Kinh tế thế giới giai đoạn hiện nay đầy khó khăn sau những đợt khủng hoảng liên tiếp kể từ khi khủng hoảng thị trường bất động sản và tài chính ở Mỹ năm 2008, kinh tế chưa kịp phục hồi đã phải chịu tác động của các đợt suy thoái kinh tế hai năm liên tiếp 2011 và 2012 khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm nghiêm trọng và xuống mức 3,3% năm 2012. Tình trạng nợ công tăng cao và kéo dài ở khu vực Euorzone, thất nghiệp tràn lan, cùng với vấn đề an ninh thế giới căng thẳng ở khu vực Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Bắc Phi, Trung Đông ... gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội thế giới, trong đó có Việt Nam. Gia nhập WTO từ năm 2007 cùng với độ mở kinh tế ngày càng lớn, nền kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng cũng chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động của suy thoái kinh tế thế giới: (1) mặt bằng lãi suất tăng cao khiến cho nhiều NHTM căng thẳng về thanh khoản; (2) kinh tế đình trệ, chỉ số tồn kho tăng mạnh khiến cho doanh nghiệp đình đốn và hậu quả dẫn tới tổn thất tín dụng tăng cao; (3) lạm phát tăng cao khiến cho thị trường chứng khoán và bất động sản gặp khó khăn, dẫn tới chất lượng tín dụng sụt giảm; (4) kinh tế đình trệ và rơi vào suy thoái sau những đợt lạm phát cao và chịu ảnh hưởng của các chính sách tài khóa và tiền tệ của NHNN.
Ngoài ra, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam không hợp lý và kém hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn giai đoạn hiện nay cũng góp phần làm phát sinh những kết quả không mong đợi từ hoạt động NHTM. Việc tăng trưởng GDP cao và dựa vào vốn là chính, trong khi công nghệ và năng lực quản lý không theo kịp khiến cho nhiều doanh nghiệp vay nhiều nhưng không có khả năng quản lý hiệu quả đồng vốn vay, nhiều ngân hàng cho vay nhiều nhưng không có khả năng quản lý được khoản vay sao cho có hiệu quả.