Các kiến thức về giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc trong chương trình Địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc trong dạy học địa lí ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh điện biên​ (Trang 53 - 57)

7. Cấu trúc của đề tài

2.1.4. Các kiến thức về giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc trong chương trình Địa

Thực tiễn cho thấy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di sản tự nhiên luôn đồng hành - gắn liền với việc phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi khi công tác bảo tồn không được thực hiện tốt cũng đồng nghĩa với việc thiếu, hoặc làm mất đi một phần di sản trong kho tàng di sản của đất nước.

Trong chương trình Địa lí việc giáo dục BSVHDT cũng như di sản văn hóa là một trong những phương tiện dạy học đa dạng và sống động nhất. Giáo dục di sản sẽ góp phần phát triển một số kỹ năng sống của học sinh như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày suy nghĩ ý tưởng, kỹ năng lắng nghe tích cực, hợp tác....

Để tránh tình trạng nặng nề, quá tải cho học sinh, việc giáo dục BSVHDT cùng như giáo dục di sản cần đa dạng trong hình thức tổ chức dạy và học. Có nhiều cách tiếp cận trong giáo dục, tùy theo hoàn cảnh và đối tượng mà khuyến khích các hình thức giáo dục di sản khác nhau. Phương thức tổ chức dạy học các nội dung giáo dục BSVHDT trong trường học bao gồm: lồng ghép nội dung dạy học giáo dục BSVHDT vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa), xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có liên quan đến chủ đề có tính chất điển hình và hướng dẫn HS tự tìm hiểu, khai thác các nội dung có di sản văn hóa thông qua tư liệu, hiện vật, tổ chức chăm sóc di tích, các hoạt động giáo dục tại di tích.

* Văn hóa vật thể

Hiện nay, những hình thức giáo dục các giá trị của các di sản văn hóa có hiệu quả nhất đó là tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, dạy học tại nơi có di sản văn hóa, tổ chức thăm quan và trải nghiệm tại nơi có di sản văn hóa. Các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đặc biệt như môn Địa lí và Lịch sử được xem là một môn có nhiều cơ hội để giáo dục di sản văn hóa hơn hẳn các môn khác. Nắm bắt được thế mạnh đó nhiều giáo viên ở các trường THPT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động nội khóa, ngoại khóa để giáo dục di sản văn hóa cho HS. Đây là phương pháp dạy học tích cực, vừa truyền thụ cho HS những kiến thức cần thiết và rèn luyện kĩ năng thực hành được thái độ, tình cảm, ý thức bảo vệ văn hóa bản sắc dân tộc, đồng thời nâng cao hứng thú học tập các môn khoa học xã hội cho HS.

Việc khai thác di sản văn hóa trên địa bàn nhà trường đóng vai trò như là nguồn tri thức, là phương tiện dạy học, giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết về di sản văn hóa cho HS. Hiện nay nhiều trường học đã tận dụng những thế mạnh về di sản của địa phương mình để giúp HS nâng cao tri thức. Tuy nhiên, về phía giáo viên phải đảm bảo yêu cầu như lập kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị và tiến hành bài học, đi khảo sát thực địa, liên hệ với các cơ quan quản lí di sản.

Ví dụ: Các trường THPT ở tỉnh Điện Biên có thể tổ chức cho học sinh hoạt động: “Thăm quan học tập tại di tích lịch sử ở Thành phố Điện Biên Phủ”. Hoạt động này sẽ đáp ứng được mục tiêu của việc dạy học theo chủ đề kiến thức liên môn Địa lí và Lịch sử. Thông qua hoạt động này, về kiến thức HS sẽ nắm được: Những kiến thức nhất định về Địa lí, Lịch sử di tích ở Thành phố Điện Biên Phủ, liệt kê một số thực tế về các di tích lịch sử ở Điện Biên, xác định được mối quan hệ và hệ quả của các yếu tố tự nhiên - lịch sử, kinh tế - xã hội trên địa bàn, bước đầu biết đề xuất một số giải pháp cụ thể trong việc phát triển du lịch và bảo vệ di tích lịch sử và tài nguyên, môi trường tại khu vực Điện Biên. Về kĩ năng: HS rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm, ghi chép, quan sát các yếu tố tự nhiên, lịch sử, kinh tế - xã hội tại địa phương hình thành năng lực tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức các hoạt động xã hội. Về thái độ: HS sẽ có ý thức yêu quý và tự hào về quê hương, có thái độ hành vi tích cực góp phần phát triển và bảo tồn di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thời gian tổ chức hoạt động trong 01 ngày. Để tổ chức hoạt động, giáo viên cần chuẩn bị như xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, bản đồ tự nhiên tỉnh Điện Biên, lược đồ thành phố Điện Biên Phủ, cơ sở vật chất, các nhiệm vụ và bài tập cho các nhóm, thu xếp về vấn đề hậu cần. Về HS cần tìm hiểu thông tin về lịch sử của các khu di tích trong lòng chảo thành phố Điện Biên Phủ, vấn đề môi trường, dân cư và những nét đặc trưng về dân tộc ở đây.

