Nguồn vốn để cho vay phụ thuộc vào chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng mà NHCSXH TW giao chi nhánh tỉnh hàng năm. Căn cứ kế hoạch và nhu cầu của chi nhánh mà TW sẽ chuyển nguồn vốn cho vay cho chi nhánh tỉnh 2-3 đợt mỗi năm. Căn cứ phân bổ vốn từng đợt của TW mà chi nhánh thực hiện phân bổ cho các NHCSXH huyện thực hiện cho vay. NHCSXH huyện tiếp tục phân bổ đến các xã, phường, thị trấn để các Hội đoàn thể nhận ủy thác tổ chức bình xét lựa chọn người được vay vốn. Do đó việc giải ngân cho vay hộ nghèo thường mang tính chất là đồng loạt và thời vụ. Thời gian để thực hiện kế hoạch giải ngân thường là trong vòng 2-3 tuần tính từ khi có quyết định phân bổ vốn của TW. Sau các đợt phân bổ vốn thì chi nhánh thực hiện cho vay quay vòng vốn thu hồi. Về cơ bản, hàng năm trên cở sở nguồn cho vay được giao chi nhánh đã giải ngân nguồn vốn một cách nhanh chóng nhất có thể cho hộ vay vốn.
Đối tượng cho vay hộ nghèo chỉ thu hẹp trong phạm vi duy nhất là hộ nghèo căn cứ theo chuẩn mực phân loại hộ đói nghèo do Bộ LĐTB&XH công bố từng thời kỳ. Một số địa phương chỉ quan tâm khía cạnh xã hội, cho vay bình quân, lan tràn, không chú trọng đến khía cạnh kinh tế. Do đó đã cho vay các hộ nghèo không có điều kiện sản xuất ổn định, hoặc những hộ vay vốn với số tiền quá nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt…Vì thế hộ vay có thể sử dụng sai mục đích, chẳng hạn lấy số tiền đó trang trải chi phí cho cuộc sống của họ, dẫn đến không có khả năng hoàn trả vốn, làm cho nợ quá hạn tăng. Trong khi đó cũng có nhiều địa phương lại cho vay các hộ gia đình có thu nhập cao hơn chuẩn của Bộ lao động Thương binh và xã hội (theo chuẩn địa phương) dẫn đến số hộ thực sự nghèo và khó khăn thì không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này, đây là điều bức xúc của người dân hiện nay. Vì vậy chúng ta cần phải quan tâm và giải quyết càng sớm càng tốt thì chương trình xoá đói giảm nghèo mới thực sự có hiệu quả.
Chuẩn nghèo áp dụng giai đoạn 2011-2015 còn quá thấp. Với tiêu chí này như hiện nay cũng chưa thể đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu thực chất đó là những hộ đói, bên cạnh đó còn nhiều nhu cầu khác như: đi lại, chăm sóc sức khỏe,
giáo dục, hưởng thụ các giá trị về văn hóa tinh thần…chưa được tính đến. Trong thực tế những hộ nghèo có thể vay vốn là rất lớn và thậm chí họ không nằm trong danh sách hộ nghèo theo phân định, trong khi đó NHCSXH phải căn cứ vào danh sách mà Ban XĐGN của xã, huyện lập ra. Đây là vấn đề rất quan trọng cần phải được xem xét lại càng nhanh càng tốt.
Bên cạnh đó, tiêu chí hộ nghèo hiện nay chưa bao gồm việc rà soát, bổ sung kịp thời những hộ nghèo mới phát sinh hoặc hộ tái nghèo do mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, ốm đau… gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước. Một bộ phận hộ vay mới thoát nghèo, thuộc diện hộ cận nghèo đã đến hạn trả nợ nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn để thoát nghèo bền vững, phát sinh tâm lý không muốn trả nợ do khó tiếp cận với vốn vay của các ngân hàng thương mại.
Việc xét hộ nghèo và bình xét cho vay, tại các địa phương chưa công bằng, chưa bám sát vào tiêu chí chuẩn nghèo áp dụng trong giai đoạn 2011-2015 nên tại các địa phương số hộ nghèo thực tế lớn hơn so với hộ nghèo có tên trong danh sách qua các năm. Việc đánh giá những hộ thoát nghèo chưa chính xác, vì vậy tái nghèo xảy ra là thường xuyên. Một số tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đối với NHCSXH chưa làm hết trách nhiệm. Ở một số địa phương còn tâm lý ngại trong việc xét cho hộ nghèo vay vốn vì sợ họ không trả được nợ. Cá biệt ở một số chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm cho vay hộ nghèo, còn khoán trắng cho các hội đoàn thể.