Có đến 3 lựa chọn vào đại học, tôi thích ngành kinh doanh nhất nhưng lại nghĩ ngành Công Nghệ Thông Tin sẽ dễ kiếm việc làm khi ra trường hơn, nên rốt cuộc tôi lại chọn ngành Công Nghệ Thông Tin. Đây là một lựa chọn làm tôi cảm thấy "hơi tiếc" vì sau này lãnh vực mà tôi đam mê thật sự là kinh doanh chứ không phải công nghệ.
Nhiều lúc tôi đã từng nghĩ, nếu như tôi nhận được sự hướng nghiệp rõ ràng, cũng như được huấn luyện về kỹ năng sống từ sớm để tự tin vào ước mơ của mình, thì có lẽ tôi đã có một lựa chọn sáng suốt hơn là "học để ra trường dễ kiếm việc", và cũng có lẽ cuộc đời tôi đã thay đổi theo hướng khác tốt hơn. Đó cũng là lý do tại sao tôi mong muốn giúp các em học sinh nhìn thấy giá trị thật của bản thân mình, từ đó nỗ lực đi tìm con đường phù hợp với mình từ sớm, thay vì chỉ biết "học để thi", "học để có bằng" hay "học để ra trường dễ kiếm việc làm".
Dĩ nhiên là không ai có thể thay đổi cái "nếu như" ấy. Bởi vì tôi chọn học ngành Công Nghệ Thông Tin cho nên sau này để trở thành một doanh nhân, dịch giả và chuyên gia đào tạo, tôi đã phải tự đầu tư vào chính mình thông qua nhiều khóa học kỹ năng khác nhau, cũng như phải tự học rất nhiều qua sách báo, Internet,... Nhưng cái "nếu như" ấy cũng chính là một trong những lý do tại sao tôi muốn mang quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! và khóa học cùng tên đến càng nhiều học sinh, sinh viên càng tốt.
Quay lại câu chuyện học hành của tôi, khi tôi vừa vào năm nhất của ngành Công Nghệ Thông Tin (ĐH Khoa Học Tự Nhiên), thì ngay học kỳ đầu tiên ấy nhà trường đã có thông báo về việc Đại Học Quốc Gia Singapore (National University of Singapore – gọi tắt là NUS) đến trường tôi
tuyển sinh. Mặc dù hoàn cảnh gia đình tôi đã đỡ nghèo hơn trước nhiều, nhưng cũng chẳng phải là dư dả gì, cho nên tôi cũng chẳng bao giờ dám mơ hay dám tin rằng mình sẽ có thể đi du học. Chính vì thế mà tôi đã rất thờ ơ và chẳng mấy quan tâm đến cơ hội đó. Chỉ vì suy nghĩ hạn hẹp, cho rằng mình không thể, cho rằng không bao giờ đến lượt mình đi du học, tôi đã lãng phí mất một năm cuộc đời mình.
Chưa kể, gần cuối năm học ấy, tôi đột ngột bị đau ruột thừa cấp và phải phẫu thuật ngay trước kỳ thi cuối năm. Thế là tôi không còn lựa chọn nào khác là phải bỏ thi 2 môn và buộc phải... thi lại. Mặc dù không hẳn là do tôi thi trượt, nhưng cái cảm giác thi lại cũng làm tôi phần nào mất tự tin vào chính bản thân mình. Giờ ngẫm lại mới thấy, mất tự tin vì chuyện đó là hết sức vô lý, nhưng tôi đã mất tự tin thật mà cũng chẳng hiểu tại sao. Có vẻ tự tin là một kỹ năng có thể rèn luyện được nhiều hơn là một tính cách. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn thường nhắc nhở nhau: "Bạn phải học cách tin vào chính mình".
