Thất nghiệp còn tiền tiết kiệm thì sắp cạn nhưng tôi không cho phép mình nản chí. Biết rằng đó không phải là lúc để than thân trách phận, tôi chạy khắp nơi mong tìm được một công việc mới. Nhờ kinh nghiệm làm việc phong phú, tôi nhanh chóng tìm được một vị trí kỹ sư phần mềm trong một doanh nghiệp có quy mô vừa. Ở đây, tôi được trả lương cao hơn công ty trước.
Trong giai đoạn này, tôi vô tình đọc được một quyển sách có tên là Simple Steps to
Impossible Dream (Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ). Quyển sách này đã truyền cho tôi rất nhiều động lực và quyết tâm vào lúc tôi cần nó nhất. Nhờ động lực có từ quyển sách, sau gần 2 tháng nỗ lực phấn đấu phát huy tinh thần làm việc chủ động và nhiệt tình trong công việc, tôi lại được tăng lương 25%. Thậm chí, sếp tôi còn hứa rằng sau một năm sẽ cho tôi thăng chức lên quản lý nếu tôi tiếp tục thể hiện tốt.
Thế nhưng trong quá trình làm việc, tôi phát hiện ra có khá nhiều vấn đề bất hợp lý trong cách điều hành và quản lí doanh nghiệp của sếp. Tôi nhìn thấy những điểm bất hợp lý này là vì khi còn học đại học, tôi không chỉ học kỹ sư mà còn học thêm một văn bằng phụ về quản trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, sau thời gian làm việc ở công ty cũ kiêm đủ mọi nhiệm vụ, tôi đã quen nhìn doanh nghiệp trong một bức tranh tổng thể hơn là chỉ biết có một góc công việc của mình. Chính vì lẽ đó, cho dù việc điều hành công ty không phải là việc của tôi, tôi vẫn dũng cảm tìm cách nói lên những suy nghĩ và ý tưởng của mình với sếp, nhằm giúp công ty vận hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sếp vẫn bỏ ngoài tai những lời góp ý của tôi.
Để rồi những tháng tiếp theo, công ty bắt đầu thua lỗ khoảng 100.000 USD mỗi tháng. Sếp tôi biết mình sai nhưng vì đã lỡ nhận dự án và cũng đã đi được nửa đường rồi, muốn quay lại cũng không được. Nói chung, dự án mà tôi can ngăn sếp dừng lại hoặc đổi cách tiếp cận từ sớm giờ trở thành "trái đắng" cho công ty, nuốt không trôi mà nhả ra cũng không được. Hậu quả là sếp phải cắt 20% lương của mỗi nhân viên ngay trong lúc nền kinh tế Singapore đang phát triển rất tốt, ai cũng ăn nên làm ra. Tôi thật sự không tránh khỏi chạnh lòng khi cuối năm thấy bạn bè ai cũng được thưởng vài tháng lương còn công ty mình thì cứ èo uột, không được thưởng còn bị cắt lương. Tinh thần mọi người trong công ty đều dường như đã xuống đáy.
Thất vọng vì cảm thấy mình không được trọng dụng, tôi đành nộp đơn xin nghỉ việc trong khi sếp muốn giữ tôi lại. Để giữ chân tôi, sếp đã quyết định "tăng lương đặc biệt" cho tôi bằng cách giảm một nửa thời gian làm việc nhưng vẫn giữ mức lương hiện tại. Nói cách khác, nghĩa là lương tôi được tăng gấp đôi. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm rời công ty vì tôi làm việc không phải vì tiền hay sự thoải mái, mà tôi làm việc để được trọng dụng, được phát huy khả năng của mình và tạo giá trị thật sự. Nếu công ty không đáp ứng được cho tôi thì tôi không có lý do gì phải lưu luyến cả.
Trước khi rời công ty, tôi nói với sếp tôi rằng: "Vấn đề không phải là lương bao nhiêu, mà vấn đề là tôi cảm thấy mình không thật sự được trọng dụng cho dù có được trả lương hậu hĩnh đến mức nào".
Biết tôi quyết định rời bỏ một công việc với mức lương tương đương 80 triệu mỗi tháng chỉ vì không được tạo cơ hội cống hiến cho công ty, có người nghĩ tôi chắc là "không bình thường". Nhưng hơn ai hết, tôi biết việc mình đang làm, nếu tôi không thể hoặc không được phép phát huy khả năng của mình để tạo ra giá trị, tôi chẳng muốn nhận tiền của ai cả, vì như thế chẳng khác nào ăn bám.
Một lần nữa, tôi lại phải đối diện với đời sống thiếu thốn, cùng sự chán nản và mất niềm tin vào những vị sếp bất tài. Cũng chỉ vì chọn sai người lãnh đạo mình mà sau bao nhiêu nỗ lực, sau bao nhiêu thăng trầm, tôi vẫn thấy mình... dậm chân tại chỗ.