Bảng 3.5: Một số chỉ tiêu lợi nhuận và khả năng sinh lời ngành ngân hàng 2010-2012 Chỉ tiêu Năm 2010 2011 2012 ROA (%) 1.29 1.09 0.62 ROE (%) 14.56 11.86 6.31 Tổng LN sau thuế (Tỷ đồng) 46,900 54,000 28,600 Tổng tài sản (Tỷ đồng) 3,500,000 4,959,800 5,085,780 Vốn tự có (Tỷ đồng) 318,352 391,096 425,982
Nguồn: Tính toán từ số liệu của NHNN [46]
Nhìn vào Bảng 3.5 ta thấy, năm 2011, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu 22,85% và tốc độ tăng quy mô
tài sản là 41,7%. Vì tốc độ tăng lợi nhuận ngành thấp hơn tốc độ tăng vốn chủ sở hữu và tăng quy mô tổng tài sản nên hai chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các TCTD là ROA và ROE năm 2011 ở mức thấp hơn năm 2010: ROA đạt 1,09% và ROE đạt 11,86%, các chỉ số này năm 2010 lần lượt là 1,29% và 14,56%. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2011 có sự chênh lệch khá lớn giữa một số TCTD, lợi nhuận tăng chủ yếu do sự tăng trưởng của một số ngân hàng có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn, có năng lực điều hành và quản trị rủi ro tốt, hoạt động an toàn, hiệu quả. Trong khi nhiều TCTD thuộc nhóm có quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thường phải huy động với lãi suất cao cộng với nợ xấu gia tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm 2011.
Sang năm 2012, tổng lợi nhuận toàn ngành là 28.600 tỷ đồng, sụt gần 50% so với 2011, sự sụt giảm lợi nhuận diễn ra ở hầu hết các ngân hàng thương mại, trừ MBB, VCB có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lần lượt là 21,41% và 4,93% (Biểu đồ 3.6). Tốc độ sụt giảm lợi nhuận cao nhất của hệ thống là SHB với 96,42% sau khi Habubank sáp nhập vào (cùng với việc nhận khoản lỗ nghìn tỷ từ ngân hàng này), xếp thứ hai là sự sụt giảm lợi nhuận của TCB với 75,79%, theo sau là hai ngân hàng ACB và MSB với 71,6%.
(Nguồn: Các BCTC của các NHTM 2011, 2012 [48])
Biểu đồ 3
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm nghiêm trọng lợi nhuận trong năm 2012 của các NHTM Việt Nam xuất phát từ việc tín dụng tăng thấp trong năm 2012 (8,91% toàn ngành) – hoạt động tín dụng tạo ra phần lợi nhuận chính của ngân hàng, song hoạt động này trong năm 2012 lại giảm (MSB tăng trưởng tín dụng giảm 23,33% nên lợi nhuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng). Thứ hai, mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo phân tích phần trên (xem lại Bảng 3.1) cũng là nhân tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng. Một nguyên nhân quan trọng phải kể đến là chi phí dự phòng rủi ro tăng lên so với các năm trước, nhất là chi phí cho các khoản nợ xấu của các ngân hàng cần phải được trích lập dự phòng, đây là nguyên nhân chủ yếu khiến TCB có mức lợi nhuận giảm mạnh năm 2012. Riêng đối với ACB, lợi nhuận sụt giảm do khoản lỗ khổng lồ từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối.
Biểu đồ 3.7: Các chỉ tiêu ROE, NIM, ROA của một số NHTM năm 2012
(Nguồn: BCTC của các NHTM Việt Nam 2012 [48])
ROA và ROE của hệ thống cũng giảm gần 50% so với năm 2011, lần lượt là 0,62% và 6,31%, chủ yếu là do tăng trưởng của tổng tài sản (2,54%) và tốc độ tăng vốn tự có (8,97%) không đủ bù cho tốc độ giảm của tổng lợi nhuận ngành (gần 50%) nên khiến cho hai tỷ suất sinh lời này lao nhanh xuống dốc. Biểu đồ 3.7 cho thấy, trong năm 2012, CTG, MBB và EIB là ba ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất sinh lời ROE (thu nhập của các cổ đông), ROA (hiệu quả quản lý tài sản). Trong khi đó, STB, ACB, EAB là ba ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ lãi biên NIM, lần lượt là 5,06%, 4,43% và 4,21%. MSB và SHB là hai ngân hàng có tỷ lệ NIM thấp nhất trong hệ
thống với 2,11% và 1,68% thể hiện khả năng kiểm soát không tốt các tài sản sinh lời để tạo ra thu nhập từ hoạt động cho vay. Mặc dầu năm 2012 là một năm không tốt với ACB, song ngân hàng này vẫn duy trì tỷ lệ lãi biên cao trong hệ thống, đây là một trong lợi thế cạnh tranh của ACB trong việc khôi phục hoạt động sắp tới.