7. Cấu trúc của đề tài
1.1.2. Giáo dục bản sắc văn hóa cho học sinh THPT
1.1.2.1. Mục đích, ý nghĩa của giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh THPT
a. Quan niệm về giá trị
Giá trị là những cái thuộc về sự vật, hiện tượng và những thuộc tính của chúng mà có ý nghĩa tích cực đối với xã hội, một nhóm người và cá nhân, với tư cách là phương tiện thỏa mãn những nhu cầu và lợi ích, đồng thời biểu thị niềm tin của con người về những mục đích và phương thức ứng xử lý tưởng.
b. Quan niệm về giá trị văn hóa
Giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của dân tộc và nhân loại. Giá trị văn hóa là một hệ thống các giá trị có ý nghĩa khách quan được quy định bởi thực tiễn lịch sử, bởi tính thông tin rộng rãi. Các giá trị văn hóa đều biểu hiện các lợi ích của các lực lượng xã hội tiên tiến. Các giá trị văn hóa đều chứa đựng những điều tốt đẹp hướng tới chân - thiện - mỹ và luôn tạo ra các định hướng làm phát huy cái đúng, cái tốt, cái đẹp của con người.
c. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam
Nói đến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là nói đến đặc thù của văn hóa Việt Nam với những bản sắc đâm đà, đặc trưng tốt đẹp đã hình thành và lưu truyền từ những ngày dựng nước cho đến nay. Xem xét các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nổi lên 3 đặc điểm cơ bản:
Một là, giá trị đạo đức chiếm vị trí nổi bật.
Hai là, chủ nghĩa yêu nước được khẳng định là giá trị cốt lõi, giá trị định hướng các giá trị khác.
Ba là, những giá trị phổ biến của con người Việt Nam như tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh thần lạc quan... cũng được đề cập và coi đó là những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta.
d. Mục đích của giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh THPT.
Giáo dục truyền thống cho học sinh THPT nhằm mục đích giúp học sinh hiểu biết sâu sắc quá khứ gian khổ, đau thương sự hy sinh anh dũng và vinh quang của dân tộc ta, của Đảng để học sinh tự hào, tin tưởng, nhận rõ giá trị cuộc sống hiện tại, nâng
cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế chân chính, xây dựng thái độ lao động mới, ý thức tự lực tự cường, có trách nhiệm với xã hội, với tương lai của dân tộc, tiếp tục sự nghiệp của các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ còn nhằm bảo đảm sự kế tục và thống nhất giữa thế hệ cách mạng.
e. Ý nghĩa của giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh THPT.
Thanh niên - học sinh THPT là bộ phận quan trọng của dân tộc, là lực lượng xung kích và sáng tạo của cách mạng, là lực lượng dự bị chiến đấu của Đảng, nên cần được chuẩn bị tốt về mọi mặt. Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ luôn là một nhiệm vụ quan trọng của các thế hệ cha anh, của Đảng cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
1.1.2.2. Nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống
a. Giáo dục nhận thức về ý nghĩa của văn hóa truyền thống
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, mỗi dân tộc đã tạo cho mình một bản sắc riêng, góp phần tạo nên nền văn hóa đa sắc của dân tộc Việt Nam.
Việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số là rất cần thiết bởi văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa của các dân tộc thiểu số, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năn 2020”. Mục tiêu của Đề án là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa cao (các dân tộc rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, hải đảo, khu vực tái định cư của các thủy điện). Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc,...Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số,...”.
Bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số được thực hiện trên nhiều phương diện, trong đó có việc bảo tồn trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống là một biểu trưng của văn hoá, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc.
Hiện nay, số người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày rất ít. Phần lớn trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ còn được lưu giữ trong các bảo tàng hoặc trung tâm văn hóa. Trong nhà trường vùng dân tộc thiểu số cũng vậy, đa số học sinh mặc trang phục của người Kinh, trang phục hiện đại khi đến trường. Thực tế này cho thấy, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, thậm chí biến mất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
b. Giáo dục về thái độ và hành vi đối với văn hóa truyền thống
- Giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giáo dục thái độ trân trọng BSVHDT, từng bước hình thành cho HS lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác, làm nên tiếng nói đa dạng, phong phú trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Giáo dục lối sống ứng xử văn hóa trong môi trường học tập và sinh hoạt (hòa hợp, thân thiện) cho học sinh.
- Tạo dựng môi trường học tập và sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc. Tổ chức đời sống văn minh, tiến bộ phù hợp với truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Vận dụng các giá trị BSVHDT nhằm hình thành cho HS một môi trường sống thân thiện, cởi mở, đoàn kết và đậm đà bản sắc dân tộc giúp học sinh cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó như cuộc sống của gia đình, quê hương.
- Giáo dục kĩ năng sống cho HS dân tộc phù hợp với môi trường sống, điều kiện nơi các em đang sống phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, xóa bỏ tập tục lạc hậu.
- Giáo dục văn hóa dân tộc để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc. Những giá trị sáng tạo của con người trải qua nhiều thế hệ hình thành văn hóa. Con người luôn có ý thức giữ gìn văn hóa như giữ gìn chính sự sống của mình. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy BSVHDT trở thành nhu cầu chính đáng, là quyền sống của con người.
