Có lần, sau một khóa học mà tôi tham gia với vai trò là huấn luyện viên tại Singapore, tôi hỏi một sinh viên người Singapore: "Nếu như tất cả mọi người trên đất nước Singapore đều trở
thành ông chủ, bà chủ hoặc lãnh đạo thì ai sẽ là người làm thuê?". Cậu sinh viên này trả lời:
"Người Việt Nam chứ ai". Tôi biết cậu sinh viên ấy chỉ nói đùa, nhưng câu nói đùa vô tình của cậu đã khiến tôi suy tư, băn khoăn và trăn trở rất nhiều. Tôi tự hỏi: "Mình đang làm gì ở đất nước Singapore này trong khi có một đất nước khác có thể đang cần mình hơn?". Từ đó, tôi luôn nung nấu ý nghĩ phải làm cách nào để có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước và thay đổi cách nhìn về Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới. Tôi không tìm ra câu trả lời ngay lúc ấy, nhưng tôi tin một điều rằng: "Cứ tìm rồi sẽ thấy".
Cũng trong thời gian ấy, nhờ những hoạt động của tôi trong VN2020 mà tôi có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với bác Võ Tá Hân như đã chia sẻ ở phần trước. Tôi ngưỡng mộ bác vì tấm lòng yêu nước của bác, cũng như cách bác góp phần vào sự phát triển và thay đổi của Việt Nam qua con đường phi chính trị – tức là không quan tâm đến thể chế chính trị, mà tập trung vào việc phát triển con người, xã hội và kinh tế Việt Nam một cách tích cực. Một trong những việc bác Hân làm và được rất nhiều người biết đến, đó là bác đã chuyển hơn một triệu đầu sách tiếng Anh về các đề tài khoa học, kỹ thuật và kinh tế vào Việt Nam. Những quyển sách này được chính phủ cũng như các trường đại học tại Việt Nam tiếp nhận một cách nồng nhiệt.
Vốn là một người chỉ thích làm kinh tế, nhưng cũng mong muốn đóng góp một cái gì đó thật sự ý nghĩa cho Tổ quốc và dân tộc, tôi như tìm thấy ánh sáng và mục đích của cuộc đời mình, khi nhìn thấy những gì bác Hân làm và cách bác Hân đóng góp một cách tích cực cho đất nước. Thế là, vẫn với đầu óc của một doanh nhân và khát vọng vươn lên, nhưng nay tôi mang trong mình một khát vọng.
Mang những tư duy tiên tiến nhất của thế giới về Việt Nam, góp phần nhỏ nhoi vào việc giúp người Việt hạnh phúc hơn, thành đạt hơn và giàu có hơn, bởi vì tôi tin rằng, không có gì làm cho một đất nước phát triển, thịnh vượng và hùng cường hơn một dân tộc hạnh phúc, thành đạt và giàu có.
Những ngày tháng nghèo khó, những khó khăn trong công việc và trong kinh doanh, cả những thành quả và cuộc sống sung túc tại Singapore dạy cho tôi một điều rằng:
Tiền bạc và địa vị không mang lại cho chúng ta hạnh phúc trọn vẹn mà chỉ mang đến sự thoải mái và hãnh diện. Nhưng khi chúng ta đạt được tiền bạc và địa vị bằng cách đánh đổi những thứ vô giá như gia đình hoặc thậm chí cả một phần con người mình, thì sự thoải mái sẽ không bao giờ bù đắp được những mất mát ở bên trong, còn cái hãnh diện bên ngoài cũng chưa chắc đã còn.
Bên cạnh tiền bạc và địa vị, chúng ta cần có một mục đích và một lý do để sống – hay nói một cách ngắn gọn – một lý tưởng sống. Lý tưởng sống ở đây không hẳn phải là một cái gì đó quá to tát xa vời mà đôi khi có thể là những thứ rất gần gũi đời thường nhưng ý nghĩa. Đối với một số người, lý tưởng sống là gia đình hạnh phúc hay con cái thành đạt, đối với một số người khác, lý tưởng sống là cống hiến cho xã hội,... Mỗi người mỗi lý tưởng sống, nhưng tất cả đều có một điểm chung là chất lượng và ý nghĩa cuộc sống của mỗi người sẽ tăng lên rất nhiều nếu chúng ta dám sống với một lý tưởng trong mình. Ngay cả khi bạn chưa tìm ra lý tưởng sống trong cuộc đời mình, thì chính chặng đường đi tìm cái lý tưởng ấy, bản thân nó cũng đã là một chặng đường thú vị và ý nghĩa của cuộc sống. Cho nên, hãy tìm rồi sẽ thấy, hãy cứ đi rồi sẽ đến.