Nếu bạn không có một kế hoạch cho đời mình thì sẽ có một ai đó làm thay cho bạn, nhưng nhiều khả năng họ sẽ không biết điều gì tốt nhất dành cho bạn, hoặc tệ hơn, họ không muốn bạn có được những điều tốt nhất.
Lên lớp bảy, tôi bước vào tuổi dậy thì và căn bệnh "ngôi sao" trong tôi phát tác. Tôi trở nên kiêu ngạo vì nghĩ trình độ của mình đã vượt xa lũ bạn và bắt đầu xao nhãng việc học hành. Nhiều lần, tôi trốn học đàn đúm với đám bạn hư hỏng, tham gia đủ những trò quậy phá: từ việc đạp xe lạng lách, đánh võng, làm xiếc ngoài đường; chơi game ăn tiền; chơi bi-da ăn tiền; cờ bạc; đến tham gia băng nhóm... Lúc này, ba đang làm công nhân viên chức nhà nước, còn mẹ thì bận rộn với công việc may vá của mình. Cả hai đều đầu tắt mặt tối để lo cho cuộc sống gia đình, nên không hề biết đứa con trai tưởng chừng ngoan ngoãn học giỏi đã trở nên hư hỏng lúc nào không biết. Nhất là khi về nhà lúc nào tôi cũng vẫn ngoan ngoãn lễ phép với ba mẹ.
Kết quả học tập của tôi bắt đầu tuột dốc trầm trọng. Nếu như năm lớp 6 tôi vẫn còn được làm lớp trưởng, thì đến năm lớp 7, tôi đã mất đi sự tín nhiệm rất nhiều của thầy cô, bạn bè nên chỉ còn được làm lớp phó. Thầy chủ nhiệm biết tôi không còn tập trung vào việc học như trước vì game, bi-da, cờ bạc,... nhưng thầy không ngờ rằng tôi đã nghiện những thứ ấy rất nặng.
Khi lên học lớp 8, ngay cả chức lớp phó cũng không còn, tôi vẫn được thầy tin tưởng giao cho công việc thủ quỹ, chịu trách nhiệm thu và giữ tiền học phí của lớp. Chỉ trong vòng vài tuần, tôi đem khoản tiền lớn đó đốt hết vào... game, bi-da và sòng bài. Tới bây giờ, viết về điều ấy, tôi vẫn cảm thấy hết sức xấu hổ về bản thân mình. Sai lầm đó có thể đã dẫn đến những điều tệ hại hơn nữa trong cuộc đời tôi, nhưng may mắn, tôi còn có mẹ.
Đến hạn phải nộp lại tiền cho nhà trường, tôi sợ hãi chạy về nhà cầu cứu mẹ. Cứ tưởng mẹ sẽ cho tôi một trận đòn nên thân, không ngờ mẹ lẳng lặng chạy sang vay tiền bà ngoại rồi đích thân cùng tôi mang tiền vào trường trả cho thầy và xin lỗi thầy.
Ngoại tôi già nhưng lúc ấy vẫn phải còng lưng may vá để kiếm sống qua ngày. Số tiền mẹ mượn của ngoại là tiền dưỡng già mà ngoại tôi phải dành dụm, tích góp lâu ngày mới có được. Biết được điều đó, tôi lại càng sợ hãi hơn. Lúc ấy, tôi tin chắc rằng khi về nhà, tôi sẽ chẳng thể nào mà sống nổi với ba mẹ vì tội lỗi tày đình này.
Vậy mà sau khi về nhà, mẹ vẫn không hề đánh mắng tôi, mà vẫn nói chuyện và đối xử với tôi như chưa bao giờ tôi phạm lỗi lầm ấy. Thậm chí, mẹ cũng không hề nói cho ba biết. Trong vòng nhiều ngày, tôi hết sức hoang mang lo lắng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng rốt cuộc, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng, mẹ đã quá đau lòng vì những gì tôi làm đến nỗi mẹ không đủ can đảm để nhắc về việc ấy nữa. Có lẽ chính mẹ cũng cảm thấy khó chấp nhận cái sự thật rằng, đứa con trai mẹ hằng yêu thương và tin tưởng lại có thể hành động như thế. Cũng có thể mẹ tự trách bản thân mình đã không đủ quan tâm để nhắc nhở tôi.
