Nguyên lý và nguyên tắc sẽ tốt cho cả kinh doanh lẫn cuộc sống
Chúng ta thường có xu hướng phức tạp hoá sự vật. Nhưng bản chất của sự vật thật ra là đơn giản. Ngay cả một sự việc thoạt nhìn có vẻ phức tạp nhưng bản thân sự việc ấy lại được hình thành từ những điều đơn giản.
Gen di truyền của con người được tạo nên từ 3 tỷ nucleotid có trong chuỗi ADN – con số mà chính chúng ta cũng khó tưởng tượng nổi.
Nhưng để minh hoạ các chuỗi nucleotide, người ta chỉ cần dùng vỏn vẹn 4 chữ cái A-C-G-T (adenine -A, cytosine -C, guanine -G và thymine – T).
Mảnh vải chân lý được dệt từ những sợi chỉ. Theo lẽ đó, những nguyên lý đơn giản tạo nên vô vàn hiện tượng, và sự việc được nhìn nhận càng đơn giản bao nhiêu thì càng gần chân lý bấy nhiêu. Sự việc và hiện tượng càng phức tạp thì cách nắm bắt, cách nhìn nhận càng phải chân phương đơn giản. Chúng ta phải có cách tư duy như vậy.
Điều này có thể gọi là quy luật của cuộc sống và áp dụng cả trong kinh doanh. Những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh đều như nhau, hết sức chân phương.
Tôi đã được nghe không ít về bí quyết, cách thức kinh doanh của nhiều người. Nhưng nếu tôi nói về cách làm của tôi thì chắc các bạn sẽ
ngạc nhiên và nghi hoặc. “Đơn giản như thế thôi sao?” hoặc “Chỉ như
vậy thì làm sao mà kinh doanh được?”.
Năm 27 tuổi, khi bắt đầu thành lập Kyocera, vốn là dân kỹ thuật nên tôi biết chút ít về lĩnh vực gốm sứ, còn kiến thức về quản trị kinh doanh thì hoàn toàn mù tịt. Nhưng đã lập công ty rồi thì đủ mọi chuyện xảy ra và đòi hỏi phải quyết đoán. Và tôi là người phải đưa ra quyết định cuối cùng về cách giải quyết, là người chịu trách nhiệm đề ra đối sách cho từng vấn đề trong kinh tế, tài chính - những lĩnh vực mà tôi hoàn toàn
không có kinh nghiệm.
Một vấn đề dù nhỏ đến mấy nếu quyết định sai thì cũng sẽảnh hưởng đến sự sống còn của công ty vừa mới ra đời. Trong khi tôi vốn là dân kỹ thuật, không có kiến thức và kinh nghiệm gì để giúp đưa ra phán quyết. “Trước đây mình đã giải quyết như vậy. Bây giờ mình phải giải quyết thế này mới ổn….”.
Tôi trăn trở suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng, đã tìm ra được “nguyên lý, nguyên tắc” căn bản. Đó là cái gì đúng với đạo làm người thì theo. Dựa theo những điều mình biết mang tính tiên nghiệm trong cuộc đời, dựa trên nền tảng luân lý - thật thà, ngay thẳng, không tham lam, không làm phiền người khác – mà cha mẹ, thầy cô đã dạy khi còn nhỏ
là ổn. Lấy nguyên tắc đạo đức: “đúng hay sai”, “tốt hay xấu”, “nên hay không nên” làm phương châm kinh doanh, tiêu chuẩn phán đoán.
Hoạt động kinh doanh cũng là hành vi giữa con người với con người, vì vậy, cái gì nên làm, cái gì không được phép làm chắc chắn cũng
không thể khác những nguyên tắc vốn có thuộc về lương tri của con người.
Tôi nghĩ đơn giản như thế này: Cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh đều phải tuân thủ những nguyên lý hay nguyên tắc chung. Một khi đã tuân theo những nguyên lý, nguyên tắc đó thì sẽ không mắc sai lầm lớn. Từ đó có thể đường đường chính chính kinh doanh, không phải do dự lưỡng lự và đây sẽ là cơ sở dẫn tới thành công trong tương lai.