Là một người chủ trương học hỏi kiến thức của thế giới để mang về Việt Nam chia sẻ và áp dụng, nhưng tôi lại rất không thích tính "vọng ngoại" của một bộ phận người Việt, hễ cứ thấy cái gì đến từ nước ngoài (nhất là các nước Âu – Mỹ) thì ngay lập tức kết luận rằng sẽ tốt hơn Việt Nam. Đừng nói đâu xa, ngay trong lãnh vực xuất bản thì tinh thần chuộng ngoại vẫn còn nhiều.
Chỉ cần bạn đi dạo một vòng qua các nhà sách, bạn sẽ thấy ngoại trừ sách giáo khoa, sách chuyên ngành, và sách kiến thức phổ thông, thì trong những thể loại sách khác, sách đến từ nước ngoài lúc nào cũng lấn át sách Việt. Đặc biệt trong mảng kỹ năng và tư duy thành công, sách ngoại hầu như chiếm ưu thế tuyệt đối. Nếu một người nước ngoài đến Việt Nam và nhìn vào những đầu sách ấy, chắc hẳn họ sẽ nghĩ rằng cả Việt Nam chúng ta không có ai đủ thành công đáng để người Việt học hỏi. Trong khi đó, sự thật thì hoàn toàn ngược lại, chúng ta không hề thiếu những anh tài, những người đang nghĩ lớn, làm lớn và đạt được những thành quả to lớn. Nhiều người trong số họ không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn làm giàu cho đất nước.
Dĩ nhiên, những sản phẩm ngoại này đều rất chất lượng, nhưng nếu ta cứ mãi trông chờ vào những sản phẩm chất lượng từ bên ngoài thì đến bao giờ người Việt mới có thể ngẩng cao đầu đây? Chưa kể cái vòng luẩn quẩn, khi chúng ta đầu tư tiếp thị những sản phẩm ngoại ở Việt Nam càng nhiều, thì càng ít có thể đầu tư vào làm cho các sản phẩm Việt có cơ hội được tỏa sáng. Như thế dần dần, sản phẩm Việt dù tốt cũng sẽ bị thui chột đi, thậm chí biến mất trên thị trường.
Thế là chúng ta lại tiếp tục trông chờ vào những sản phẩm ngoại chất lượng... Cứ thế một vòng luẩn quẩn vô tận ngày càng đẩy trí tuệ Việt ra rìa, đẩy Việt Nam càng ngày càng tụt lùi về phía sau.
Nói đi thì cũng phải nói lại, người Việt Nam chúng ta không vô tình trọng ngoại sao được, khi mà chưa có những tổ chức vừa có đủ tầm ảnh hưởng rộng lớn, vừa có đủ sự quan tâm, để giúp đưa những trí thức tên tuổi người Việt và tư duy của họ đến gần với người Việt hơn. Ví dụ, ngoại trừ những học giả nổi tiếng (như Nguyễn Hiến Lê) đã được biết đến từ lâu, bạn có tìm được những tác giả, học giả lớn người Việt thuộc thế hệ 7x trở về sau này? Dĩ nhiên không phải
là vì Việt Nam không có những tư duy lớn, nhưng vấn đề ở chỗ là những tư duy ấy chưa được cơ hội lan tỏa đúng mức, chưa kể là còn bị nhấn chìm giữa những tên tuổi ngoại thuộc nhiều thế hệ, từ xa xưa cho đến hiện đại, thường xuyên được nhắc đến ở Việt Nam như Dale
Carnegie, Stephen R. Covey, John C. Maxwell, T. Harv Eker, Jack Canfield, Nick Vujicic, Adam Khoo...
Thậm chí, sau lần đầu tiên được TGM mời đến Việt Nam diễn thuyết vào năm 2009, Adam Khoo còn phải nói với tôi là không hiểu sao người Việt Nam ta lại hâm mộ anh ta đến thế. Gần đây, bản thân Nick Vujicic cũng ngạc nhiên vì sự hâm mộ cuồng nhiệt mà người Việt Nam
chúng ta dành cho anh. Ngay cả khi như vậy, Nick vẫn nhắc tất cả người Việt chúng ta bằng một thông điệp hết sức nhân văn: "Hãy để người Việt Nam giúp người Việt Nam" – một câu nói mà đến bây giờ tôi vẫn còn phải suy ngẫm.
Bên cạnh đó, chính thái độ làm việc vô trách nhiệm của một số người tự nhận mình là trí thức Việt cũng gây nên sự ngán ngẩm cho công chúng. Bản thân tôi chỉ dịch sách – đã có sẵn nội dung, không đòi hỏi nhiều sáng tạo, và còn có thêm sự giúp đỡ của cả một ê-kíp chuyên nghiệp – nhưng vẫn phải mất khá nhiều thời gian để tạo ra các sản phẩm trí tuệ này. Còn viết sách thì ở nước ngoài, những tác giả lớn cũng cần một vài năm để hoàn thành một tác phẩm. Cho nên, nhiều khi tôi không hiểu làm cách nào Việt Nam ta có những tác giả tài năng đến mức trong vòng vài năm có thể cho ra đời cả chục tác phẩm mà vẫn không có mấy tên tuổi. Liệu những quyển sách được viết hàng loạt ấy có thể mang đến cho độc giả những giá trị?
