Chiến đấu chống tà thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 51 - 56)

8. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Chiến đấu chống tà thần

Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước dân tộc Việt Nam không chỉ phải chiến đấu với các thế lực thù địch trên chiến trận mà còn phải đối đầu với một cuộc chiến vô hình chống tà thần nửa hư nửa thực. Đó là cuộc chiến đấu giữa con người với các loài yêu ma, yêu tinh, thuỷ quái, yêu tà, quỷ dữ, bùa chú, tà thuật, pháp thuật... phản ánh công cuộc chinh phục thiên nhiên và khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc. Điều này được huyền thoại hóa bằng những kỳ tích Lạc Long Quân chống Thủy Tinh (lụt lội), diệt trừ Ngư Tinh (miền sông nước), đánh Mộc Tinh

(miền rừng núi), diệt Hồ Tinh (miền đồng bằng châu thổ); Thần Long Đỗ, Thần núi Tản Viên giải trừ bùa yểm của Cao Biền; Mục Thân bắt Lê Văn Thịnh hoá hổ mưu hại vua, nhân vật Đại Điên trong Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không,...

Trước hết là nhóm yêu quái ngông cuồng, hại người, gây cảnh khốn khổ cho nhân dân. Theo truyền thuyết và ghi chép trong cuốn Lĩnh Nam chích quái thì ở “ngoài biển Đông có con ngư tinh xà còn gọi là Ngư Tinh, dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ [105, tr. 37]. Có hòn đá ngư tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ biển, ở dưới đá có hang Ngư Tinh sống ở trong đó. Vì sóng gió hiểm trở không có lối thông. Thuyền của dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư tinh làm hại” [105, tr. 38]. Lạc Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của dân, lại lệnh cho quỷ Dạ Thoa không được nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá nơi Ngư Tinh ở, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định đớp thì Lạc Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá, Ngư Tinh đau đớn chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên núi (nay là đảo Bạch Long Vĩ), còn đầu trôi ra bể biến thành con chó. Long Quân liền lấy đá ngăn bể rồi chém chó. Cái đầu biến thành một ngọn núi (nay gọi là Cẩu Đầu Sơn), thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy hoặc Cẩu Đầu Thủy.

Ngoài truyền thuyết diệt Ngư Tinh còn có truyền thuyết đánh đuổi Mộc Tinh. Trong cuốn Lĩnh Nam chích quái có chép ở vùng đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây chiên đàn (ngô đồng) cao hơn ngàn trượng, cành lá sum suê, che rợp tới mấy ngàn dặm. Có chim hạc đến đậu nên đất chỗ đó gọi là đất Bạch Hạc (nay gần Việt Trì, Phú Thọ). Trải qua mấy ngàn năm, cây trở nên khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương thấy dân khổ sở, liền ra tay dùng thần thuật trấn áp được yêu sau đó Văn Du Tường- một pháp sư người phương Bắc giết chết yêu và bỏ tục lệ cống nạp người sống cho yêu quái.

Nối tiếp chiến tích trừ yêu diệt ma của Lạc Long Quân là câu truyện mang lại sự yên ổn cho nhân dân ở đồng bằng. Ở vùng đất ven sông Nhĩ Hà, Thăng Long

xưa có hòn núi đá nhỏ, dưới núi có hang, trong đó có con cáo chín đuôi sống hơn nghìn năm có thể biến hoá thành yêu quái. Hồ Tinh biến hóa vạn trạng, khi thành người, lúc thành quỷ ở khắp nhân gian; con người rất khổ sở vì bị nó làm hại. Lạc Long Quân thấy vậy liền ra lệnh cho lục bộ thuỷ phủ dâng nước lên phá hang đá, bắt được Hồ Tinh bèn giết đi. Sau nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm Xác Cáo” (tức Hồ Tây ngày nay).

Cũng nói về sự việc diệt trừ thuỷ quái, Sơn Tinh – Thủy Tinh là một truyền thuyết nổi tiếng, khắc hoạ cuộc chiến chống thiên tai, lũ lụt của người Việt Nam xa xưa. Chỉ vì mang lễ vật đến chậm nên không lấy được Mị Nương, con gái vua Hùng thứ 18, Thuỷ tinh uất ức bèn kéo mây làm mưa, dâng nước ngập tràn rồi đem các loài thuỷ tộc đuổi theo đánh Sơn Tinh. Thủy Tinh thua trận, từ đó đời đời thù oán, hàng năm vẫn dâng nước làm lũ lụt để đánh Sơn Tinh.

