một số NHTM khác đối với Ngân hàng Eximbank
Kinh nghiệm Ngân hàng BIDV
Ngày 13/01/2007, Ngân hàng BIDV đã chính thức triển khai cơ chế quản lý vốn tập trung FTP trên toàn hệ thống với nguyên tắc:
- Định giá chuyển vốn nội bộ sẽ chấm dứt việc điều chuyển vốn bằng tiền giữa Hội sở chính và chi nhánh, chuyển chức năng của chi nhánh thành các đơn vị kinh doanh thực sự còn Hội sở chính là bộ phận quản lý, thực hiện điều hành, điều hoà vốn trong toàn hệ thống.
- Tất cả các TSN-TSC của chi nhánh đều được “mua” và “bán” căn cứ vào kỳ hạn, loại tiền với các lãi suất điều chuyển tại ngày phát sinh giao dịch. Tất cả các giao dịch nhận tiền gửi và cho vay giữa khách hàng và chi nhánh đều được thực hiện “đối ứng” với trung tâm vốn. Trong kỳ định giá lại của một giao dịch vốn, chi nhánh luôn được đảm bảo một mức chênh lệch lãi suất cố định. Chi nhánh chỉ quyết định lãi suất cho vay/nhận gửi sao cho có chênh lệch so với lãi suất điều chuyển vốn nội bộ và không quan tâm đến rủi ro lãi suất. Việc quản lý rủi ro lãi suất là trách nhiệm của Hội sở chính.
- Để đảm bảo an toàn trong hoạt động, các đơn vị kinh doanh vẫn tuân thủ các quy định về giới hạn, hạn mức trong hoạt động cũng như đảm bảo thực hiện hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Chi nhánh bị ràng buộc bởi hạn mức thanh toán, tức bị quy định số tiền tối đa cho một giao dịch “mua vốn”. Trường hợp giao dịch vượt hạn mức phải có báo cáo đề xuất lên trung tâm và giao dịch chỉ được thực hiện khi được phê duyệt của Trung tâm vốn. Điều này làm giảm tính chủ động trong công tác kinh doanh tại các chi nhánh.
- Về thời điểm thực hiện chuyển đổi qua cơ chế FTP: quá trình chuyển đổi được thực hiện theo từng chi nhánh/đơn vị trực thuộc, không thực hiện chuyển đổi một lần toàn hệ thống để tránh những sai sót phát sinh.
Kinh nghiệm của Ngân hàng Vietinbank
Cơ chế quản lý vốn FTP đã chính thức triển khai trên toàn hệ thống VietinBank từ đầu tháng 4/2011 với 2 giai đoạn:
Giai đoạn I: hệ thống FTP mua bán vốn khớp giao dịch cho 2 mảng huy động vốn và cho vay.
Giai đoạn II: hệ thống FTP mua bán vốn khớp giao dịch cho toàn bộ bảng cân đối.
Hệ thống FTP do VietinBank nghiên cứu và xây dựng áp dụng kết hợp 2 phương pháp multiple pool method và matched maturity method. Hệ thống cho phép định giá mua bán vốn theo kỳ hạn và tính chất của giao dịch (sản phẩm, loại hình lãi suât, đối tượng khách hàng) cho mảng hoạt động cho vay và huy động vốn. Các mảng hoạt động khác được mua theo tính chất rủi ro và theo phương pháp pool method. Chương trình cho phép người sử dụng điều chỉnh thu nhập và chi phí điều chuyển vốn theo đúng kỳ hạn thực tế của giao dịch (ví dụ: tiền gửi rút sớm, nợ trả sớm…). So với cơ chế điều hoà 1 giá được tính toán thủ công và hạch toán hàng tháng, hệ thống FTP tính toán tự động và hạch toán hàng ngày.
Nguyên tắc thực hiện
Vốn được luân chuyển giữa các chi nhánh thông qua hệ thống FTP, nơi tập trung toàn bộ nguồn vốn và tài sản của Vieinbank. Hệ thống FTP sẽ giúp Vietinbank “mua” tất cả tài sản Nợ và “bán” tất cả các TSC cho các chi nhánh theo đúng mức độ rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản của TSC, TSN.
Tập trung rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất về Hội sở chính.
FTP bán/mua vốn của Hội sở chính do Tổng giám đốc công bố trong từng thời kỳ, bằng lãi suất cộng (+) thanh khoản (tương ứng với kỳ hạn và tần suất điều chỉnh lãi suất).
