Quan điểm về phát triển, hình thức và nội dung phát triển

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG (Trang 38 - 40)

1.2.1.1. Quan điểm về phát triển

Quan điểm siêu hình xem xét phát triển chỉ là sự tăng lên hay giảm đi thuần tuý về lượng, không có sự thay đổi về chất. Tất cả tính phong phú muôn vẻ về chất của các sự vật, hiện tượng đều được xem là nhất thành, bất biến trong suốt quá trình tồn tại của nó. Sự phát triển không nhất thiết phải có sự ra đời của cái mới, mọi thay đổi nếu có cũng chỉ diễn ra theo một vòng tròn khép kín. Hơn nữa, quan điểm siêu hình cũng xem xét phát triển như một quá trình tiến lên liên tục, không có những bước quanh co phức tạp và nguồn gốc của nó nằm bên ngoài sự vật, hiện tượng.

Đối lập với quan điểm siêu hình, theo quan điểm biện chứng “phát triển là một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện”. Quá trình đó diễn ra dần dần, nhảy vọt đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ, không phải lúc nào sự phát triển cũng diễn ra theo đường thẳng, mà rất quanh co, phức tạp, thậm chí có những bước lùi tạm thời. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, là quá trình diễn ra theo đường xoáy ốc và hết mỗi chu kì sự vật lặp lại giống như sự vật ban đầu nhưng ở cấp độ cao hơn. Quan điểm biện chứng cũng khẳng định nguồn gốc của sự phát triển nằm trong bản thân sự vật.

Từ điển bách khoa Việt Nam (2011) đã nêu ra định nghĩa phát triển như sau: “Phát triển là phạm trù triết học chỉ ra tính chất của những biến đổi đang diễn ra trong thế giới. Phát triển là một thuộc tính của vật chất. Mọi sự vật và hiện tượng của hiện thực không tồn tại trong trạng thái bất biến mà trải qua một loạt các trạng thái từ khi xuất hiện đến lúc tiêu vong. Phạm trù phát triển thể hiện một tính chất chung của tất cả những biến đổi ấy. Điều đó có nghĩa là bất kì một sự vật, hiện

tượng, một hệ thống nào, cũng như cả thế giới nói chung không đơn giản chỉ có biến đổi, mà luôn luôn chuyển sang những trạng thái mới, tức là những trạng thái trước đây chưa từng có và không bao giờ lặp lại hoàn toàn chính xác những trạng thái đã có, bởi vì trạng thái của bất kì sự vật hay hệ thống nào cũng đều được quyết định không chỉ bởi các mối liên hệ bên trong, mà còn bởi các mối liên hệ bên ngoài. Nguồn gốc của phát triển là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Phương thức phát triển là chuyển hóa những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất, và ngược lại theo kiểu nhảy vọt. Chiều hướng phát triển là sự vận động xoáy ốc”.

Như vậy, sự vật, hiện tượng, con người, xã hội biến đổi để tăng tiến về số lượng, chất lượng dưới tác động của bên trong hoặc bên ngoài đều được coi là phát triển. Phát triển là sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tiến lên. Phát triển có thể giữ nguyên số lượng nhưng biến đổi về chất lượng và cũng có thể bao hàm biến đổi cả về số lượng và chất lượng.

1.2.1.2. Hình thức và nội dung phát triển

Phát triển là quá trình biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất và ngược lại. Chính nhờ sự biến đổi về lượng và chất đã chỉ ra 3 hình thức của sự phát triển là phát triển theo chiều rộng, phát triển theo chiều sâu và phát triển kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Phát triển theo chiều rộng là tổng hợp các cách thức, biện pháp để tăng số lượng của vật chất đã có, tăng quy mô của tổng thể và khai thác thêm các vật chất mới nhằm đạt được những hiệu quả mong muốn. Ví dụ phát triển kinh tế theo chiều rộng là phát triển kinh tế bằng cách tăng số lượng lao động, khai thác thêm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng thêm tài sản cố định và tài sản lưu động trên cơ sở kĩ thuật như trước. Tuy nhiên, phát triển theo chiều rộng chỉ cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế, quốc gia hay doanh nghiệp có những tiềm năng về vật chất chưa được khai thác và sử dụng hết, còn đối với các vùng kinh tế, quốc gia hay doanh nghiệp đã đạt mức phát triển về số lượng tối đa thì phát triển theo chiều rộng không giúp mang lại hiệu quả.

Phát triển theo chiều sâu là tổng hợp các cách thức, biện pháp để đổi mới, nâng cấp và cải tiến nguồn vật chất hiện có nhằm nâng quả hiệu quả hoạt động. Ví dụ như phát triển kinh tế theo chiều sâu là phát triển kinh tế chủ yếu nhờ đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ kĩ thuật, cải tiến tổ chức sản xuất và phân công lại lao động, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn nhân tài, vật lực hiện có. Phát triển theo chiều sâu luôn có vai trò quan trọng đối với tất cả các sự vật và luôn được khuyến khích áp dụng hơn so với phát triển theo chiều rộng bởi nó mang lại hiểu quả cao hơn.

Phát triển kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu là tổng hợp các cách thức, biện pháp để vừa tăng số lượng, quy mô của tổng thể vừa đổi mới, nâng cấp và cải tiến nguồn vật chất hiện có nhằm đạt được những hiệu quả mong muốn.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w