Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh lâm đồng (Trang 73 - 75)

Yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất mang đến sự thành công cho hoạt động kinh doanh dịch vụ. Vì đặc thù của dịch vụ ngân hàng là dễ bắt chước nên nếu như trình độ công nghệ của các ngân hàng là tương đương thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ tạo ra sự khác biệt về chất lượng sản phẩm dịch vụ giữa các ngân hàng. Đối với hoạt động tín dụng thì yếu tố con người lại càng đóng một vai trò quan trọng, nó quyết định đến chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của ngân hàng và từ đó quyết định đến hiệu quả tín dụng của ngân hàng. Do đặc thù hoạt động trên địa bàn nông thôn rộng lớn, món vay nhỏ lẻ nhiều dẫn tới tình trang quá tải trong công việc, một bộ phận cán bộ tín dụng còn có trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu hạn chế. Để khắc phục được tình trạng trên, trong thời gian tới cần tập trung một số việc như:

- Tuyển dụng cán bộ: Cần có chính sách thu hút tuyển dụng như ưu tiên các sinh viên khá giỏi, có kiến thức tốt, am hiểu nhiều về lĩnh vực kinh tế xã hội. Song song với quá trình tuyển dụng cán bộ mới, có thể thanh lọc thay thế, luân chuyển cán bộ cũ nếu làm việc không đạt yêu cầu, không kể quyền hạn chức vụ. Bên cạnh

đó có thể tuyển dụng, thu hút cán bộ có năng lực, có kinh kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, am hiểu thị trường từ các ngân hàng khác.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Cần đổi mới công tác đào tạo, tổ chức khảo sát thực trạng chất lượng cán bộ để xác định mục tiêu, nhu cầu, nội dung đào tạo gắn với tiêu chuẩn, chức danh cán bộ. Đa dạng hóa hình thức đào tạo: khuyến khích cán bộ công nhân viên tự học tập để nâng cao trình độ. Phát huy hệ thống đào tạo trực tuyến nhằm tăng quy mô và năng lực đào tạo. Thường xuyên đào tạo các kỹ năng mềm cho nhân viên như kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng bán hàng.

- Bố trí nguồn nhân lực: Kiểm tra đánh giá lại năng lực cán bộ thường xuyên để sắp xếp công việc cho phù hợp hơn. Luân chuyển cán bộ trong quản lý khách hàng để giảm trừ những tiêu cực do những mối quan hệ được tạo lập quá dài, phát hiện những sai sót trong quá trình cho vay. Tuy nhiên việc luân chuyển phải đảm bảo việc phục vụ khách hàng không bị thay đổi, không bị ảnh hưởng do cán bộ mới thực hiện.

Với số lượng khách hàng cá nhân chỉ tính riêng khách hàng vay thì mỗi cán bộ tín dụng phải quản lý bình quân 457 khách hàng vay. Như vậy, cho thấy cường độ làm việc của cán bộ tín dụng trong thời gian này là khá căng thẳng, quá tải. Vì vậy cần bố trí đủ và phân công công việc cho cán bộ tín dụng một cách hợp lý, tránh tình trạng quá tải để đảm bảo chất lượng công việc, giúp cho cán bộ tín dụng có đủ thời gian nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin khách hàng, phân tích đánh giá cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh, định hướng chiến lược, tham mưu cho ban lãnh đạo.

- Chế độ đãi ngộ, thưởng phạt: Cần phải xây dựng chế độ đãi ngộ, thưởng phạt xứng đáng, công bằng, rõ ràng, tránh tình trạng cào bằng. Xây dựng chính sách lương thưởng theo nguyên tắc tiền lương gắn với trình độ và năng suất lao động, có cơ chế khen thưởng, khích lệ kịp thời đối với cán bộ có thành tích cao, có sáng kiến đóng góp phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Sử dụng hiệu quả quỹ khen thưởng để khích lệ, động viên người lao động trong việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, giảm nợ xấu…

Ngoài ra, cần kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo nhân sự quản lý có đủ năng lực và trình độ quản

trị, điều hành hoạt động kinh doanh, gắn bó, am hiểu địa phương. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý các cấp nhằm tạo sự đột phá về tư duy và kỹ năng quản lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh lâm đồng (Trang 73 - 75)