1.1.2.3. Các yêu cầu giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh THPT
- Giáo dục con người toàn diện
Giai đoạn hiện nay với những thời cơ, vận hội lớn luôn song hành cùng thách thức, chúng ta càng phải quan tâm đến nguồn lực con người. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam... bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng xấu tới nhiều mặt trong đời sống xã hội của Việt Nam. Ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Việc giáo dục đạo đức cho HS, giáo dục truyền thống cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của nhà trường để hình thành nên phẩm chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Làm sao để sau khi ra trường mỗi HS đều phải có lý tưởng đẹp, có tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào tự tôn dân tộc, phát triển về trí tuệ và thể chất, kỹ năng sống tốt, năng động, sáng tạo, là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, có nhiều nhà trường đã lồng ghép giáo dục BSVHDT, giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như giáo dục lịch sử qua bảo tàng; đưa học sinh đến thăm các di tích lịch sử, các làng văn hóa.... Việc làm này là rất cần thiết và là một hướng đi đúng phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay bởi cách giáo dục này không biến nội dung giáo dục truyền thống văn hóa thành một môn học nặng về lý thuyết, giáo điều, khô cứng. Nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng và vì thế sẽ hấp dẫn được HS. Và đặc biệt sẽ phù hợp với tâm lý lứa tuổi, xua tan áp lực học tập, phát huy tiềm năng HS.
- Giáo dục truyền thống nhưng không cứng nhắc
Làm sao để giáo dục truyền thống không chỉ là những bài giảng chỉ nằm trong sách vở, mỗi bài học không khô khan cứng nhắc và thu được hiệu quả tích cực phụ thuộc không nhỏ vào cách tổ chức thực hiện trong mỗi nhà trường và giáo viên.
Về phía nhà trường đòi hỏi cần xây dựng một kế hoạch lồng ghép cụ thể, đưa vào quy chế chuyên môn đối với giáo viên, triển khai đồng bộ trong tất cả các hoạt động giáo dục của mình, có cơ chế kiểm tra đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, khích lệ kịp thời.
Về phía giáo viên ngoài việc cung cấp kiến thức cho HS thì thông qua đó phải coi trọng và đặt lên hàng đầu nhiệm vu giáo dục đạo đức cho HS. Không thể giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào mà cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, biện chứng với nhau hoặc tích hợp liên môn hướng tới một mục đích cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho HS. Muốn giáo dục một cách có hiệu quả, bản thân mỗi giáo viên cần phải có ý thức đổi mới phương pháp giáo dục, để đưa những nội dung giáo dục truyền thống vào bài học tạo sân chơi, hoạt động nhóm một cách nhẹ nhàng, sáng tạo.
Mặt khác, để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong giáo dục đạo đức cho HS hiện nay, các nhà trường cũng cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề như: Cần có sự kết hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HS theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho HS. Cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức cho HS giao phó chủ yếu cho nhà trường “ Trăm sự nhờ thầy cô”. Tấm gương đạo đức của cha mẹ, người thân trong gia đình cũng như tấm gương đạo đức của thầy cô luôn có tác dụng giáo dục vô cùng to lớn, hiệu quả hơn ngàn lời lý thuyết suông.
1.1.2.4. Một số giá trị văn hóa truyền thống cần được giáo dục cho học sinh THPT
Việc đề cao các giá trị văn hóa truyền thống là đặc điểm nổi bật trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước, lòng thương người, tình đoàn kết và tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm là những giá trị đạo đức căn bản và xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Những giá trị đó, qua các thời đại được những thế hệ nối tiếp nhau bồi đắp, kế thừa và chúng trở thành động lực, bản sắc nhân cách con người Việt Nam.
- Giá trị yêu nước, nhân nghĩa
Đây là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc được sinh dưỡng trong chính đau thương, mất mát qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và cuộc sống lam lũ hàng ngày từ nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước của dân tộc Việt Nam. Điều dễ nhận thấy về biểu hiện lòng nhân ái của dân tộc ta được bắt nguồn từ một chữ “tình” - Trong gia đình đó là tình cảm đối với đấng sinh thành “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, tình anh em “như thể tay chân”, tình nghĩa vợ chồng “đầu gối, tay ấp”; rộng hơn là tình làng xóm láng giềng và bao trùm hơn cả là tình yêu thương đồng loại “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Lòng yêu thương và sống có nghĩa tình còn được biểu hiện trong sự tương trợ, giúp đỡ nhau; sự khoan dung, vị tha dành cho cả những người đã từng lầm đường lạc lối biết lấy công chuộc tội. Không chỉ biểu hiện trong đời sống hàng ngày, tình yêu thương, sự khoan dung, độ lượng với con người của dân tộc Việt Nam còn được nâng lên thành những chuẩn tắc trong các bộ luật của Nhà nước; đồng thời là cơ sở của tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Trong lịch sử, nhân dân ta luôn đề cao và coi trọng việc giữ tình hoà hiếu với các nước, tận dụng mọi cơ hội có thể để giải quyết hoà bình các xung đột, cho dù nguyên nhân từ phía kẻ thù... Ngày nay, truyền thống nhân nghĩa đó không bị mai một hay mất đi, ngược lại tiếp tục được khẳng định và củng cố khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện đường lối nhất quán “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
- Giá trị cần cù, sáng tạo
Cần cù, siêng năng là một trong những giá trị đạo đức nổi bật, phẩm chất đáng quý của người Đông Á, trong đó có Việt Nam. Đối với mỗi người Việt Nam, cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động là điều phải làm vì có như vậy mới có của cải vật chất. Phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động của người Việt Nam luôn gắn với sự dành dụm, tiết kiệm và trở thành đức tính cần có như một lẽ tự nhiên. Như vậy, đầu tiên đức tính cần cù, sáng tạo và tiết kiệm trong lao động chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thể đảm bảo được việc duy trì cuộc sống cá nhân. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay,
sự cần cù, sáng tạo đi đôi với thực hành tiết kiệm trong lao động sản xuất của mỗi người Việt Nam càng trở nên có ý nghĩa thiết thực, bởi đây chính là động lực tiên quyết nhằm tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, qua đó tự mỗi người đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.