Trước đây với cơ chế quản lý vốn phân tán với việc chi nhánh tự chủ trong huy động và cho vay thì bộ phận tín dụng cho vay vốn và thu lãi cho vay được xem là bộ phận mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, còn bộ phận huy động vốn thì phải trả lãi huy động cho khách hàng thì được xem là bộ phận mang lại chi phí cho ngân hàng. Và thông thường ở chi nhánh thì phòng tín dụng doanh nghiệp là đơn vị tập trung những khách hàng có quy mô sản xuất kinh doanh lớn với dư nợ cho vay cao thì số tiền lãi thu được của khách hàng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngân hàng. Còn phòng tín dụng cá nhân thì chỉ tập trung những khách hàng cá nhân quy mô kinh doanh nhỏ lẻ và nhu cầu vốn cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không nhiều do đó mang lại số lãi thu được ít hơn phòng tín dụng doanh nghiệp. Bởi vậy lực lượng nhân sự cũng như nhiều ưu đãi dành cho phòng tín dụng doanh nghiệp. Ngoài ra thì bộ phận phòng nguồn vốn với nhiệm vụ huy động vốn cho ngân hàng, và phải trả lãi huy động vốn thì được xem là bộ phận mang lại chi phí cho ngân hàng.
Tuy nhiên theo cơ chế quản lý vốn FTP thì bộ phận huy động và cho vay đều mang lại lợi nhuận cho chi nhánh bằng cách mua bán vốn với Hội sở và hưởng chênh lệch lãi suất điều chuyển vốn với Hội sở. Như vậy bộ phận cấp tín dụng sẽ hưởng chênh lệch lãi suất khi trả lãi do mua vốn với Hội sở với lãi suất thu được khi cho vay. Và bộ phận huy động vốn sẽ hưởng chênh lệch lãi suất khi trả lãi huy động vốn cho khách hàng và lãi suất bán vốn với Hội sở.
Bởi vậy với cơ chế quản lý vốn FTP thì chi nhánh có thể xác định được thành phần tạo ra lợi nhuận của chi nhánh có được từ huy động hay cho vay, từ khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp để từ đó có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý. Phân bổ nhân sự thích hợp cho các phòng ban tín dụng hay nguồn vốn, cũng như phân bổ chi phí cho marketing để tiếp thị các chương trình huy động, cho vay của phòng tín dụng cá nhân hay doanh nghiệp phù hợp với lợi nhuận bộ phận đó mang lại cho ngân hàng.