mà Đức Phật thuyết giảng
Sáu phép sửa mình trong Bồ Tát Đạo là những gì mà các Phật tử
phải theo để có thể đến được cảnh giới của Ngộ. Nói cách khác đây là những phép tu không thể thiếu để nâng cao tâm hồn và mài giũa nhân cách. Sáu phép sửa mình bao gồm:
1. Bố thí
Là mang tấm lòng vị tha, nhân hậu dốc sức vì đời, vì người. Đức Phật giải thích về tầm quan trọng của cuộc sống mà trong đó con người luôn ý thức làm việc thiện cho người khác trước khi làm lợi cho bản thân và luôn quan tâm đến cuộc sống của người khác. Nói chung, bố thí thường được dùng theo nghĩa ban phát niềm vui, thực ra nó vốn có nghĩa là hi sinh bản thân, dốc lòng vì mọi người, hoặc nếu không làm được điều đó thì ít ra cũng tâm niệm những ý tưởng nhân hậu vị tha như vậy. Chính từ tấm lòng tràn đầy yêu thương, biết quan tâm đến người khác mà chúng ta có thể nâng cao tâm hồn mình.
2. Trì giới
Là việc tuân thủ những điều răn để ngăn không cho cái ác nảy sinh trong tâm trí. Như đã nói ở phần trước, con người bị lôi kéo bởi nhiều dục vọng xấu xa, trong đó tham, sân, si là ba tật xấu mà con người khó thoát. Chính vì thế cần phải kiềm chế dục vọng, đồng thời điều chỉnh đúng đắn mọi hành vi và lời nói. Việc kiềm chế dục vọng và diệt trừ
những thói hư tật xấu như tham lam, hám lợi, ganh tị, thù hận… chính là trì giới.
3. Tinh tiến
Là việc chuyên cần trong mọi hoạt động. Đây là nói đến sự nỗ lực, hiểu theo nghĩa không ngừng phấn đấu. Cuộc đời của các bậc vĩ nhân đông tây kim cổ đều nói lên một thực tế: chính những hoạt động nỗ lực quên mình sẽ nâng cao tâm hồn và tôi luyện nhân cách giống như
trường hợp của ông Ninomiya Sontoku mà tôi đã giới thiệu trong phần mở đầu.
4. Nhẫn nhục
Là việc nhẫn nại không đầu hàng khó khăn. Cuộc đời chúng ta phần đông ba chìm bảy nổi, đầy sóng gió. Dẫu gặp vô vàn khó khăn trong suốt hành trình sống, song chúng ta không để khó khăn đè bẹp và
không trốn chạy nó. Trái lại, chúng ta nhẫn nại chịu đựng gian khổ nhọc nhằn và nỗ lực hơn nữa. Có như vậy mới tôi luyện được nhân cách và đạt đến cảnh giới giác ngộ.
5. Thiền định
Trong một xã hội công nghiệp ồn ào tất bật, chúng ta luôn phải chạy đua với thời gian, sống gấp gáp, hầu như không có lúc nào bình tâm suy nghĩ thấu đáo sự việc. Vì vậy, cần thiết phải dành ra tối thiểu một
khoảng thời gian trong ngày để tĩnh tâm, xem xét lại bản thân, tập trung tinh thần nhìn nhận lại sự việc mà không nhất thiết phải tọa thiền. Dù bận rộn thế nào chúng ta cũng phải có khoảng thời gian nhất định để tĩnh tâm.
6. Trí tuệ
Nhờ nỗ lực thực hiện năm điều trên, một người bình thường cũng có thể đạt đến cảnh giới giác ngộ, tức là nâng mình lên tầm nhận thức về vũ trụ. Nói cách khác là chứng đạo. Khi đó, con người sẽ hiểu được quy luật chung của tự nhiên, bản chất của đời sống. Đây chính là trí huệ mà Đức Phật thuyết giảng.