Bốn truyền thuyết diệt trừ yêu ma, yêu tinh, thuỷ quái trên là sự phản ánh huyền ảo cuộc chiến đấu giữa con người thời Hùng vương với thiên tai, địch họa để duy trì sự sống còn cho xã hội và quốc gia Việt cổ.

Những câu chuyện hư ảo, kỳ quái nhiều hơn thực tiễn còn được các tác giả kể lại qua câu chuyện Lê Văn Thịnh hoá hổ mưu hại vua tại hồ Dâm Đàm (Hồ Tây). Trong Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên có ghi chép rằng: Trong thời vua Lý Thái Tông, quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một người gia nô người Đại Lý có thần lạ: đọc thần chú xong biến hình thành hổ báo, Văn Thịnh cố dỗ để dạy mình thuật ấy, học được thuật rồi liền lập mưu giết tên gia nô và định dùng thuật hại vua để cướp ngôi. Bấy giờ vua Nhân Tông ngự ra Hồ Tây xem đánh cá; thuyền Vua đang bơi trong hồ, bỗng thấy mây mù nổi lên phủ kín rồi nghe có tiếng mái chèo tới gần, trong đám mây mù trông thấy có con hổ lớn nhe răng, giương vuốt chực hại người. Nhân Tông hoảng sợ bối rối. Lúc bấy giờ Mục Thận đang ngồi thuyền đánh cá ở gần, nhìn kỹ thấy thế liền quăng lưới chụp vào thuyền kia, bắt được con hổ và nhận ra là Lê Văn Thịnh. Vua truyền lấy giây sắt trói lại, giam vào cũi, rồi đẩy lên miền Thao giang. Sự việc Lê Văn Thịnh năm 1096 có bị oan hay không vẫn là một dấu chấm hỏi chưa được làm sáng tỏ nhưng tất thảy câu chuyện có yếu tố kỳ ảo, biến hoá của học phép. Các nhà nghiên cứu cho rằng bản chất của vụ án này là sự

xung đột giữa một bên là ý thức hệ Phật giáo, mà đại diện Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông, và một bên là ý thức hệ Nho giáo mà đại diện là Thái Sư Lê Văn Thịnh.

Nhân vật Đại Điên trong Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không cũng là một nhân vật đại diện cho tà thần. Là một đứa trẻ mới lên ba, Đại Điên tự cho mình là hoàng tử, lấy hiệu là Giác Hoàng, vua làm gì đứa trẻ ấy điều biết. Từ Lộ cho rằng đó là linh dị, là yêu tà mê hoặc. Để diệt trừ yêu ma, Từ Lộ đã làm phép bùa chú. Đại Diên chết, Lý Nhân Tông truy bắt Từ Đạo Hạnh đem về Hưng Thánh lâu. Từ Đạo Hạnh xin với em vua là Sùng Hiền Hầu cứu thoát và hứa sẽ làm con của Hầu để trả ơn.

Khi xưa người Trung Hoa xâm chiếm Việt Nam lịch sử chỉ mới nói về các cuộc chiến tranh trực diện giữa vũ khí và quân đội với nhau nhưng có một cuộc chiến tranh khác, một cuộc chiến tranh thần thánh hơn nhiều và siêu hình hơn đó chính là cuộc chiến tranh chống tà thần. Đây là cuộc chiến biểu hiện từ ngàn đời xưa và đến nay có thể vẫn tiếp tục xảy ra. Nói đến sự việc có tính siêu linh này, chúng ta chắc hẳn không quên được nhân vật Cao Biền trấn yểm long mạch thành Đại La để triệt hạ nhân tài. Khoảng 1200 năm trước, tướng Cao Biền nhà Đường sang nước ta làm An Nam tiết độ sứ. Vốn là bậc thầy phong thủy, Cao Biền đã phát hiện một mạch đất cực lớn thuộc loại “đại cán long” xuất phát từ núi Côn Lôn bên Trung Quốc, chạy đến Việt Nam chia làm ba chi lớn, trong đó có hàng chục ngôi đất xuất sinh thiên tử và hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ sẽ sinh ra các bậc anh tài. Cao Biền phát hiện ra Thăng Long là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi “đệ nhất đại huyết mạch, đế vương quý địa” và có “long mạch” để yểm bùa xuống. Cao Biền đã đi khắp nơi để tầm long điểm huyệt, ông không ngờ trên dải đất phương nam nhỏ bé kia lại có nhiều điểm huyệt quý giá đến vậy. Thậm chí, ông đã ghi chép lại toàn bộ những địa điểm được cho là long mạch của Giao Chỉ và tổng hợp thành cuốn “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” trình lên vua Đường. Những câu chuyện ly kỳ và huyền bí về sự việc yểm bùa của Cao Biền cũng được ghi chép trong hai tập Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái.

