Cơ cấu nguồn vốn huy động ảnh hưởng đến cơ cấu tài sản và quyết định chi phí của ngân hàng. Cơ cấu huy dộng vốn phải phù hợp với cơ cấu sử dụng nguồn vốn huy động được. Nếu cơ cấu nguồn vốn huy động không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng thì sẽ không tối đa được dư nợ tín dụng và đầu tư, ngược lại cơ cấu huy động nhiều mà sử dụng không hết thì hoạt động không hiệu quả, ngân hàng vẫn phải chịu lãi suất trên phần huy động thừa.
Cơ cấu vốn được xem là hợp lý nếu các thành phần của nó đáp ứng được kế hoạch sử dụng vốn, đồng thời với chi phí biến động thấp nhất.
Chỉ tiêu cơ cấu nguồn vốn được đánh giá thông qua tỷ trọng các loại tiền gửi, chỉ tiêu này thể hiện cơ cấu vốn huy động theo các tiêu thức: thời gian, loại tiền, sản phầm: tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm,thẻ tín dụng,thanh toán POS...từ đó phản ánh nguồn vốn nào mà ngân hàng huy động được nhiều nhất, ít nhất.Từ đó ngân hàng tìm ra được nguyên nhân và biện pháp để đưa ra cơ cấu huy động hợp lý nhất.
Xét về cơ cấu NVHĐ theo đối tượng khách hàng: Ngân hàng huy động vốn từ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nhưng nguồn vốn ổn định nhất vẫn là nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm của dân cư, do đó NVHĐ của ngân hàng được coi là ổn định khi nguồn huy động từ tiền gửi từ dân cư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng NVHĐ của ngân hàng.
Xét về cơ cấu NVHĐ theo hình thức huy động: Ngân hàng huy động vốn theo hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn sẽ ổn định nhất so với các hình thức khác. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần phát triển nguồn huy động từ tiển gửi thanh toán vì nguồn này mặc dù không ổn định nhưng có chi phí thấp và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng thông qua dịch vụ thanh toán hộ.
Xét về cơ cấu NVHĐ theo kỳ hạn: nguồn vốn của ngân hàng được coi là ổn định khi nguồn vốn trung và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các nguồn vốn huy động ngắn hạn bởi vì ngân hàng có thể mang nguồn vốn trung dài hạn đi đầu tư trung và dài hạn.
Nếu ngân hàng thu hút được một lượng vốn đủ lớn nhưng lại thường xuyên không ổn định, thường xuyên có những dòng tiền lớn bị rút ra thì lượng vốn đầu tư cho vay sẽ không lớn, hiệu quả huy động không cao, thường xuyên đối đầu với vấn đề thanh khoản. Khi huy động với quy mô và cơ cấu hợp lý, ngân hàng sẽ tạo lập được nguồn vốn tăng trưởng có tính ổn định kết hợp với chi phí vốn huy động hợp lý sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng họat động hiệu quả.
Tóm lại, tùy theo đặc điểm, mục tiêu chiến lược kinh doanh, mỗi Ngân hàng xây dựng một cơ cấu nguồn vốn phù hợp, từ đó đưa ra mỗi loại công cụ huy động khác nhau. Số lượng các công cụ huy động vốn càng nhiều thì Ngân hàng càng có nhiều điều kiện thu hút được vốn, tuy nhiên số lượng các công cụ huy động vốn lại bị hạn chế bởi khả năng quản lý của Ngân hàng. Một ngân hàng sử dụng nhiều hình thức huy động vốn không hoàn toàn đồng nghĩa với việc hoạt động huy động vốn của Ngân hàng đó có chất lượng tốt, hoạt động này chỉ thật sự chất lượng khi các hình thức huy động vốn này thích hợp với Ngân hàng. Chẳng hạn, những ngân hàng có hoạt động kinh doanh đa dạng, đội ngũ nhân viên trình độ cao thì Ngân hàng nên đa dạng hóa các loại công cụ huy động vốn. Ngoài ra, Ngân hàng nên đa dạng về kỳ hạn huy động, loại tiền sử dụng, ví dụ như khách hàng có nhu cầu gửi tiền với kỳ hạn mà Ngân hàng không có kỳ hạn đó thì dù có sử dụng nhiều công cụ huy động vốn đến đâu thì Ngân hàng vẫn không thu hút được được nguồn vốn đó. Do đó, để công tác huy động vốn đạt chất lượng cao, Ngân hàng cần phải tính toán, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường trên cơ sở năng lực bản thân đưa ra các hình thức huy động đa dạng về kỳ hạn, loại tiền.