Các cuộc phỏng vấn với các nguồn tin chính cho thấy rõ ràng là cảnh sát Cam-pu-chia không nhận thức rằng vai trò của họ bao gồm cả giảm tác hại liên quan đến ma túy cho từng người dân. Cảnh sát có quan điểm rằng vai trò của họ là giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn trong các cộng đồng.
“Gần như ngày nào, cảnh sát cũng được lệnh tấn công người sử dụng ma túy”. - Một cán bộ thực thi pháp luật địa phương.
Hơn nữa, cảnh sát địa phương chưa bao giờ nhận thức được vai trò của họ trong việc phòng ngừa, điều trị, chăm sóc hay hỗ trợ các trường hợp nhiễm HIV. Cảnh sát địa phương thường coi nhẹ tầm quan trọng của sử dụng ma túy đối với nguy cơ lây nhiễm HIV.
“Các chương trình phân phát bơm kim tiêm khuyến khích người sử dụng ma túy tiếp tục sử dụng ma túy chứ không phải giảm truyền nhiễm HIV. Số trường hợp lây nhiễm HIV thông qua tiêm chích ma túy thực ra ít hơn nhiều so với lây nhiễm qua đường tình dục”. - Cán bộ thực thi pháp luật địa phương.
Trong khi cảnh sát địa phương không thừa nhận vai trò của họ trong việc phòng ngừa HIV, họ có hiểu biết tốt về phương cách và xu hướng sử dụng ma túy và văn hóa sử dụng ma túy. Kiến thức của họ về chu kỳ phụ thuộc ma túy và mối quan hệ của nó với tội phạm được xem là một lý do mà họ không cấp phép cho chương trình phân phát bơm kim tiêm:
“Người tiêm chích ma túy tiêm chích 3 đến 4 lần một ngày, mỗi lần tiêu tốn khoảng 1200 Riel. Thường thì công việc của người sử dụng ma túy là thu gom đồng nát, và họ có thể ăn trộm gì đó để có tiền nữa. Nếu chúng tôi tiếp tục cấp phép cho các chương trình phân phát bơm kim tiêm, chúng tôi vô tình lại khuyến khích người sử dụng ma túy làm việc phi pháp”. - Một cán bộ NACD. Một số nguồn tin chính thừa nhận rằng mặc dù một số cảnh sát hiểu về khái niệm giảm tác hại, khi lãnh đạo của họ lệnh cho họ giải quyết các vấn đề liên quan đến người sử dụng ma túy, họ thường đẩy người sử dụng ma túy ra khỏi vùng họ chịu trách nhiệm để giữ cho khu vực đó sạch sẽ. Một phần nhiệm vụ cơ bản của họ là nhận lệnh loại bỏ người sử dụng ma túy từ cấp cao hơn. Ngoài ra, rõ ràng là các loại tội phạm liên quan đến sử dụng ma túy trước hết bị coi là tội phạm đã, các vấn đề liên quan đến sức khỏe đứng hàng thứ hai.
“Khi có giám sát hay giám đốc đến, họ cần đi xuống địa bàn và bắt giữ khoảng độ 50 người sử dụng ma túy. Họ phải làm điều này. Đó là việc của họ. Đây là một tình thế rất khó bởi vì bạn được học và tin vào một quá trình nhất định nhưng sau đó lãnh đạo của bạn lại yêu cầu bạn làm một cái gì đó hoàn toàn khác”. - Cán bộ cảnh sát địa phương.
“Cảnh sát hiểu rằng người sử dụng ma túy là nạn nhân, nhưng khi người sử dụng ma túy ăn trộm xe đạp và một số tài sản khác của người dân địa phương, cảnh sát phải bắt họ”. - Cán bộ cảnh sát địa phương.
Theo cảnh sát, chương trình giảm tác hại thành công khi các cán bộ thực thi pháp luật làm ngơ đối với chương trình phân phát bơm kim tiêm.
“Khi cán bộ tiếp cận cộng đồng phân phát bơm kim tiêm cho người sử dụng ma túy, cán bộ của tôi và tôi không làm gì bởi vì đây là một chương trình được cấp phép. Mặc dù vậy, đối với tôi, tôi không đồng ý với các chương trình này vì nó khuyến khích người sử dụng ma túy dùng nhiều ma túy thêm”. - Cán bộ cảnh sát địa phương.
Nhiều người tham gia phỏng vấn tin rằng cảnh sát địa phương có ít hiểu biết về khái niệm giảm tác hại và khái niệm giảm tác hại được thể hiện thế nào trên thực tế. Hơn nữa, họ có ý cho rằng các cán bộ thực thi pháp luật không nhận thức được các lợi ích về sức khỏe cộng đồng có được từ công tác giảm tác hại. Điều này có lý ở chỗ chỉ có một số rất ít cảnh sát địa phương ở Phnom Penh đã từng nhận được tập huấn về giảm tác hại.
“Không có nhiều người tin rằng cách tiếp cận giảm tác hại có thể giúp giảm lây nhiễm HIV trong những người sử dụng ma túy, thậm chí ngay trong NACD”. - Một cán bộ NACD.
“Họ không hiểu rõ về giảm tác hại, do đó họ cố gắng bắt giữ người sử dụng ma túy thay vì coi người sử dụng ma túy cũng là một nạn nhân bởi vì họ cho rằng nếu họ không bắt người sử dụng ma túy, họ sẽ không thể tìm ra được người buôn bán ma túy”. - Một người thực hiện chương trình giảm tác hại.