Nhân tố khách quan gồm các yếu tố khách hàng, môi trường kinh tế xã hội, yếu tố văn hoá, môi trường pháp lý, Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước…
- Khách hàng vay vốn
Đạo đức của người vay vốn là yếu tố quyết định đến hành vi trả nợ của khách hàng trong tương lai. Đạo đức của người vay được xác định trên cơ sở năng lực pháp lý và độ tín nhiệm. Khách hàng phải có năng lực pháp lý để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng trong quan hệ vay vốn. Mức tín nhiệm của khách hàng liên quan đến sự sẵn lòng và thiện chí thực hiện đúng hợp đồng. Cả hai yếu tố này các ngân hàng phải đặc biệt quan tâm khi tiến hành cho vay vì nó trực tiếp quyết định tới hiệu quả món vay và ảnh hưởng đến rủi ro của ngân hàng.
- Môi trường kinh tế
Hoạt động của các ngân hàng được coi là chiếc cầu nối giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Vì vậy sự ổn định hay bất ổn, sự tăng trưởng nhanh hay chậm của nền kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay.
- Môi trường pháp lý
Hoạt động cho vay của ngân hàng cũng phải tuân theo các quy định của nhà nước, luật dân sự, luật các tổ chức cho vay và các quy định khác của pháp luật. Những quy định pháp luật không rõ ràng, không đồng bộ, kịp thời và có nhiều kẽ hở sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trong các hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động cho vay nói riêng, tạo ra các khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó gián tiếp làm cho nền kinh tế kém phát triển, thu nhập của dân cư giảm sút tác động đến quy mô và hoạt động cho vay.
- Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước
Chính sách tín dụng của ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước cả về khách quan và chủ quan.
Về khách quan, khi nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển một ngành, một lĩnh vực, khu vực kinh tế nào đó, nhà nước sẽ sử dụng các công cụ về tiền tệ, tín dụng như giảm tỷ lệ dư trữ bắt buộc của các ngân hàng đối với nguồn vốn huy động để đầu tư cho khu vực kinh tế đó, cho các ngân hàng vay vốn phát triển tín dụng ưu đãi, vốn ODA của các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp vv…Đặc biệt, nhà nước tạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ cho hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với khu vực được khuyến khích phát triển. Vì vậy, khả năng sinh lợi của ngân hàng cao hơn khi hướng đầu tư vốn tín dụng vào khu vực này.
Về chủ quan, hoạt động tín dụng của ngân hàng phải tuân thủ mục tiêu chung của chính sách tín dụng quốc gia, vì vậy, buộc ngân hàng phải điều chỉnh chính sách tín dụng của mình cho phù hợp với chính sách chung của nhà nước. Để đạt được mục tiêu của mình, nhà nước sử dụng mệnh lệnh hành chính để buộc các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước phải ưu tiên tập trung vốn đầu tư, hoặc rút vốn khỏi đối tượng cần điều chỉnh.