Trong thế giới kinh doanh cá lớn nuốt cá bé, tôi lại hay nói về lòng vị
tha, lòng nhân ái, việc nghĩ đến người khác, nên đã có những lời phàn nàn: “Ông ấy toàn nói những điều hay ho, chắc là phải có cái gì ẩn dưới những mỹ từấy”.
Nhưng tôi hoàn toàn không có ý đồ gì để phải dùng chữ nghĩa che đậy. Tôi chỉ muốn truyền đạt trung thực niềm tin của bản thân tôi đến với mọi người. Và tôi chỉ có một tâm niệm rằng, bản thân tôi sẽ thực sự
làm được những điều đó.
Nhìn lại lịch sử xã hội, chúng ta cũng thấy rõ, chủ nghĩa tư bản phương Tây được hình thành từ cơ sở xã hội của đạo Tin Lành với nền tảng đạo đức nghiêm khắc. Theo Max Weber thì những người xây dựng xã hội tư bản đã chủ trương: coi trọng các nguyên tắc đạo đức nghiêm khắc, tôn trọng lao động, lợi nhuận thu được trong các hoạt động kinh tế được dùng vào việc phát triển xã hội.
Theo lẽ đó, trong hoạt động kinh tế, việc tìm kiếm lợi nhuận phải bằng các phương pháp đúng đắn được mọi người chấp nhận và mục đích cuối cùng của lợi nhuận là giúp ích cho xã hội.
Nói cách khác, tinh thần vị tha, vì xã hội, vì con người, vì công ích hơn vì tư lợi… phải trở thành quy tắc đạo đức chung.
Đối với bản thân mình thì nghiêm khắc tự rèn luyện theo các quy tắc luân lý nghiêm khắc, còn đối với người ngoài thì vị tha. Điều này phải trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân trong xã hội. Nếu được như vậy thì nền kinh tế tư bản sẽ phát triển nhanh chóng.
Ở Nhật Bản, nhà tư tưởng giữa thời Edo là Ishida Baigan cũng có chủ
trương như vậy. Đây là thời kỳ hưng thịnh của tư bản thương nghiệp ở
Nhật. Nhưng tập quán xã hội lúc đó lại coi thường các hoạt động buôn bán, coi hoạt động thương nghiệp là thấp kém và tầng lớp thương nhân bị đặt ở nấc thang thấp nhất trong xã hội.
Trong bối cảnh đó, Ishida Baigan đã khích lệ tầng lớp thương nhân - khi phần lớn họ bị xã hội dè bỉu - bằng tư tưởng: Việc buôn bán kiếm lời là hành vi chính đáng cũng giống như việc các võ sĩ tầng lớp samurai
hưởng bổng lộc.
Ông thuyết giảng quan điểm đạo đức trong thương nghiệp: Việc theo đuổi lợi nhuận không phải là việc xấu, không phải là tội ác. Nhưng
phương thức tìm kiếm lợi nhuận phải là phương thức phù hợp với đạo làm người, không cho phép tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách.
Đồng thời, ông còn đưa ra quan điểm “lợi người, lợi mình”: “Một thương nhân chân chính là người luôn nghĩ đến việc mình có lợi và bạn hàng cũng phải có lợi”.