Năm tiếp theo, NUS lại đến trường tôi để tuyển sinh. Lần này thậm chí tôi còn thờ ơ hơn nữa vì tôi nghĩ một sinh viên với "thành tích" thi lại 2 môn (cho dù là với lý do đau bệnh bất ngờ đi nữa) thì cũng khó lòng được tuyển vào NUS. Lẽ ra, tôi đã để cơ hội ấy vuột mất khỏi tầm tay của mình một lần nữa nếu không nhờ người yêu của tôi lúc bấy giờ.
Hoàn toàn khác với tôi, cô ấy vốn là con của một gia đình rất khá giả, luôn mang trong mình một ước mơ cháy bỏng là đi du học, nên thường xuyên tìm kiếm những cơ hội để được ra biển lớn. Lần đó, chính cô ấy đã kéo tôi đi dự từ hội thảo du học này sang hội thảo du học khác. Đi đến đâu, tôi cũng thấy hoa mắt với những con số học phí kinh hoàng của các trường đại học nước ngoài, chưa kể đến chi phí sinh hoạt, chi phí đi lại, và đủ loại chi phí khác. Cho nên đối với tôi, việc đi các hội thảo du học chỉ là đi cho biết, chủ yếu là để làm tài xế và chiều lòng người yêu.
Thật lòng mà nói, tôi chẳng hề có ý định nộp đơn vào NUS. Việc tôi nộp đơn vào NUS cũng chính là do người yêu tôi đã động viên khuyến khích tôi cùng nộp hồ sơ dự tuyển vào NUS với cô ấy. Lúc đó, tôi cũng chỉ cùng nộp hồ sơ cho cô ấy vui, chứ trong bụng tôi thầm nghĩ, cho dù có trúng tuyển thì gia đình tôi cũng chẳng có tiền mà cho tôi đi du học, còn học bổng toàn phần thì tôi không dám mơ tới. Dường như sống quá lâu trong cái nghèo và sự tự ti về cái nghèo đã khiến tôi cho phép mình ngừng mơ ước từ lúc nào chẳng hay...
Khi chúng ta còn bé, ai cũng từng mơ ước, và không những thế, mơ ước thật nhiều. Rồi khi ta lớn lên, ta bắt đầu để cho những va chạm với cuộc đời khiến cho ta phải "thực tế" hơn. Để rồi sau một thời gian sống mãi với cái "thực tế" ấy, ta dần đánh mất đi những ước mơ của mình. Đến một lúc nào đó giật mình nhìn lại xung quanh, nhìn thấy cái thực tế là những người bạn vốn từng bị ta cho rằng "mơ mộng" hay "thiếu thực tế", đang được sống vì ước mơ của họ, ta bất chợt chạnh lòng. Những lúc ấy ta tự hỏi, ai đã đánh cắp những mơ ước của mình, và rồi bàng hoàng nhận ra rằng, chính bản thân ta đã tước đoạt đi mất những ước mơ của chính mình.
Nếu như loài vật sống giờ nào hay giờ nấy, thì con người chúng ta không chỉ biết sống với hiện tại mà còn biết sống vì tương lai. Mơ ước là một trong những điều phân biệt giữa con người và con vật. Mơ ước là quyền thiêng liêng của mỗi người cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng mỗi người chúng ta tự hỏi, liệu chúng ta có bao giờ vô tình cho phép chính mình cướp đi cái quyền ấy của bản thân, bằng cách đổ lỗi cho mọi thứ chung quanh. Để rồi, chính bản thân mình lựa chọn dừng mơ ước. Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều người mãi mắc kẹt ở tầng dưới của cuộc sống.
Cho nên, nếu một ngày nào đó bạn bất chợt nhận ra rằng mình đã ngừng mơ ước, hãy tìm mọi cách để lấy lại nó. Hãy lựa chọn tiếp tục mơ ước và hành động vì ước mơ của mình. Hãy nhớ rằng, cái ngày bạn cho phép bản thân mình dừng mơ ước cũng là ngày bạn chết – chết ở bên trong chính sự sống của thể xác bên ngoài. Nên dù sao đi nữa, hãy sống vì ước mơ của mình.