nhiên
Vậy thì, nền tảng tư duy mới đòi hỏi chúng ta phải sống như thế nào? Ngay từ bây giờ nền tảng tư duy ấy phải quán triệt trong cung cách sống của người Nhật, nói gọn lại trong một câu, có lẽ là “Phải biết thế
nào là đủ”. Ngoài ra, đó là những hành động vị tha, biết nghĩ đến người khác trên cơ sở lòng nhân ái, đức khiêm nhường mà cách nhìn nhận “tri túc” - bấy nhiêu là đủ - mang lại.
Mô hình cách sống “tri túc” vốn đã có ở thế giới tự nhiên. Hệ sinh thái tự nhiên luôn cân bằng. Toàn bộ thế giới động thực vật nằm trong chuỗi mắt xích sinh tồn mang tính cân bằng và khép kín như vậy.
Nhưng, khác với loài người, các loài động thực vật không tự phá vỡ
chuỗi mắt xích sinh tồn của trái đất. Nếu động vật ăn sạch sành sanh các loài thực vật với lòng tham vô độ thì chuỗi sinh tồn sẽ bị đứt. Khi đó,
không chỉ bản thân chúng mà sự sinh tồn của các loài sinh vật khác cũng bị nguy hiểm. Vì vậy, bản năng điều độ, không ăn quá mức cần thiết, đã có sẵn ở chúng.
Ngay cả loài thú ăn thịt khi đã no bụng cũng không tiếp tục săn mồi. Đó là bản năng, đồng thời cũng là cách sống “tri túc” mà tạo hóa đã ban cho chúng. Chính nhờ biết cách sống “tri túc” nên thế giới tự nhiên mới có thể tồn tại trong sự cân bằng và ổn định. Chẳng phải là con người cũng cần phải học cung cách “điều độ” của muôn loài trong thế giới tự
nhiên đó sao?
Con người là chủ nhân trong thế giới tự nhiên và hiểu rõ quy luật của tự nhiên. Bản thân con người cũng sống trong chuỗi mắt xích sinh tồn
ấy.
Nhưng sau đó, chỉ có con người có khả năng thoát ra ngoài chuỗi mắt xích tự nhiên, đồng thời con người cũng đánh mất cung cách cùng tồn tại và chung sống với các loài sinh vật khác trên trái đất.
Trong thế giới tự nhiên, trí lực và “lý tính cao độ” chỉ có ở con người. Nó đã tạo ra nguồn lương thực dồi dào và vô vàn sản phẩm công nghệ từ
những phát minh sáng chế kỹ thuật có hiệu quả cao. Nhưng, trí lực và “lý tính cao độ” ở con người đã biến thành sự ngạo mạn. Con người muốn thống trị tự nhiên bằng lòng tham vô đáy. Lòng tham gây áp lực lên mọi suy nghĩ và hành động. Đã có lại muốn có thêm. Đã giàu lại muốn giàu nữa. Bức tường “tri túc” bị đánh sập. Và cuối cùng, điều đó đang đe doạ cả trái đất - nơi trú ngụ của chính con người.