“Vấn đề tiêm chích ma túy và HIV ở Cam-pu-chia có thể được so sánh với một quả bom nổ chậm. Nếu nó nổ ra, chúng ta có thể thấy một làn sóng HIV/AIDS thứ hai ở Cam-pu-chia”. - Cán bộ Liên hiệp quốc.
Cần phải có các chương trình giảm tác hại quy mô lớn ở Cam-pu-chia nhằm đẩy lùi một nạn dịch HIV thứ hai trong số những người sử dụng ma túy và bạn tình của họ. Nhằm hướng đến giảm tác hại ở Cam-pu-chia, rõ ràng là cần phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cấu trúc gắn liền với thực hiện chương trình và những mâu thuẫn, căng thẳng hiện có giữa vai trò của các chương trình này và vai trò của cảnh sát. Rõ ràng là cần phải có các hoạt động tuyên truyền vận động và giáo dục rộng rãi tới nhiều lĩnh vực, nhiều cấp trong xã hội Cam-pu-chia. Ngoài ra, cần có một cơ chế điều phối tốt hơn các chương trình giảm tác hại ở địa phương, trong đó bao gồm cả những tổ chức tôn giáo địa phương.
“Có thể làm công tác giảm tác hại ở đây. Nó có thể được thâm nhập vào các cộng đồng thông qua những người có quyền ra quyết định trong cộng đồng. Sư trụ trì trong các cộng đồng có ảnh hưởng lớn tới các cộng đồng, còn tốt hơn cả cảnh sát trưởng tại các xã thôn nữa”. - Một cán bộ chương trình giảm tác hại.
Nâng cao năng lực cho địa phương về các hợp phần kỹ thuật của chương trình giảm tác hại là một nhân tố quyết định nhằm hướng tới giảm tác hại tại Cam-pu-chia.
“NACD, các cán bộ thực thi pháp luật, chính quyền địa phương, cộng đồng và các đối tác nên hiểu rõ các khái niệm và thực tiễn về giảm tác hại. Như vậy, xã hội sẽ chấp nhận”. - Một cán bộ NACD.
BÀN LUẬN
Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ một số tác động của chương trình giảm tác hại tới ngành thực thi pháp luật ở Cam-pu-chia. Nó cũng đã đưa ra một số ý tưởng tiềm năng nhằm đảm bảo rằng công tác giảm tác hại ở Cam-pu-chia có thể phát triển trong tương lai. Bằng chứng từ các bối cảnh khác nhau trên thế giới chỉ ra rằng công tác giảm tác hại có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan HIV đối với những người sử dụng ma túy và cộng đồng. Mặc dù vậy, mỗi nước lại có bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế riêng. Điều này đòi hỏi các chương trình giảm tác hại cần phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh địa phương thì mới có thể thành công được [17]. Thành công của chương trình không những chỉ cần đến các chính sách hỗ trợ mà còn cần đến một xã hội ủng hộ quyền của những người sử dụng ma túy được tiếp cận đến các dịch vụ mà không sợ bị bắt bớ hay bị phân biệt đối xử. Ở Cam-pu-chia, có rất nhiều việc cần phải làm bởi vì thái độ phổ biến đối với người sử dụng ma túy nhìn chung vẫn còn tiêu cực [18].