Trong Lĩnh nam chích quái chép rằng khi xưa Cao Biền sang ta đắp thành Đại La. Một buổi trưa, Cao Biền bèn ra cửa Đông dạo chơi. Bỗng đâu gió nổi, mây mù mịt. Trong làn mây thấy một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Cao Biền sợ hãi, ngay lập tức nảy sinh ý định lập bùa trấn yểm. Đêm đến, Cao Biền nằm mộng thấy vị thần cao lớn ấy hiện ra khoan thai nói: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các đại linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép” [105; tr 76]. Tỉnh dậy, Cao Biền lấy đồng, sắt chôn xuống để trấn yểm. Bỗng một cơn bão rất to ập đến, đổ cây, tung đất, bao nhiêu đồng sắt đã yểm đều tan thành tro bụi. Cao Biền hoảng hồn, than thở “xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ” [105, tr 76]. Biền trở về nước và bị giết, Cao Tàm được cử sang thay. Truyện Núi Tản Viên

(trích Lĩnh Nam chích quái) cũng ghi lại sự việc khi xưa Cao Biền muốn trấn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai, tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. Cao Biền bèn đem thuật đó để trấn yểm thần núi Tản Viên thế nhưng thần núi cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt mà bỏ đi. Cao Biền hoảng sợ mà than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được”.

Sự việc Cao Biền trấn yểm nước Nam là một sự việc điển hình có tính giai thoại nhiều hơn thực tiễn. Đánh giá về giai thoại này đó là một biểu hiện phản kháng trong lĩnh vực văn hóa “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Mỗi một thời người phương Bắc mạnh lên dù về mặt trí tuệ, quân sự, phong thuỷ, địa lý, pháp thuật,... thì đều có những người Việt Nam tài giỏi đáp ứng hoặc trước, hoặc sau. Nếu như Cao Biền nhiều tài phép để hù dọa dân ta, thì dân ta cũng có những vị thần Long Đỗ, thần Tản Viên không sợ tài phép của Cao Biền. Thực ra trước đó các nhà tinh thông địa lý, phong thuỷ như: Lưu Chi, Thiền sư Định Không, Thiền sư Đinh La Quý, Thiền sư Thông Thiện,... đã biết trước vụ Cao Biền qua Việt Nam sẽ trấn yểm các nơi linh địa, cũng như các long mạch trên đất Việt. Rõ ràng, ngay từ thời huyền sử lập quốc, chúng ta là một dân tộc được hun

đúc từ địa linh và sinh khí ngút trời “khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh toả rộng đến đời sau” nên rất khó có một thế lực tà thần nào có thể chiến thắng được. Mạch nguồn sự sống nước Việt Nam là sự hội tụ linh khí trời đất phương Nam và ý thức của cư dân trong việc bảo vệ cộng đồng. Sự chiếm đóng, đồng hoá của thế lực phương Bắc không thể phá vỡ được tinh thần quật cường và lòng tự tôn dân tộc. Những thủ đoạn tà ma, pháp thuật, trấn yểm,... cũng không thể cắt phá được long mạch của dân tộc đó là vì linh khí đất Việt vẫn cuồn cuộn chảy trong mạch đất và lòng người dân tạo thành sức mạnh vì cội nguồn chung. Trải qua hàng nghìn năm phong kiến Trung Hoa, trăm năm giặc ngoại xâm, địa linh nước Việt với dấu tích linh thiêng vẫn xuyên suốt và thống nhất hàng nghìn đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự kiến tạo căn tính dân tộc qua việt điện u linh và lĩnh nam chích quái​ (Trang 51 - 56)