7. Kết cấu của luận văn
2.2.3 Khả năng ứng dụng công nghệ Vietcombank
Công nghệ là một trong những yếu tố hàng đầu tạo nên sức mạnh lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ tài chính thì việc áp dụng công nghệ là chìa khoá vô cùng quan trọng. Công nghệ sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến mang tính độc đáo và tiện ích hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam trong đó cóVietcombank. Một ngân hàng với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại có thể tiết kiệm một phần không nhỏ nhân lực và vật lực, từ đó góp phần giảm thiểu chi phí hoạt động của ngân hàng, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết yếu. Tuy nhiên việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, đó là vấn đề không hề đơn giản trong bài toán đầu tư này. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua VCB đã đầu tư nhiều máy móc và công nghệ hiện đại vào mạng lưới thanh toán thẻ, chương trình quản lý thông tin tín dụng, lắp đặt hàng trăm máy rút tiền tự động (ATM) trên khắp cả nước, chương trình thanh toán online, phát triển thêm nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng và nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng, cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ hiện có.
Đến nay đã có hơn 80% các nghiệp vụ ngân hàng, 85% các giao dịch của VCB với khách hàng được thực hiện bằng máy tính và thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Công nghệ thông tin đã tác động mạnh vào quá trình đổi mới cơ chế chính sách và đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, thanh tra giám sát hoạt động ngân hàng, giúp Vietcombank thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, thực hiện tốt quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Riêng trong hoạt động bán lẻ, công nghệ là chìa khóa then chốt để
đưa các dịch vụ bán lẻ đến với công chúng nhanh nhất.
VCB hiện đang ứng dụng các phần mềm hệ thống tiên tiến xử lý các nghiệp vụ ngân hàng hiện đại: sử dụng các giải pháp công nghệ dựa trên hệ điều hành Unix và ngôn ngữ xử lý cơ sở dữ liệu thế hệ 4, ngôn ngữ lập trình hiện đại (C,C++, Visual Basic…). Đây là các phần mềm hệ thống và cơ sở dữ liệu cho phép phát triển các ứng dụng ngân hàng có tốc độ xử lý nhanh, liên kết tự động hóa, truy cập nhanh với số lượng người sử dụng lớn, tính bảo mật cao, đồng thời được thiết kế theo hệ thống mở, có thể kết nối kỹ thuật với hệ thống khác. VCB còn tham gia vào dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán do WB tài trợ. Thông qua dự án, VCB đã xây dựng được nền tảng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển và tiêu chuẩn quốc tế, nhất là hệ thống thanh toán nội bộ, thiết lập mạng online và hệ thống nghiệp vụ cốt lõi. Ngoài ra, VCB tiếp tục củng cố hệ thống công nghệ nền tảng VCB – Vision 2010, đồng thời chính thức nghiệm thu tiểu dự án của WB với 5 module chính là bán lẻ, kinh doanh vốn, tài trợ thương mại, chuyển tiền và thông tin quản lý. Mặt khác, VCB đã ký kết hợp đồng tư vấn Dự án hỗ trợ liên kết kỹ thuật cơ cấu lại VCB với NHNN và liên doanh tư vấn ING & PRICE WATERHOUSE COOPER nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của VCB bằng việc xây dựng lại bộ máy tổ chức, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Cuối năm 2014, VCB đã đón nhận Chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thông tin cho hoạt động kinh doanh theo tiêu chuẩn ISO/IEC - 27001:2013 với phạm vi áp dụng toàn hệ thống. Chứng chỉ này do Tổ chức Chứng nhận TÜV Rheinland của CHLB Đức trao cho VCB. Cụ thể để xây dựng và đạt được giấy chứng nhận ISO/IEC 27001:2013, VCB đã triển khai đầu tư rất lớn và có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng CNTT như: hệ thống thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, trung tâm dữ liệu chính và dự phòng, trang thiết bị IT ở các chi nhánh cũng như ban hành hệ thống chính sách, quy định/quy trình về an toàn bảo mật hệ thống thông tin... để đảm bảo phục vụ kinh doanh tốt nhất và đồng thời đáp ứng tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn.