Củng cố tổ chức Tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm hài hòa giữa việc tổ chức Tổ tiết kiệm và vay vốn theo tổ chức Hội và theo địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.
Để tổ vay vốn thực sự là “cầu nối” giữa NHCSXH Tây Ninh với khách hàng thì trong thời gian tới chi nhánh cần phải tiếp tục hoàn thiện tổ TK&VV như sau:
˗ Củng cố tổ chức lại tổ tại thôn, ấp cho liền cư liền canh để tổ trưởng quản lý dễ dàng, là một trong những khâu trọng yếu, quyết định chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách.
˗ Cố định số lượng trong tổ từ 20-30 người (theo quy định số người trong tổ từ 5-60). Hiện nay số lượng thành viên các tổ không đồng đều và chênh lệch rất nhiều, có tổ chỉ có 15 người, có tổ tới 60 người, vì vậy xảy ra tình trạng hoạt động của tổ không có hiệu quả, Ban quản lý tổ không thể kiểm tra hết các thành viên trong tổ của mình về cách thức làm ăn, cũng như sử dụng vốn vay có đúng mục đích vay hay không; dư nợ một tổ nên duy trì ở mức nào đó (có thể là từ 250 triệu đồng trở lên) để hoa hồng cho tổ TK&VV đủ để phục vụ cho hoạt động của ban quản lý tổ.
˗ Tổ tiết kiệm và vay vốn phải duy trì sinh hoạt tổ hàng tháng để tạo thói quen và ý thức trả nợ cho người vay. Nội dung sinh hoạt hàng tháng phải thiết thực và thực sự giúp ích cho từng thành viên trong tổ. Cụ thể như sinh hoạt tổ phải có sự kết hợp tập huấn các nghiệp vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để tăng cường năng lực SXKD cho người vay, bên cạnh đó còn nhằm tăng cường sự giám sát việc sử dụng vốn cũng như tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống giữa các thành viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham dự của cán bộ NHCSXH và cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác để trao đổi, hướng dẫn thông tin các quy định vay vốn nhằm nâng cao nhận thức của người vay.
˗ NHCSXH cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhận ủy thác cấp huyện, xã tăng cường công tác đào tạo tập huấn đối với ban quản lý tổ, trang bị về kinh nghiệm trong hoạt động SXKD, về nghiệp vụ ủy thác, về kiến thức quản lý và kỹ năng làm việc: Ghi chép sổ sách, điều hành các cuộc họp tổ, giao tiếp với ngân hàng...
˗ BQL tổ cũng cần tăng cường theo dõi, quản lý chặt địa bàn để biết rõ hoàn cảnh của từng hộ vay; tổ chức sinh hoạt tổ thường xuyên như đã qui định tại biên bản họp thành lập tổ. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ giúp thành viên chia sẻ kinh nghiệm để sử dụng vốn tốt hơn, đồng thời giúp cho BQL tổ thu lãi dễ dàng hơn, tăng cường sự gắn bó giữa các tổ viên với tổ viên, với BQL Tổ TK&VV.
˗ Nâng cao chất lượng của việc bình xét cho vay: Bình xét chính xác hộ vay vừa đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chính sách tín dụng ưu đãi của chính phủ đồng thời bảo toàn được nguồn vốn, tránh được hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích. Vì vậy nâng cao chất lượng bình xét cho vay là vấn đề mà BQL Tổ TK&VV và các Hội đoàn thể nhận ủy thác cần hết sức chú trọng.
˗ Phối hợp tốt và chịu sự quản lý của Trưởng ấp: Trưởng ấp là người có tiếng nói trong ấp và đã được NHCSXH ủy thác việc tuyên truyền phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi, giám sát việc bình xét cho vay và sử dụng vốn vay, xử lý nợ bị rủi ro trên địa bàn ấp... Vì vậy BQL Tổ TK&VV cần phải phối hợp tốt với trưởng ấp và phải chịu sự quản lý của trưởng ấp trong quá trình thực hiện các hoạt động ủy nhiệm của tổ mình quản lý.
˗ Làm rõ trách nhiệm phải hoàn trả vốn vay của hộ vay ngay từ khi kết nạp vào tổ (khi vay lần đầu). BQL tổ và các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác cần tuyên truyền, phổ biến, ràng buộc trách nhiệm trả lãi và nợ gốc tiền vay đối với hộ vay ngay từ ban đầu khi kết nạp vào tổ và khi bình xét cho vay món vay đầu tiên. Phải giúp hộ nghèo nhận thức đúng tín dụng chính sách chỉ trao cần câu và hướng dẫn cách thức câu, chứ không trao con cá như là hình thức trợ cấp chính sách.
˗ Phân loại chất lượng tổ : đánh giá chất lượng tổ theo Ban quản lý tổ, dựa trên kết quả thu lãi, thu tiết kiệm và đôn đốc thu hồi nợ hàng tháng và kết quả xếp loại theo chất lượng đánh giá. Việc đánh giá này cần được thực hiện hàng tháng, các chỉ tiêu đánh giá nên mang tính định lượng để chấm điểm công bằng giữa các tổ. Kết quả phân loại tổ cũng nên được sử dụng như là một tiêu chí ưu tiên trong việc bổ sung vốn vay hàng năm.