩm chất, tài năng, trí tuệ cao đẹp của thời đại. Ở họ đều mang vẻ đẹp hoàn hảo, hơn người, hơn đời, anh minh, siêu phàm. Từ đó họ được nhân dân tôn sùng, phóng đại, lý tưởng hóa, thần thánh hóa trở thành hiện thân của cả cộng đồng. Chẳng hạn như Phù Đổng Thiên Vương, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ kết tinh ý chí và lực lượng của nhân dân, Hai Bà Trưng biểu tượng trường tồn cho tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, Bố Cái đại vương – một vị vua uy dũng, nhân hậu, hết lòng vì nước vì dân,...

Những ai có công với nước, với dân tộc và cộng đồng thì khi mất đi, đều được suy tôn là thần linh không phân biệt là nam hay nữ. Trong tín ngưỡng dân gian

của người Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ cũng luôn được coi trọng, suy tôn và đề cao. Tín ngưỡng đó bắt nguồn từ chế độ thị tộc mẫu hệ hay thị tộc mẫu quyền thời nguyên thuỷ mà người đứng đầu là phụ nữ có công lao “mang nặng đẻ đau”, là người khai sáng văn hoá dân tộc chủ yếu giữ việc hái lượm, tham gia săn bắt, chăn nuôi, làm thủ công, buôn bán. Từ đó hình ảnh các bà mẹ, người vợ được nhân dân tôn kính trở thành tín ngưỡng văn hoá bản địa - thờ Mẫu. Chúng ta biết đến Mẹ Âu Cơ với cái bọc trăm trứng nở ra một trăm người con biểu tượng cho cội nguồn sinh dưỡng của dân Việt. Mẹ dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải mở màn cho nền văn minh lúa nước; Mẹ của Thánh Gióng - biểu tượng cho người sản sinh ra vị anh hùng khổng lồ trong công cuộc bảo vệ đất nước; Mẹ Man Nương với hòn đá phát sáng (Thạch Quang Phật) trở thành Phật Mẫu và các con là các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp trở thành Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ) gắn bó với đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Mẫu hay mẹ là thần linh nữ giới, tượng trưng cho văn hóa âm tính của người Việt Nam và là biểu tượng của đất mẹ. Hình ảnh những người mẹ gắn liền với quyền năng sinh sôi, dạy dỗ, cưu mang, che chở cho con người trước địch hoạ và thiên tai đã phản ánh một chặng đường dài phát triển của lịch sử dân tộc với quá trình dựng nước và giữ nước. Với đặc trưng phong thần của nhà nước phong kiến, các bà mẹ đã hoá thân vào quê hương, đất nước rồi hiện lên với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu. Việc tôn thờ các nữ thần cũng thể hiện sự công bằng, hài hoà giữa yếu tố nam thần và nữ thần. Mặt khác, quan niệm âm dương là ngọn nguồn của tạo hoá, trời - cha - dương, đất - mẹ - âm là tư duy phổ biến của người Phương Đông. Đặc biệt, trong quan niệm của người Việt, người đàn ông thuộc dương biểu tượng cho trời, người phụ nữ thuộc tính âm biểu tượng của đất, của sự sinh sôi, nảy nở, bảo tồn duy trì nòi giống. Có thể nói, ý thức về sự tôn thờ nữ thần là một nhu cầu tâm linh thiết yếu. Đó cũng chính là sự thừa nhận quyền năng và vị thế của phụ nữ trong lịch sử.

Các vị nữ thần ở đây có thể là các bà mẹ của tự nhiên, người vợ nông nghiệp hay các bà mẹ lịch sử hoặc những vị nữ anh hùng kiệt xuất được dân tộc tôn vinh. Họ đã đóng góp rất nhiều công trạng, chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hai nữ Vương đầu tiên của dân tộc Việt Nam cưỡi voi ra trận chính là

Hai Bà Trưng. Với tinh thần hiên ngang, ý chí quật cường và lòng dũng cảm. Hai bà đã đem lại cho dân tộc một nền độc lập tự chủ. Năm Tân Sửu nhà Hán sai Mã Viện đưa hai mươi vạn quân sang xâm lược nước ta. Trước thế giặc hung hãn, quân ta anh dũng chống trả. Trận đấu ác liệt đã diễn ra ở Lăng Bạc – Đồng Triều, Yên Phong – Hà Bắc. Rồi sau đó hai bà rút quân về Cẩm Khê (Quốc Oai- Hà Nội). Ngày mùng 6 tháng 12 năm Quý Mão, sau khi phóng những mũi tên cuối cùng vào kẻ thù, Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết.