Tôi cảm thấy bức xúc với cách làm việc vô trách nhiệm này vì như thế là vô tình làm ảnh hưởng đến những tác giả và học giả chân chính của Việt Nam, những người không hiếm khi phải lao động nhiều năm chỉ để viết một quyển sách hay, để rồi bị nhấn chìm trong biển sách viết vội.
Dần dần, niềm tin của độc giả Việt vào sách Việt cũng vơi bớt nhiều, khi không ít lần họ đầu tư tiền bạc và thời gian của mình vào những quyển sách "mì ăn liền". Chưa kể những tác phẩm mang tính "số lượng" này chắc chắn nhiều hơn những tác phẩm chất lượng rất nhiều. Cho nên, những gì tinh túy nhất của dân tộc không chỉ bị nhấn chìm mà còn bị lãng quên khi bị đặt
ngang hàng với những quyển sách "mì ăn liền".
Cuối cùng, nạn in sách lậu tràn lan, cùng sự tiếp tay vô tình của những người ham rẻ, đã và đang từng ngày từng giờ bóp chết trí tuệ cũng như sáng tạo Việt. Mà giết chết động lực sáng tạo và lan tỏa sáng tạo là giết chết khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Liệu chúng ta có hy vọng gì cho tương lai khi chúng ta vẫn đang góp phần tự giết chết chính mình?
TGM chủ trương không bài ngoại cũng không sính ngoại, cái gì hay cái gì tốt thì học, cái gì mình làm được thì phải tự hào. Cho nên đứng trước thực trạng trí tuệ, tinh thần, ý chí Việt vẫn còn bị "lép vế", TGM dù vẫn đề cao tinh thần học hỏi kiến thức của thế giới để mang về Việt Nam để chia sẻ và áp dụng, nhưng cái chúng tôi muốn đề cao và phát huy về lâu về dài là sự sáng tạo của trí tuệ Việt và tinh thần tự hào dân tộc của người Việt, song song với việc không ngừng tiếp thu và chọn lọc những gì hay đẹp nhất của thế giới.
Ngược lại, TGM cũng không chủ trương tinh thần dân tộc cực đoan theo hướng tự cô lập mình, tự cho cái gì của người Việt cũng là hay là nhất, hoặc cái gì cũng phải Việt hóa 100% – một điều không thể và không nên trong một thế giới đang đi theo xu hướng toàn cầu hóa.
Thông qua TGM Books, chúng tôi rất mong mỏi những tác giả, học giả Việt tài năng, với
những tác phẩm thật sự chất lượng, sẵn sàng hợp tác với chúng tôi để lan tỏa những giá trị Việt cho người Việt, cũng như khơi gợi lòng tự hào dân tộc của người Việt.
Còn với TGM Training, cái đích đến cao nhất mà chúng tôi nhắm đến là dựa trên những gì tinh túy và giá trị nhất của khóa học I Am Gifted!, để tạo ra một khóa học do người Việt – cho người Việt – vì người Việt. Về lâu về dài, chúng tôi muốn sáng tạo thêm những khóa học đậm chất Việt cho dù chúng ta luôn phải học hỏi từ thế giới.
Có rất nhiều học viên đã đề nghị tôi nên tạo ra một khóa học phát triển bản thân "Việt hơn nữa" vì lòng tự hào dân tộc, tôi hoàn toàn đồng ý vì đó cũng là mong muốn của tôi. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì muốn có chất lượng thì cần phải có sự đầu tư, tìm tòi và rất nhiều nỗ lực trong một thời gian dài. Nếu không cái "tự hào dân tộc" sẽ trở thành cái "tự tôn ngu dốt". Chính vì vậy, tôi vẫn thấy mình đang đi trên con đường tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Có lẽ trong một thế giới phẳng, khi mà biên giới giữa các nền văn hóa và các luồng tư tưởng ngày càng mờ dần, việc tạo ra một sản phẩm trí tuệ – tư duy thuần Việt là một điều không thể và cũng không nên. Cho nên, thay vì hướng đến một khóa học "Việt 100%", tôi hướng đến một khóa học thật sự chất lượng mang tinh hoa của thế giới và linh hồn Việt Nam.
Người Nhật thành công và nổi tiếng nhờ học hỏi nhiều điều từ nước Mỹ và các nước khác rồi sau đó làm cho tốt hơn, góp phần đưa nước Nhật từ đống tro tàn đổ nát sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 trở thành cường quốc đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ. Cùng là người châu Á, tại sao người Việt ta không thể làm như người Nhật? Vừa không ngừng học hỏi, vừa đề cao tinh thần dân tộc.