Nhưng dù thế nào đi nữa, về phần mình, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và hối hận. Và cũng kể từ lúc đó, tôi tự hứa với bản thân là phải thay đổi để mẹ không bao giờ phải đau lòng nữa. Tôi không thay đổi từ từ mà hầu như thay đổi ngay lập tức vì tôi quyết tâm lựa chọn sự thay đổi, bởi vì tôi đã nhìn thấy quá rõ ràng đã đến lúc phải thay đổi bản thân mình. Ngay lập tức, tôi hoàn toàn cắt đứt liên lạc với lũ bạn xấu để có thể làm lại từ đầu.
Chỉ khi chúng ta thay đổi cách mình nhìn nhận con người và thế giới xung quanh, chúng ta mới có thể thay đổi thái độ của mình. Chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ sống của mình, chỉ khi hành vi của chúng ta có sự thay đổi, chúng ta mới có thể hy vọng đến những kết quả khác biệt.
Thông thường, ai cũng nghĩ rằng sự thay đổi cần phải diễn ra từ từ và cần có một quá trình dài. Nhưng sự thật không hẳn là vậy, những sự thay đổi tích cực trong con người thường diễn ra ngay tức khắc một khi chúng ta thật sự nhận ra rằng, đã đến lúc phải thay đổi. Tôi từng biết một người cha nghiện thuốc lá rất nặng và bắt đầu có những dấu hiệu của ung thư phổi. Ngay cả khi sức khỏe bị ảnh hưởng như thế, người cha ấy vẫn nhất định không cai nghiện thuốc lá. Nhưng rồi khi đứa con gái nhỏ nói với cha mình rằng: "Ba ơi, ba đừng hút thuốc nữa để sống lâu với con nha ba", người cha bật khóc, và kể từ đó ông ta bỏ thuốc hẳn.
Có thể bạn nghĩ, trong câu chuyện trên, chính căn bệnh ung thư hoặc đứa con gái là hai tác nhân làm người cha thay đổi. Nhưng sự thật không phải là thế, căn bệnh ung thư và đứa con gái chỉ là những tác nhân giúp cho người cha ấy đi đến quyết định thay đổi. Là con người, không ai có thể thay đổi được chúng ta, vì sự thay đổi luôn luôn là một lựa chọn bên trong của cá nhân mỗi người. Và bởi vì đó là lựa chọn của mỗi chúng ta, sự lựa chọn ấy có thể diễn ra trong tích tắc. Điều quan trọng là bản thân mình có muốn thay đổi ngay hay không mà thôi. Trong hầu hết trường hợp, sự thay đổi từ từ chẳng qua chỉ là những biện minh cho sự thiếu quyết tâm thay đổi, hoặc chưa có một hậu quả nhãn tiền để phải thay đổi ngay.
Đa số mọi người chỉ nghĩ đến việc mình phải thay đổi ngay khi họ phải thật sự đối diện với hậu quả. Có rất nhiều người chờ đợi đến khi gây ra những hậu quả to lớn thực sự rồi mới thức tỉnh và lựa chọn thay đổi. Nhưng thường thì những lúc ấy, sự thay đổi diễn ra đã quá muộn màng hoặc cái giá của hậu quả gây ra đã quá to lớn. Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao cứ phải đợi đến khi quá muộn màng hay một hậu quả nào đó xảy ra rồi mới lựa chọn thay đổi?".
Bạn có đang muốn thay đổi một điều gì đó ở bản thân mình hay không? Bỏ đi một thói quen xấu, bắt đầu một thói quen tốt, hoặc muốn tạo ra một sự đột phá cho bản thân mình trong sự nghiệp hay cuộc sống? Trước đây, bạn đã bao lần tự nhủ: "Ừ, để từ từ mình sẽ thay đổi". Và bây giờ, hãy tự thành thật với chính bản thân mình, từ lần cuối cùng bạn tự nhủ sẽ từ từ thay đổi cho đến giờ, bạn đã thay đổi được bao nhiêu phần? Cho dù gì đi nữa, bạn hãy nhớ rằng, bạn luôn luôn có một lựa chọn để thay đổi và hành động ngay bây giờ.
Qua kinh nghiệm đào tạo hàng chục ngàn người về kỹ năng tư duy thành công (đặc biệt là phương pháp tự thay đổi bản thân), tôi tin và khẳng định rằng, nếu có những trải nghiệm tinh thần đủ lớn để giúp cho những hạt giống tốt đẹp bên trong con người được nảy mầm, thì lúc đó sự thay đổi tích cực sẽ xảy đến gần như ngay lập tức và trong tích tắc mà không cần có những hậu quả nghiêm trọng làm nhân tố tác động. Bởi vì, một lần nữa, thay đổi vốn dĩ là một sự lựa chọn.
Dĩ nhiên, sau khi sự thay đổi ngay tức khắc diễn ra, mỗi chúng ta đều cần đến nỗ lực của chính bản thân mình và môi trường xung quanh để giúp duy trì sự thay đổi đó. Cái thay đổi từ từ mà mọi người thường hay nhắc đến thật ra là quá trình nỗ lực rèn luyện thành thói quen mới, để duy trì sự thay đổi vốn đã xảy ra ở bên trong. Đây mới là lúc bạn cần phải kiên nhẫn và cần nhiều thời gian để biến sự thay đổi, từ một lựa chọn nhất thời, thành một phần mới tích cực trong chính bản thân bạn.
Nếu như thay đổi là một điều gì đó diễn ra gần như ngay lập tức khi bạn lựa chọn thay đổi, thì duy trì sự thay đổi ấy để biến nó thành một phần con người của bạn lại là quá trình vượt lên trên chính mình từng ngày trong một thời gian dài.
Vấn đề là ở chỗ, nếu không có sự thay đổi tức thì làm khởi đầu thì bạn cũng chẳng có gì để khởi đầu, chứ đừng nói đến duy trì. Thành ra, một cú huých thật mạnh để vượt ra khỏi sức ì và tạo nên sự thay đổi là hết sức cần thiết và quan trọng cho việc một người có thể thay đổi được hay không. Sau khi đã có một động lực to lớn để lựa chọn sự thay đổi, phần còn lại phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm riêng của mỗi người cũng như những tác động của môi trường xung quanh. Ví dụ: Nếu như người cha ở trên sau khi quyết tâm bỏ hút thuốc, nhưng lại luôn chơi với những người bạn nghiện thuốc. Nếu như trong số đó chỉ cần một người nói với ông ta rằng: "Đã lỡ hút nhiều rồi, đã lỡ bệnh rồi. Con gái nhỏ thì nó nói thế, lớn lên nó cũng đi theo chồng mà quên mất ông. Ông cứ phải tự làm khổ mình làm gì?", thì có thể quyết tâm của người cha ấy
đã không còn.
Cho nên, bên cạnh một cú huých mạnh mẽ làm tiền đề quan trọng, môi trường cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng khác tác động đến việc bạn có hoàn thành sự thay đổi 100% hay không. Bạn muốn thay đổi, bạn phải tạo ra một môi trường ủng hộ sự thay đổi của bạn. Bạn muốn giúp người khác thay đổi, bên cạnh việc tạo một cú huých là cực kỳ cần thiết, bạn cũng phải tìm cách tạo ra một môi trường để duy trì sự thay đổi đó.
Tương tự, cái bạn nhìn thấy bên ngoài như là sự thay đổi của người khác, thật ra chỉ là cái kết quả của sự thay đổi vốn đã diễn ra bên trong họ từ trước. Chính vì thế, bạn muốn giúp một người thay đổi? Sự thay đổi ấy phải xuất phát từ bên trong, phải là một lựa chọn, thì đó mới hy vọng là một sự thay đổi bền vững.
Ngược lại, nếu bạn muốn người khác nhìn thấy sự thay đổi bên trong của bạn thông qua hành động, bạn cần nỗ lực vượt lên chính mình, cũng như một môi trường đủ tích cực để ủng hộ sự thay đổi đó của bạn.
Trong hầu hết những khóa huấn luyện và đào tạo phát triển con người của mình, tôi đều áp dụng triết lý này để giúp cho học viên. Có lẽ nhờ vậy mà các khóa học của TGM cũng đã đạt được một số kết quả nhất định ban đầu trong lãnh vực này.