Tập đoàn Kyocera chế tạo máy in, máy sao chụp sử dụng màng cảm quang thường được gọi là màng amorphous silicon. Màng cảm quang đặc trưng này có độ cứng rất cao nên khi in với số lượng lớn hàng trăm ngàn bản cũng không bị mài mòn, và nó bền đến mức máy in hết tuổi thọ vẫn không cần phải thay thế.
Đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường và Kyocera là công ty đầu tiên trên thế giới thành công trong việc sản xuất hàng loạt màng cảm quang này. Màng amorphous silicon phủ lên bề mặt của ống nhôm hay bị mòn một lớp silicon mỏng. Lớp silicon mỏng này nếu không phủ
đều thì sẽ không có tác dụng cảm quang. Làm thế nào để phủ đều lớp màng này trên toàn bộ bề mặt ống nhôm? Đây là một thách thức về mặt kỹ thuật. Độ dày của lớp phủ chỉ cần sai số một phần ngàn milimét hoặc có tì vết là thất bại.
Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này, mãi đến năm thứ ba chúng tôi mới thành công được một lần. Sau đó chúng tôi định thử lại lần nữa nhưng không làm được, cũng đồng nghĩa với việc không thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Thời đó, việc nghiên cứu màng cảm quang
amorphous silicon đang được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới nhưng không nơi nào thành công để có thể sản xuất hàng loạt. Bản thân tôi cũng tạm thời cho dừng việc nghiên cứu.
Tuy vậy, tôi vẫn cứ muốn thử lại một lần nữa trên cơ sở của tinh thần quyết tâm giống như lúc đầu và rà soát lại toàn bộ hiện trường nghiên cứu. Tôi nghĩ, nếu nhìn tận mắt từng hiện tượng, từng sự biến đổi trong quá trình thí nghiệm thì dứt khoát sẽ tìm ra điều gì đó và chắc chắn sẽ
nghe được tiếng thì thầm của vị thần tại hiện trường.
Thế rồi, tôi chỉ đạo nhân viên phụ trách thí nghiệm phải để ý từng thời điểm, phải quan sát kỹ càng tỉ mỉ không được bỏ sót bất kỳ chi tiết nào.
Vậy mà, vào một đêm, tôi xuống hiện trường kiểm tra thì thấy nhân viên của mình, lẽ ra phải căng mắt quan sát thì lại đang ngủ lăn quay như một khúc gỗ. Thay vì nghe thấy tiếng thì thầm của sản phẩm thì tôi chỉ nghe thấy tiếng ngáy của cậu ta.
Tôi quyết định thay một nhân viên khác có khả năng quan sát sắc bén, đồng thời cho chuyển bộ phận nghiên cứu từ Kagoshima đến Siga và tuyển hàng loạt nhân viên mới, thay thế cả lãnh đạo.
nhân viên làm việc ở đó đã có kinh nghiệm vài năm. Theo cách nghĩ thông thường, cách làm này có độ rủi ro cao. Nhưng kết cục là việc thay máu của tôi có hiệu quả và chỉ một năm sau, chúng tôi đã thành công và có thể sản xuất hàng loạt.
Xem xét kỹ càng, suy nghĩ cẩn thận về công việc mình làm, sản phẩm mình chế tạo, không xao nhãng, chăm chú quan sát tỉ mỉ hiện trường – những tính cách này thiếu ở các nhân viên cũ và có ở các nhân viên mới. Luôn luôn khắt khe - đó là nguyên tắc không thể thiếu trong việc chế tạo các sản phẩm tinh vi. Nhờ nguyên tắc ấy, chúng tôi đã thành công, tạo ra sản phẩm mới.
Trong tiếng Nhật có từ “hữu ý chú ý”. Tức là tập trung ý thức, tinh thần vào đối tượng quan sát một cách nghiêm túc, có mục đích. Nói cách khác là để ý có chủ đích. Điều này khác với “vô ý chú ý” là khi nghe thấy tiếng động, ta quay đầu về phía tiếng động phát ra theo phản xạ, đó chỉ là phản ứng vô ý thức.
Hành động quan sát được đề cập trong phần trước vốn dĩ phải là một chuỗi liên tục “để ý có chủ đích”. Không thể gọi là để ý có chủ đích được nếu chỉ quan sát hiện tượng một cách lơ đãng, thiếu tập trung.
Ông Nakamura Tenpu cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc để ý có chủ đích. Ông nói rằng: “Sẽ vô nghĩa nếu không để ý có chủ đích trong mọi hành động”.
Do khả năng tập trung của chúng ta có giới hạn nên rất khó thường xuyên dồn sự chú ý chỉ vào một sự việc. Nhưng chúng ta phải nỗ lực để
làm được như vậy, dần dần biến “để ý có chủ đích” thành thói quen, nắm vững được bản chất vấn đề, trung tâm của sự việc, chuẩn bị khả
năng đưa ra những quyết đoán kịp thời.
Bản thân tôi, khi còn trẻ vì quá bận rộn nên nhiều khi chỉ đứng trao đổi công việc với cấp dưới ở ngay hành lang nơi mọi người qua lại. Và trục trặc phát sinh từ đó. Cấp dưới nói đã báo cáo với tôi. Tôi thì nói chưa thấy báo cáo. Sau nhiều lần như vậy, tôi quyết định cấm tất cả mọi cuộc trao đổi báo cáo công việc tại hành lang. Và quy định nếu có việc gì cần trao đổi, bàn bạc thì dứt khoát phải vào phòng hoặc một nơi nào đó yên tĩnh có thể tập trung lắng nghe. Tôi cũng tự cấm bản thân, không được phép khinh suất khi đang làm việc khác mà nhân tiện nghe báo cáo của cấp dưới.
Tôi tạm so sánh việc để ý có chủ đích với cái dùi. Các bạn đều biết, cái dùi là công cụ rất hiệu quả để làm việc bằng cách tập trung lực vào một điểm ở mũi dùi.
Nếu ai cũng tập trung toàn lực vào một điểm, một mục đích như cái dùi thì chắc chắn sẽ hoàn tất được những công việc khó khăn.
Khả năng tập trung dẫn đến sức mạnh, chiều sâu, tầm vóc của tư
duy. Để thành công trong sự nghiệp thì năng lực tập trung tư duy phải trở thành khởi điểm của quá trình thực hiện.
Chúng ta ấp ủ giấc mơ mãnh liệt đến mức nào, duy trì và bắt tay vào thực hiện ý tưởng nghiêm túc ra sao, tất cả sự thành bại đều phụ thuộc vào điểm khởi đầu.