Margin từ hoạt động cho vay/huy động vốn được gọi là lãi suất cận biên ròng, được tính bằng chênh lệch giữa lãi suất cho vay khách hàng (TSN) với FTP mua vốn Vietinbank và FTP bán vốn Vietinbank với lãi suất huy động tiền gửi (TSC).
Bài học kinh nghiệm cho Eximbank
Một hệ thống FTP được xây dựng tốt sẽ giúp ngân hàng xác định được, định giá được và quản lý rủi ro lãi suất, đưa ra những động lực phù hợp cho các đơn vị kinh doanh, đồng thời nhận diện được tác động của chuyển giao rủi ro lãi suất trong bộ phận cân đối nguồn vốn. Để xây dựng được một hệ thống quản lý vốn FTP, Eximbank cần phải xây dựng được các nguyên tắc cơ bản dựa trên các đặc trưng của hệ thống như:
Mọi nguồn vốn hoạt động kinh doanh của hệ thống Eximbank cần được tập trung thống nhất điều hành tại Hội sở chính. Tất cả các mục trong bảng cân đối kế toán cần được định giá vốn điều chuyển. Giá điều chuyển vốn nội bộ nên được xây dựng chi tiết từng sản phẩm huy động và cho vay, ứng với các kỳ hạn khác nhau. Các hạng mục trên bảng cân đối kế toán của chi nhánh ngoài huy động và cho vay cũng cần được giao giá chuyển vốn nội bộ. Các mức lãi suất FTP do bộ phận quản lý vốn tại Hội sở tính toán xác định.
Về quản trị rủi ro: Tập trung rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản về Hội sở chính. Chi nhánh chỉ tập trung vào công việc kinh doanh. Không quy định hạn mức giao dịch cho các chi nhánh nhằm tạo sự chủ động trong việc kinh doanh với khách hàng.
Cần hạn chế tối đa tình trạng tự sử dụng vốn với giá chênh lệch trong hệ thống, tránh tình trạng chi nhánh tự thực hiện các giao dịch nội bộ để qua mặt phòng quản lý vốn và tránh sự điều tiết của cơ chế định giá vốn điều chuyển.
Đặc biệt, cần thành lập Ủy ban quản lý vốn. Ủy ban này có trách nhiệm xác định việc phân bổ các nguồn lực vốn một cách hiệu quả nhất trên cơ sở xem xét trạng thái thanh khoản của ngân hàng; tổng dư nợ tín dụng và margin lãi ròng. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các loại hình đầu tư phù hợp, như kỳ hạn đầu tư và số tiền phân bổ cho đầu tư căn cứ trên tính sẵn sàng của nguồn vốn huy động được. Kế hoạch dự phòng cần được xây dựng cụ thể trong trường hợp nguồn vốn có những diễn biến bất thường (thiếu hụt, mất thanh khoản…), chi tiết hóa các nội dung liên quan đến dự phòng nguồn và các quỹ dự phòng trong ngắn hạn.
Về công tác triển khai chuyển đổi qua cơ chế FTP nên được thực hiện qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Triển khai thí điểm một số chi nhánh để kịp thời xử lý những sai sót phát sinh ở phạm vi nhỏ, trên cơ sở đó điều chỉnh và hoàn thiện trước khi áp dụng cho toán hệ thống.
- Giai đoạn 2: Triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống sau khi đã thí điểm thành công ở một số chi nhánh.
Kết luận chương 1
Chương 1 trình bày một số cơ sở lý luận cơ bản về quản trị TSN- TSC, cơ chế quản lý vốn tại ngân hàng thương mại. Trong đó nêu rõ khái niệm TSN, TSC, khái niệm và mục tiêu của quản trị TSN-TSC, cơ chế quản lý vốn và vai trò của nó trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tiếp theo là tập trung làm rõ nội dung và so sánh 2 cơ chế quản lý vốn FTP và cơ chế quản lý vốn phân tán về nguyên tắc hoạt động, nguyên tắc tính giá chuyển vốn, ưu và nhược điểm. Cuối cùng là trình bày những bài học kinh nghiệm về cơ chế quản lý vốn tập trung của Ngân hàng BIDV và Vietinbank để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Eximbank.
Các lý luận trên sẽ là tiền đề để nghiên cứu thực trạng cơ chế quản lý vốn tại Ngân hàng thương mại Xuất Nhập Khẩu Việt Nam trong chương 2.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN TẠI NHTM CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM