Trở thành "thần đồng" Toán học

Một phần của tài liệu Taisachmoi.com_Song-va-khat-vong (Trang 25 - 26)

Thế là tôi lại tiếp tục lao đầu vào học Toán. Lần này, tôi học bằng tất cả niềm đam mê thật sự của mình chứ không còn vì mục tiêu "được bay ra Hà Nội chơi", cũng không phải vì ý nghĩ "tôi sinh ra không phải để tầm thường". Lần này tôi học chỉ vì một lý do đơn giản: ĐAM MÊ. Thậm chí, tôi còn dành hẳn một quyển vở đẹp nhất để chép lại thật nắn nót những bài toán khó và lời giải, với hy vọng rằng sau này tôi sẽ để lại cho đời và cho thế hệ sau một quyển sổ tay toán học quý giá.

Đối với đa số người lớn, tôi chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi mơ mộng hão huyền theo kiểu trẻ con. Dĩ nhiên họ đúng, quyển vở ấy của tôi chẳng bao giờ trở thành quyển sách toán quý giá đáng để lại cho đời. Nhưng có lẽ chính vì cái ước mơ được viết một quyển sách để chia sẻ với mọi người đã có từ những ngày ấy, mà hôm nay, tôi đang ngồi viết quyển sách này.

Điều quan trọng không phải là một đứa bé có biết mơ ước theo cách của người lớn hay không, mà điều quan trọng là liệu đứa bé ấy có dám mơ ước lớn.

Cuối năm lớp 5, tôi đoạt giải Lê Quý Đôn môn Toán của quận với số điểm tuyệt đối 10/10, chính thức biến tôi trở thành học sinh giỏi Toán nhất trong toàn quận. Khi tôi lên nhận phần thưởng, các cô chú lãnh đạo cũng như thầy cô trường khác đã hết lời khen ngợi tôi vì tôi là học sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối trong môn Toán. Tất cả họ đều không ngờ rằng, chỉ cách đó khoảng 7 tháng thôi, tôi vẫn còn là cậu học trò trường làng đậu vớt vào đội tuyển Toán của quận với số điểm... 1,5 trên 10. Còn những người bạn cùng học bồi dưỡng với tôi, những người mà lúc trước trình độ của họ đã vượt xa tôi, những người mà lúc đó đã ít nhiều coi thường tôi, họ không thể nào ngờ rằng chỉ sau khoảng 3 tháng không gặp nhau từ sau kì thi Toán thành phố, tôi đã có một sự tiến bộ vượt bậc như thế.

Lúc đó tôi cũng chẳng suy nghĩ nhiều vì trong đầu tôi không có sự tranh đua mà chỉ có một niềm đam mê: Toán. Sau này nghĩ lại, tôi bất chợt nhận ra rằng, lúc ấy tôi hơn bạn bè mình không phải vì tôi thông minh hơn họ, tôi hơn họ vì tôi khác họ. Họ chăm chỉ học Toán để đi thi và hy vọng đoạt giải. Còn tôi, tôi học Toán không phải vì hơn thua, mà là vì niềm đam mê của mình, và vì cái mơ ước hão huyền – viết một quyển sách Toán để truyền lại cho thế hệ đàn em.

Sau này, khi tôi trở thành một diễn giả và chuyên gia đào tạo kỹ năng tư duy thành công, tôi lại càng phát hiện ra rằng, đam mê thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của con người chúng ta. Một trong những bằng chứng khoa học nổi tiếng về giá trị của niềm đam mê đó là nghiên cứu của Srully Blotnick trên 1.500 sinh viên tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế 1960 - 1980 (Mỹ). Trong số 1.500 sinh viên này, 1.245 sinh viên lựa chọn kiếm tiền trước, theo đuổi đam mê sau (tôi tạm gọi là nhóm "kiếm tiền") và 255 sinh viên lựa chọn theo đuổi đam mê trước, kiếm tiền sau (tôi tạm gọi là nhóm "đam mê"). Trong số 1.245 sinh viên thuộc nhóm "kiếm tiền", chỉ có duy nhất 1 sinh viên trở thành triệu phú (tương đương với tỉ lệ 0,08%). Ngược lại, trong số 255 sinh viên thuộc nhóm "đam mê" có đến 100 người sau này trở thành triệu phú (tương đương với tỉ lệ 39,21%).

Tôi tin bạn có thừa thông minh để tự rút ra kết luận cho mình từ nghiên cứu trên. Cho nên tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng: Hãy luôn sống vì mơ ước và đam mê của mình.

Lên lớp sáu, tôi đậu thủ khoa (với số điểm 16/20) trong kì thi vào lớp chuyên Toán của một trong những trường chuyên hàng đầu thành phố, vượt lên cả những bạn vừa đoạt giải quốc gia môn Toán năm lớp 5 vừa rồi. Cả thầy chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng đều rất ngạc nhiên về

thành tích này, vì tôi không phải là học sinh giỏi cấp quốc gia và cũng không đến từ trường chuyên lớp chọn. Hai thầy quyết định kiểm tra lại trình độ Toán của tôi bằng những bài toán khó khác nhau. Thậm chí, các thầy còn tổ chức hẳn một kì thi không chính thức mang tính giao lưu với các trường khác. Hai thầy mời tất cả những học sinh giỏi Toán nhất ở những trường chuyên nổi tiếng đến thi cùng với tôi, trong đó có nhiều bạn là học sinh giỏi Toán cấp quốc gia. Trong cuộc thi ấy, tôi lại đứng đầu với số điểm 9,75 trên 10.

Sau cuộc thi, thầy chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng đã phải mời mẹ đến gặp và nói với mẹ rằng: "Tôi chưa bao giờ gặp một học sinh như thế, em Khoa đúng là một thần đồng Toán học". Có lẽ trong phút ngẫu hứng, thầy tôi hơi quá lời một tí, nhưng mẹ nghe thầy nói vậy thì mừng lắm, về kể lại nguyên văn tất cả mọi thứ cho tôi nghe. Lúc đó, tôi chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi nên tôi tin lắm.

Nhưng giờ đây, tôi không nghĩ tôi là một thần đồng hay gì cả, tôi cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác mà thôi. Bởi vì nếu tôi thật sự là một thần đồng, thì phần tiếp theo của câu chuyện này sẽ không bao giờ có trong cuộc đời tôi.

Dù sao đi nữa, cái việc tôi được xem là thần đồng lúc ấy đã khẳng định một điều:

Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những hạt giống của tài năng. Môi trường phát triển phù hợp – lúc nhỏ là sự chăm sóc chu đáo, yêu thương và động viên từ gia đình (nhất là cha mẹ), lớn lên là những mối quan hệ tốt – cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân là nguồn tưới tiêu dinh dưỡng, sẽ tạo nên điều kiện lý tưởng cho những hạt giống tài năng ấy nảy mầm và phát triển mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Taisachmoi.com_Song-va-khat-vong (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)