Khái quát về cảng biển

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG (Trang 27 - 31)

1.1.1.1. Khái niệm cảng biển

Cảng biển là nguồn tài sản lớn của mỗi quốc gia có biển và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế. Cảng được coi là đầu mối giao thông quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một đất nước và là một mắt xích trong dây chuyền vận tải có tính quyết định chất lượng của cả chuỗi vận tải và logistics.

Theo Điều 73, Mục 1, Chương IV, Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam (2015) đã nêu ra định nghĩa cảng biển như sau: “Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.”

Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Đình Đào (2012) đã nêu rằng : “Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để xếp dỡ hàng hóa, đón trả khách và thực hiện các dịch vụ khác.

Vùng đất cảng là vùng đất được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện nước, các công trình phụ trợ khác và lắp đặt trang thiết bị phục vụ cảng.

Vùng nước cảng là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng để xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.

Luồng cảng biển là phần giới hạn vùng nước từ biển vào cảng được xác định bởi hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ, để bảo đảm cho tàu biển và các phương tiện thủy khác ra vào bến cảng an toàn.”

Như vậy, cảng biển là nơi ra vào neo đậu của tàu biển, là nơi phục vụ tàu và hàng hóa chuyên chở trên tàu, là đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống vận tải và logistics.

Theo Điều 74, Mục 1, Chương IV, Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam (2015) đã đưa ra tiêu chí xác định cảng biển gồm “Có vùng nước nối thông với biển; Có điều kiện địa lý tự nhiên đáp ứng yêu cầu xây dựng cầu, bến cảng, khu neo đậu, chuyển tải và luồng hàng hải cho tàu biển đến, rời, hoạt động an toàn; Có lợi thế về giao thông hàng hải; Là đầu mối giao thông phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước; Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) và trung chuyển bằng đường biển.”

1.1.1.2. Phân loại cảng biển

Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Đình Đào (2012) đã phân loại cảng biển như sau : - Theo chức năng cơ bản của cảng biển, cảng bao gồm các loại: Thương cảng, cảng hành khách, cảng công nghiệp, cảng cá, cảng thể thao, quân cảng….

- Theo quan điểm khai thác, bao gồm: Cảng tổng hợp và cảng chuyên dụng. - Theo quan điểm tự nhiên, bao gồm: Cảng tự nhiên và cảng nhân tạo.

- Theo tính chất kỹ thuật của việc xây dựng cảng, bao gồm: Cảng đóng và cảng mở.

- Theo quan điểm phạm vi quản lý cảng, bao gồm: Cảng quốc gia, cảng thành phố và cảng tư nhân.

- Theo qui mô bao gồm: Cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; Cảng biển loại I là cảng biển đặc biệt quan trọng, có qui mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; Cảng biển loại II là cảng biển quan trọng, có qui mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; Cảng biển loại III là cảng biển có qui mô nhỏ phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.

1.1.1.3. Chức năng của cảng biển

Hoàng Văn Châu, Trịnh Thị Thu Hương, Vương Thị Bích Ngà (2009) đã nêu ra 2 chức năng của cảng biển là:

Thứ nhất, phục vụ tàu biển. Cảng là nơi ra vào, neo đậu của tàu, là nơi cung cấp các dịch vụ đưa đón tàu ra vào, lai dắt, cung ứng dầu mỡ, nước ngọt, vệ sinh, sửa chữa tàu….

Thứ hai, phục vụ hàng hóa. Cảng phải làm nhiệm vụ xếp dỡ, giao nhận, chuyển tải, bảo quản, lưu kho, tái chế, đóng gói, phân phối hàng hóa xuất, nhập khẩu. Cảng còn là nơi tiến hành các thủ tục xuất, nhập khẩu, là nơi bắt đầu, tiếp tục hoặc kết thúc quá trình vận tải….

1.1.1.4.Nhiệm vụ của cảng biển

Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Đình Đào (2012) đã nhận định cảng được coi như là một mắt xích trong dây chuyền vận tải, nó là nơi gặp gỡ của các phương thức vận tải khác nhau. Do vậy mà cảng phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, lập sơ đồ công nghệ, thực hiện công tác xếp dỡ vận tải nội bộ, công tác đóng gói, bảo quản giao nhận hàng hóa và các công tác phục vụ khác như làm sạch hầm tàu, toa xe….