Môt trong những yếu tố góp phần tạo nên đời sống văn hoá dân gian phong phú đó chính là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Chính việc tôn thờ, bất tử hóa các nhân vật lịch sử tạo nên tín ngưỡng này mang đặc trưng riêng của văn hóa làng xã Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng đã có ở Trung Quốc từ thời cổ đại còn ở nước ta tín ngưỡng thờ thần này xuất hiện từ thời Bắc thuộc và vị thần đầu tiên được sắc phong là thành hoàng chính là thần Tô Lịch. Theo Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên thế kỷ XIV viết: “Vương họ Tô, húy là Lịch, làm quan lệnh ở Long Đỗ. Tiên tổ ở đất này cũng đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ...” [46, tr. 31]. Khi Cao Biền làm thái thú ở Giao Châu, vốn là thầy phù thuỷ có nhiều phép biến hoá. Một hôm đi qua sông Tô Lịch, hắn định trấn yểm long mạch nhằm diệt trừ nhân tài, linh khí nước Nam nhưng bị thần Tô Lịch hoá phép vân vũ. Hắn khiếp sợ nên bỏ chạy về nước.

Thành hoàng làng ở Việt Nam là vị thần bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng làng. Đó là những vị thần có lí lịch rõ ràng (có thật hoặc không có thật) không chỉ có chức năng quân sự mà còn có chức năng kinh tế, giáo dục, y tế, bảo quốc, hộ dân… bảo trợ về vật chất và tinh thần cho dân làng. Bên cạnh đó thành hoàng là công cụ tinh thần biểu hiện uy quyền tối thượng của nhà vua và cũng có khả năng hạn chế uy quyền đó vì có khi “phép vua thua lệ làng”. Nhân dân ta tin rằng đất có thổ công, sông có hà bá, cảnh thổ nào phải có thần hoàng ấy, vì thế phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân. Hầu hết những vị Thành hoàng ở nước ta là các vị anh hùng dân tộc. Ở mỗi địa phương, nhân dân hiểu khá rõ về căn tích của Thành hoàng được thờ tại địa phương mình. Việt điện u linh là tập sách ghi chép nhiều

truyền thuyết về các vị thần linh Việt Nam từ thời xa xưa, trong đó có ghi một số thần tích các thành hoàng như: Tô Lịch, Long Đỗ, Bố Cái đại vương,…

Từ những khảo sát trên, chúng ta thấy số lượng các nhân thần được tôn thờ trong Việt điện u linh có phần nhiều hơn số lượng các nhân thần so với Lĩnh Nam chích quái. Các vị thần trong Việt điện u linh tập là những vị thượng đẳng thần thông minh chính trực không phải hạng dâm thần, tà ma quỉ quái. Các vị thần này đều “cống hiến” uy quyền và công năng của mình phục cho vua, chúa của nhà nước phong kiến như một kẻ bề tôi của triều đình ở trần gian. Về Lĩnh Nam chích quái

ngoài những chính thần còn bán thần (Hà Ô Lôi), dâm thần, hung thần, tà thần, các loài yêu quái, những cao nhân tu hành đắc đạo mang màu sắc tôn giáo hay người phàm trần có phẩm chất, năng lực phi thường và ít nói về nhân vật lịch sử được dân gian hoá. Nếu như các vị thần ở Việt điện u linh có quan hệ mật thiết với nhà nước phong kiến trong công cuộc chống giặc thì các vị thần trong Lĩnh Nam chích quái

có mối quan hệ mật thiết với nhân dân trong cuộc sống sinh hoạt đời thường. Lý giải cho sự khác biệt này, trước hết là do ý đồ sáng tác của mỗi tác giả. Việt điện u linh là do một viên quan coi việc tế lễ của nhà nước phong kiến sáng tác. Lý Tế Xuyên soạn Việt điện u linh nhằm biểu dương các vị thần ở miếu đền nước ta vì thế tính chất của tác phẩm có phần chức năng, chính thống, chính đạo và đòi hỏi sự trang nghiêm. Có thể nói Việt điện u linh có phần gần với sử hơn vì tác phẩm chỉ ghi chép về những con người tôn quí hay thượng đẳng thần. Còn Trần Thế Pháp, ông hướng ngòi bút của mình đến gần với đời sống nhân dân hơn mà ở đó thần với người có mối quan hệ trần tục phức tạp. Mặt khác, Lĩnh Nam chích quái là một tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích được lưu truyền trong dân gian nên về nội dung có sự phóng khoáng, tự do hơn. Dù tiếp cận thực tế dưới góc độ nào đi chăng nữa thì quan điểm sưu tầm và sáng tạo của hai tác giả đã thể hiện rõ ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc.

Việc thờ các vị nhân thần ở nước ta mang tính phổ biến trở thành nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là biểu hiện của sự biết ơn, niềm tự hào, thể hiện rõ ý nguyện đoàn kết dân tộc, sức mạnh và niềm tin của toàn thể cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Đây không phải là sự phản ánh của những tư tưởng mê muội và lạc

hậu mà được nhìn nhận theo hướng ngược lại. Lai lịch của các vị nhân thần hay nhiên thần được cố đi tìm lại theo nhãn quan Nho giáo là những nhân vật có công phò vua giúp nước, hay ít ra là những anh hùng văn hoá được triều đình sắc phong. Đó là tín ngưỡng truyền thống chứa đựng hình ảnh của tinh thần dân tộc mang bản sắc văn hoá dân tộc góp phần vào công cuộc chấn hưng kinh tế xã hội ngày nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)