Năng lực của các cơ quan thực hiện công tác giảm tác hại vẫn còn rất hạn chế. Các tổ chức thực hiện dịch vụ đối với người sử dụng ma túy ở Cam-pu-chia không có một hiểu biết hay phương pháp tiếp cận
rõ ràng nhất quán về cái gì là can thiệp giảm tác hại hay về việc thực hiện các dịch vụ này. Cần phải có một cơ chế điều phối hiệu quả, các hướng dẫn toàn quốc, thủ tục quy trình chuẩn về cai nghiện và tái hòa nhập những người phụ thuộc vào ma túy cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dịch vụ. Tập trung của công tác giảm tác hại là ngăn ngừa lây truyền HIV trong những người sử dụng ma túy và bạn tình của họ và chính phủ Cam-pu-chia nhận thức rằng người sử dụng ma túy là một nhóm đối tượng quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của nạn dịch HIV. Tuy nhiên, chương trình giảm tác hại chủ yếu do NACD quản lý, một cơ quan mà nhiệm vụ chính là xử lý vấn đề sản xuất, buôn bán và sử dụng ma túy. Cũng khó cho NACD cùng một lúc vừa phổ biến công tác giảm tác hại vừa kiểm soát ma túy bởi hai khái niệm này có xung đột về mặt chính trị, xã hội và văn hóa. Thêm nữa, “chính sách làng xã an toàn” trực tiếp có xung đột với các chương trình giảm tác hại và điều này dẫn đến một môi trường làm việc thách thức cho cảnh sát, người một mặt được những người thực hiện chương trình giảm tác hại yêu cầu cho phép chương trình thực hiện thành công, mặt khác được lệnh cần phải “làm trong sạch” các đường phố.
Các chương trình HIV đối với các đối tượng khác ví dụ như người hành nghề mại dâm cũng gặp phải thách thức tương tự, ví dụ chương trình 100% sử dụng bao cao su gặp phải khó khăn trong can thiệp do có những vướng mắc với luật phòng chống buôn bán người [19]. Có lẽ chương trình 100% sử dụng bao cao su vấp phải ít những ảnh hưởng tiêu cực từ ngành thực thi pháp luật hơn so với chương trình giảm tác hại bởi vì mại dâm được xã hội khoan dung hơn so với sử dụng ma túy, và các cơ quan kiểm soát HIV/AIDS cũng chủ trọng đến nguy cơ lây nhiễm HIV trong số những người làm nghề mại dâm hơn. Có sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ đối với công tác giảm tác hại nhưng có lẽ còn mong manh.Cần phải có những nỗ lực phối hợp thống nhất hơn nữa nhằm duy trì động lực mạnh mẽ. Ngoài ra, hoàn cảnh địa phương còn được chú trọng quá ít - “giải pháp địa phương cho hoàn cảnh địa phương”: nếu nó không hiệu quả ở cấp cộng đồng, chính sách và luật pháp có tốt thế nào thì cũng không có nghĩa gì.
Hiện có rất ít giám sát và đánh giá về các dịch vụ và kết quả công tác giảm tác hại ở Cam-pu-chia. Trong khi những dẫn chứng về hiệu quả của chương trình có tầm quan trọng cơ bản nhằm tác động chính sách [20]. Do việc giảm tác hại nhạy cảm với hoàn cảnh, các bằng chứng thành công trong các bối cảnh văn hóa khác có thể là chưa đủ để có thể tác động một cách bền vững tới chính sách, thái độ và thực tiễn ở đây, ở Cam-pu-chia. Các chương trình địa phương lại chưa có thể xây dựng được những dẫn chứng chứng minh rằng giảm tác hại có thể có ích hơn là có hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng nói chung.
Các nghiên cứu viên thừa nhận rằng tất cả các tác nhân ở Cam-pu-chia hiện đang thực hiện những nỗ lực quan trọng nhằm tìm ra giải pháp cho phép các chương trình giảm tác hại thành công trong khuôn khổ “chính sách làng xã an toàn”. Bài viết này cho rằng sự phối hợp đang diễn ra giữa chính phủ Cam- pu-chia, các cơ quan thực thi pháp luật Cam-pu-chia, Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế là cần thiết nhằm tìm ra giải pháp phù hợp với “thực tế” của bối cảnh cụ thể của Cam-pu-chia. Các nỗ lực phối hợp cần tiếp tục nhằm vào nâng cao khả năng của các cơ quan thực thi pháp luật để họ trở thành những tổ chức phối hợp tích cực và ủng hộ cho các chương trình phòng ngừa HIV đối với tất cả những người dân bị ảnh hưởng chính ở Cam-pu-chia, kể cả phòng ngừa HIV trong và từ phía những người sử dụng ma túy.