Thứ hai, tiến hành công tác hoa tiêu, lai dắt, cung ứng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho tàu.

Thứ ba, phục vụ kỹ thuật sửa chữa cho tàu và phục vụ hàng hóa.

Thứ tư, tổ chức tránh nạn cho phương tiện vận tải trong những trường hợp thời tiết xấu.

Để làm những công việc này cảng cần phải có cầu tàu hàng hóa, cầu tàu hành khách, cầu tàu phụ, kho nhiên liệu, xưởng sửa chữa.... Cảng cần được trang bị đầy đủ thông qua những công trình thủy, thiết bị xếp dỡ, ngoài ra còn có đường thủy và thủy nội địa, đường bộ và đường sắt ra vào cảng giải phóng hàng….

1.1.1.5. Vai trò của cảng biển

Là nơi cung cấp một số lượng lớn cơ hội việc làm, cảng đã và sẽ tiếp tục đóng một vai trò rất quan trọng vào thu nhập hàng năm của nền kinh tế quốc gia, góp phần phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào có cảng. Điều này càng trở nên đúng hơn bao giờ hết trong trường hợp các quốc gia tham gia tích cực vào hoạt động cạnh tranh thương mại trong xuất nhập khẩu.

Cảng còn là cửa ngõ kinh tế của quốc gia. Cơ sở hạ tầng cảng là chất xúc tác chính cho sự phát triển một số ngành công nghiệp như ngành công nghiệp bao bì, xi măng, các nhà máy đóng tàu, các trung tâm logistics phục vụ tàu và hàng, ngoài ra còn khu chế xuất (KCX) với hàng trăm loại hình sản xuất khác nhau.

Vai trò của cảng trong phát triển kinh tế đã được minh chứng thông qua một khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng hàng năm với tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, cảng đóng vai trò quan trọng trong khai thác tiềm năng của thương mại quốc tế của mỗi quốc gia nhằm đảm bảo sự hài hòa trong phát triển các ngành công nghiệp của quốc gia đó.

Các ảnh hưởng trực tiếp của cảng đến phát triển kinh tế bao gồm: Xúc tiến cạnh tranh buôn bán thương mại với nước ngoài; Ảnh hưởng đến mức giá trong nước của hàng hóa nhập khẩu; Cung cấp cơ hội việc làm cho nhóm nhân công làm việc trong cảng và nhóm nhân công làm việc có liên quan đến cảng; Đóng góp cho thu nhập quốc dân; Đóng góp cho quá trình phát triển công nghệ hàng hải và các khu vực chuyên ngành về hàng hải; Phát triển các ngành công nghiệp có liên quan đến công nghiệp hàng hải.

Cảng cũng góp phần kích thích và duy trì phát triển, tăng trưởng các hoạt động trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, cung cấp các dịch vụ vận tải, đại lý, môi giới và logistic. Do đó, trong bất kỳ một nền kinh tế nào cảng đều có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia, hội nhập kinh tế, phát triển chính trị và xã hội, chính điều này khiến các khu vực dịch vụ cảng đều được thiết kế như các khu vực chiến lược và luôn dành được sự ưu tiên của quốc gia. Đối với từng lĩnh vực, cảng biển có một vai trò rất quan trọng:

- Đối với ngoại thương: Cảng là nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đội tàu buôn, từ đó cho phép một quốc gia không bị lệ thuộc vào sự kiểm soát của các quốc gia khác. Ngoài ra cảng còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và giữ vững quan hệ thương mại với các quốc gia khác.

- Đối với công nghiệp: Cảng là nơi diễn ra các hoạt động xuất nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

- Đối với nông nghiệp: Tác động của cảng mang tính hai chiều, ví dụ như xuất khẩu lúa gạo, nông sản và nhập khẩu phân bón, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

- Đối với nội thương: Cảng phục vụ xếp dỡ hàng hóa cho các phương tiện vận tải nội địa, vận tải ven biển và vận tải hàng quá cảnh, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của nhiều cơ quan kinh doanh và dịch vụ khác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp logistics.

- Đối với thành phố cảng: Cảng là tiền đề cho thành phố cảng trở thành các khu trung tâm công nghiệp lớn và tạo công ăn việc làm cho người dân trong thành phố cảng.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w