Sự phát triển hoạt động cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ngân hàng thương mại chủ yếu do chính nội lực của ngân hàng quyết định. Các nhân tố chủ quan này bao gồm chính sách cho vay, chất lượng cán bộ, cơ sở vật chất của ngân hàng...
- Cơ cấu vốn của ngân hàng
Vốn của ngân hàng trước hết là vốn tự có, nguồn vốn này tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn của ngân hàng song lại đóng vai trò quan trọng vì đó là cơ sở thu hút các nguồn vốn khác và là khởi đầu tạo uy tín cho ngân hàng. Theo quy định, ngân hàng không được phép cho một khách hàng vay vượt quá 15% vốn tự có nên khi ngân hàng có vốn tự có lớn thì khả năng mở rộng cho vay là rất cao. Với vốn tự có lớn ngân hàng sẽ có điều kiện trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ hiện đại, ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, thu hút nhiều khách hàng, thẩm định khách hàng và dự án đầu tư chính xác hơn. Đây là điều kiện quan trọng để ngân hàng có thể mở rộng hoạt động cho vay nói chung và cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng.
Cơ cấu tài sản của ngân hàng cũng tác động không nhỏ tới hoạt động cho vay, sự chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và tài sản khiến cho ngân hàng đối mặt với rủi ro lãi suất cao và do vậy ngân hàng thường phải điều chỉnh tài sản của mình để có thể khớp tương đối với kỳ hạn của nguồn vốn. Việc này dẫn tới trong nhiều trường hợp ngân hàng sẽ ưu tiên phát triển cho vay ngắn hạn hoặc chỉ phát triển cho vay trung dài hạn.
- Chính sách tín dụng của ngân hàng
Chính sách tín dụng nói chung và chính sách cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng đều phản ánh cương lĩnh tài trợ của ngân hàng đồng thời là hướng dẫn chung cho việc thực thi và phát triển cho vay. Chính sách tín dụng thường được xây dựng và xác định cho một khoảng thời gian nhất định. Tùy theo từng thời kỳ mà ngân hàng có chính sách phát triển tín dụng phù hợp với thực tế.
- Quy trình cho vay
Sự tôn trọng và kết hợp nhịp nhàng các bước trong quy trình cho vay nói chung và quy trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng tạo điều kiện cho ngân hàng phát hiện kịp thời các khuyết điểm, nắm chắc diễn biến khoản vay để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra.
- Cán bộ tín dụng
Nhân tố con người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngân hàng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng. Hoạt động cho vay là một nghiệp vụ phức tạp trong ngân hàng và phụ thuộc nhiều vào cán bộ cho vay trực tiếp, họ thường là người quyết định trong quá trình thẩm định ra quyết định cho vay hoặc từ chối khách hàng. Vì vậy đội ngũ cán bộ cho vay cần phải có một trình độ nghiệp vụ chuyên môn vững vàng đồng thời phải có sự linh hoạt trong cách xử lý và cuối cùng là phải trung thực. Tuy nhiên trong bộ máy cho vay, cán bộ cho vay không phải là người duy nhất tạo nên sự thành công mà còn có sự hỗ trợ cho vay. Đó là thành viên của các bộ phận liên quan như: chuyên viên quản trị tín dụng, chuyên viên kế toán, các giao dịch viên, kiểm soát viên. Những chuyên viên này cũng phải cần có nghiệp vụ chuyên môn tốt, nhanh nhẹn và chắc chắn đảm bảo sự phát triển cho vay an toàn.
Trong hoạt động tín dụng, ngân hàng cho vay chủ yếu dựa trên sự tin tưởng đối với khách hàng. Mức độ chính xác của sự tin tưởng này lại phụ thuộc vào chất lượng thông tin mà ngân hàng có được.
Để ngày càng cường hoạt động cho vay đạt hiệu quả, chất lượng cao, phải nắm bắt những thông tin cả bên trong và bên ngoài của ngân hàng. Luồng thông tin bên trong cung cấp cho biết rõ những điểm mạnh, yếu của các nguồn lực khác nhau trong ngân hàng mình. Thông tin bên ngoài bao gồm thông tin về kinh tế, xã hội, thị trường… để đưa ra những phương hướng hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động cho vay nói riêng phù hợp. Những thông tin về khách hàng là yếu tố trước tiên để cán bộ tín dụng ra quyết định cho vay và ảnh hưởng rất lớn đến độ an toàn của món vay.
Hiện nay một trong các kênh cung cấp thông tin quan trọng cho ngân hàng về khách hàng vay là Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC). Đây là đơn vị đầu mối duy nhất có thể cung cấp thông tin tổng hợp khá chính xác về khách hàng vay.
- Nền tảng công nghệ
Trong hoạt động cho vay, công nghệ thông tin không chỉ giúp ngân hàng quản lý một cơ sở dữ liệu khách hàng to lớn với đầy đủ các chi tiết như tư cách pháp nhân, lịch sử hoạt động tại ngân hàng, hạn mức cho vay tại ngân hàng và tại các ngân hàng khác cho đến các thông tin chi tiết khác. Các thông tin này được các phần mềm chuyên dụng quản lý một cách hệ thống, khoa học giúp cho các cán bộ cho vay, hay lãnh đạo ngân hàng có thể truy xuất thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Năng lực công nghệ ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô cho vay mà ngân hàng có thể phát triển. Khi mà năng lực công nghệ của ngân hàng còn yếu hoặc còn mang tính thủ công cao thì việc mở rộng cho vay nói chung và cho vay nói riêng là rất khó khăn và rủi ro do ngân hàng không đảm bảo được việc kiểm soát một khối lượng thông tin khổng lồ.
- Các rào cản cho vay đối với khách hàng và ngân hàng
Hiện nay, nghiệp vụ cho vay tại các ngân hàng thương mại vẫn còn nặng về vấn để thủ tục, liên quan đến nhiều giấy tờ là rào cản khiến nhiều khách hàng ngần ngại khi tiếp cận các khoản cho vay.
Bên cạnh đó, các vấn đề bất cập về tài sản thế chấp, những tài sản chưa được nhà nước công nhận và ban bố quy định, quy trình về định giá, đăng ký giao dịch bảo đảm và thế chấp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc vay vốn của khách hàng.
Quy định của chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, chứng thực hồ sơ bảo đảm thế chấp tuy giải quyết được một số quyền lợi của các bên liên quan trong quá trình giao dịch nhưng cũng gây không ít khó khăn và tốn nhiều thời gian trong quá trình thực hiện, làm cho quy trình và thủ tục giải quyết hồ sơ vay vốn của ngân hàng càng kéo dài và phức tạp.
Ngoài ra, sự xuất hiện ồ ạt của các tổ chức tín dụng khiến mức độ cạnh tranh lôi kéo khách hàng giữa các tổ chức tín dụng ngày càng diễn ra khốc liệt không chỉ ở các địa bàn trung tâm, đô thị mà ngay cả ở địa bàn nông thôn.