Giáo viên chia HS thành các nhóm (có thể chia thành 3- 4 nhóm). Giáo viên sẽ chỉ đạo từng nhóm và hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ các hoạt động. Trước tiên là hoạt động: thu thập số liệu trước chuyến thực địa. Mỗi nhóm cần có chủ đề và xác định mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng để tìm kiếm những thông tin có liên quan. Thứ hai, là hoạt động: thu thập số liệu, tư liệu trong buổi thực địa. Thứ ba, là hoạt động: trình bày về

kết quả thực địa. Học sinh nhìn lại các hoạt động và yêu cầu của buổi thực địa, báo cáo tóm tắt kết quả đạt được(báo cáo theo nhóm). Thứ tư là hoạt động: tổng kết buổi thực địa, GV có nhiệm vụ nhận xét tinh thần thái độ học tập của HS, yêu cầu HS về nhà viết bản thu hoạch sau buổi thực địa tại thành phố Điện Biên Phủ. Thứ năm là hoạt động: đánh giá, GV đánh giá qua báo cáo của từng nhóm và trình bày thu hoạch cá nhân của HS.

Qua buổi học tập và trải nghiệm trên HS có thể hiểu được những giá trị từ những di sản cũng như BSVHDT ở địa phương để từ đó thấy yêu quí trân trọng và tự hào hơn về quê hương mình; Từ đó có thái độ và hành vi đúng đắn, có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa và di sản văn hóa của quê hương.

* Văn hóa phi vật thể

Việc giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cũng có nhiều hình thức đem lại hiệu quả cao như dạy học thông qua truyền thông, đa phương tiện, đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu giảng dạy trong nhà trường, cho các em HS tự tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa các dân tộc như: trò chơi dân gian, lễ hội các dân tộc, dân ca....

Trong những cách thức này, GV chính là người hướng dẫn, điều phối hoạt động học và HS trở thành người chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động. Kết quả mà các em thu được không chỉ là kiến thức mà còn là nhận thức về các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và tổng hòa các kỹ năng mà trong đó không thể thiếu được là kỹ năng sống.

Tuy nhiên, hiện nay việc lựa chọn di sản gì vào bài học? Lựa chọn những thông tin và hình thức nào để giáo dục giá trị di sản văn hóa phi vật thể? Chính là chăn chở của người GV. Một khuyến nghị là hãy lựa chọn những di sản ở quanh chúng ta, cộng đồng ở đâu thì chúng ta lấy di sản ở đó, tìm những giá trị gần gũi và bình dị để tích hợp vào bài giảng, có như vậy GV mới có thể dễ dàng sử dụng và các em nhớ một cách thiết thực về văn hóa của chính mình. Mỗi tỉnh cần có những cách thức riêng để đưa di sản đến gần hơn với HS. Chẳng hạn, đối với tỉnh Điện Biên, một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc như Thái, Mông, Khơ mú, Sila.... sinh sống thì việc HS đóng kịch theo nội dung tác phẩm văn học dân tộc, cho các em múa các điệu xòe của dân tộc Thái hay tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc mình hoặc GV có thể

lồng ghép giới thiệu cho HS những thông tin về những phong tục đặc sắc của từng dân tộc như: Lễ cúng cơm mới của dân tộc Thái, lễ buộc chỉ cổ tay của dân tộc Thái... Các hoạt động giáo dục di sản văn hóa cần phù hợp với đối tượng tâm lý HS và giảm thiểu tính hàn lâm hóa kiến thức trong dạy học. Điều này tạo nên sự thích thú, say mê tìm tòi của HS thoát khỏi sự gò bó theo các giờ giảng trên lớp trước đây. Việc khai thác và sử dụng tài liệu về di sản để tiến hành giảng dạy cũng cần sự nhuần nhuyễn. Cụ thể, GV phải tiến hành chọn lọc thật kỹ và xác minh tính chân thực của các tài liệu về di sản. Đặc biệt phải biết chọn lọc các nét đặc sắc và điển hình nhất, sắp xếp các tài liệu đó thành hệ thống phù hợp với tiến trình bài học kết hợp với các phương tiện trực quan, kĩ thuật hiện đại...

* Các di sản văn hóa được UNESCO công nhận; Các di sản văn hóa cấp quốc gia

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản được UNESCO vinh danh. Trong đó có các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa, di sản phi vật thể...

Hiện, Việt Nam có hai địa danh được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, gồm: Vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Điều đặc biệt, cả hai di sản này đều được UNESCO công nhận hai lần: vịnh Hạ Long vào các năm 1994 và 2000, Phong Nha - Kẻ Bàng vào các năm 2003 và 2015. Đến năm 2018, Việt Nam có năm di sản văn hóa thế giới là quần thể di tích Cố đô Huế, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành nhà Hồ. Trong đó, quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận sớm nhất vào năm 1993, thành nhà Hồ được công nhận gần đây nhất - năm 2011.

Di sản phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình Huế, ngày 07/11/2003 nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO đưa vào danh mục kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - đánh dấu bước ngoặt về giá trị văn hóa vùng đất này. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 15/11/2005. Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, đã đi vào sử thi Tây

Nguyên để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này. Quan họ Bắc Ninh ngày 30/9/2009, quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) và là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Ca trù ngày 1/10/2009, ca trù được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành ở phía Bắc. Ngoài ra còn rất nhiều các di sản khác....

Đối với tỉnh Ðiện Biên - một tỉnh miền núi có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Trong cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại là một kho tàng di sản văn hóa, tín ngưỡng mang sắc màu độc đáo; trong đó có đến 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản được công nhận mới đây nhất (đầu năm 2019) là Tết Hoa mào gà của dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú của dân tộc người Hà Nhì. Ðó là vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên; đồng thời khẳng định sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc trong dạy học địa lí ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh điện biên​ (Trang 53 - 57)