Giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG (Trang 102 - 105)

Theo nhóm nghiên cứu logistics trường đại học ngoại thương năm 2017, có tới 60% các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics bằng việc cải thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng. Để cải thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng, công ty cổ phần có thể thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng phát triển các trung tâm dịch vụ logistics sau cảng

Trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển có vai trò quan trọng trong chuỗi vận tải. Nó đóng vai trò thu gom, phân loại và làm các thủ tục cần thiết cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Do sau cảng Hải Phòng chưa có một trung tâm logistics nào đủ khả năng đáp ứng theo tiêu chuẩn của quốc gia về một trung tâm logistics nên công ty cổ phần cảng Hải Phòng có thể đề xuất với nhà nước cũng như thành phố Hải Phòng hoặc kêu gọi doanh nghiệp tư nhân xây dựng một trung tâm logistics cách cảng Hải Phòng khoảng 40-50km, được kết nối chính bằng hệ thống đường sắt từ cảng Hải Phòng đến trung tâm, có diện tích từ 3000-4000 ha và chi thành các khu

vực chức năng. Sau đây là một vài phương án tham khảo để xây dựng trung tâm logistics sau cảng Hải Phòng:

Phương án 1: Xây dựng trung tâm logistics tại khu vực Tân Vũ, phường Tràng Cát, quận Hải An.

Khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi: phía Nam giáp đường cao ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, phía đông cách nút giao thông Đình Vũ khoảng 5km và nằm ngay nút giao thông đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, cách hệ thống cảng cũ Hải Phòng 2 km, cách cửa ngõ quốc tế Hải Phòng 15km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 5 km. Khu vực này khá thuận lợi trong việc kết nối giao thông với hệ thống giao thông quốc gia như quốc lộ 5, quốc lộ 10, 18... nằm trên trục phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với ưu thế mặt bằng và không gian rộng, không bị hạn chế nên có thể quy hoạch mở rộng diện tích kho bãi khi quy mô trung tâm phát triển trong tương lai. Tập kết và phân loại, đóng rút hàng cho toàn bộ các cảng khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng, khu hạ lưu sông Chanh và cảng cửa ngõ Lạch huyện, vì khoảng cách từ trung tâm đến các cảng tương đối gần. Có khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác thông qua việc kết nối với mạng lươi giao thông quốc gia. Thuận tiện cho việc phục vụ cho các KCN tại Đình Vũ va khu vực Hải Phòng.

Phương án 2: Mở rộng KCN Đình Vũ thành trung tâm logistics.

KCN Đình Vũ nằm ngay trong bán đảo Đình Vũ - trên hạ lưu sông từ Hải Phòng thông ra biển, trên thềm lục địa vịnh Bắc Bộ. Đây là khu công nghiệp đồng bộ, được thiết kế hoàn hảo, cung cấp cho nhà đầu tư một cơ sở lý tưởng, vững chắc. Hiện nay, KCN Đình Vũ có diện tích khoảng 1.463 ha, đất còn trống khoảng 600 ha, nằm ngay sau cảng Hải Phòng. Nếu mở rộng khu công nghiệp Đình Vũ thành trung tâm logistics sẽ tạo nên một tiềm năng phát triển bền vững cho cảng Hải Phòng.

Thứ hai, cải thiện khả năng kết nối giao thông phía sau cảng

Về giao thông đường bộ: Để giải quyết vấn đề ùn tắc và xuống cấp của hệ thống đường bộ xung quanh cảng Hải Phòng cần tập trung cải tạo nâng cấp hệ

thống giao thông đường bộ ở một số điểm trọng yếu, ví dụ đoạn đường 356 nối Đình Vũ với đường bao Nguyễn Bỉnh Khiêm, xây dựng nút giao thông lập thể ở ngã ba Chùa Vẽ…. Ngoài ra, việc tăng cường rút hàng bằng đường sông và đường sắt cũng sẽ giúp giảm đáng kể căng thẳng của giao thông đường bộ.

Về giao thông đường sắt: Hệ thống đường sắt quốc gia được kết nối với cảng Hải Phòng từ nhiều năm nay nhưng không phát huy được tác dụng của vận chuyển khối lượng lớn. Công ty cổ phần cảng Hải Phòng cần tiến hành một số biện pháp để giải quyết tình trạng này như cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt nối cảng Hải Phòng (với tổng diện tích đường sắt và hành lang đường sắt khoảng 10 ha trên tổng số 35,5 ha của cảng chính); Xây dựng các tuyến đường sắt mới không chỉ kết nối được với khu cảng chính và khu Chùa Vẽ, mà còn với tất cả các cảng trong khu vực; Xây dựng hệ thống các ga hậu phương của đường sắt trang bị đủ thiết bị để có thể tiếp nhận hàng khối lượng lớn và đặc biệt thiếu thiết bị cẩu chuyên dùng và kho, bãi để phục vụ đa dạng các mặt hàng container.

Về giao thông vận tải thủy nội địa: Công ty cổ phần cảng Hải Phòng cần cải thiện các phương tiện chở hàng bằng hệ thống đường thủy nội địa để có thể chở được hàng container từ 3-5 Teus. Trang bị thêm các cần trục tại bến có thể nâng hạ được container.

Công ty cổ phần cảng Hải Phòng cần làm tốt vai trò đầu mối giao thông đối với tất cả các chuyên ngành vận tải để có thể phát huy và khai thác triệt để lợi thế của các chuyên ngành vận tải trong một tổng thể liên hợp vận tải bao gồm: Đường sắt, đường sông, đường bộ, tạo nên một đầu mối điều phối, liên kết liên hoàn của mọi hình vận tải. Mặt khác tổng thể liên hòan liên kết vận tải đó phải hình thành các cung chặng vận tải hợp lý với cự ly càng ngắn càng ưu việt để thực sự giảm nhẹ chi phí vận tải cho các họat động kinh tế xã hội, góp phần tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa.

3.3.6. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ logistics cho khách hàng ở cảng Hải Phòng

Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông và mạng internet là ba điều kiện tiên quyết để phát triển thương mại điện tử nói riêng và ngành dịch

vụ logistics nói chung. Muốn phát triển dịch vụ logistics cảng biển, công ty cổ phần cảng Hải Phòng cần ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ logistics cho khách hàng ở cảng Hải Phòng, công ty có thể thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ logistics cảng biển và trong công tác quản trị hệ thống; tăng cường ứng dụng và kết nối thông tin với mạng logistics cảng biển quốc tế, áp dụng một số phần mềm tiến tiến trên thế giới như OTM, hệ thống TOPX, TOPOVN, E-port... để góp phần đưa công ty cổ phần cảng Hải Phòng trở thành nhà khai thác cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái số, giúp loại bỏ tối đa tập quán giao dịch thủ công truyền thống giữa các bên, điện tử hóa các quy trình, phù hợp với xu thế kinh tế chia sẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, dựa vào các công nghệ tiên tiến để cung cấp cho khách hàng dịch vụ logistics trọn khâu đa dạng từ vận tải đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt, đường không và vận tải đa phương thức; mang lại cho khách hàng các giải pháp logistics giá trị gia tăng cao, giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ tư, cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics để nâng cao năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG (Trang 102 - 105)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w