D. – RUỘNG ĐẤT MIỄN THUẾ
2CHÚ THÍCH VỀ ĐỒN ĐIỀN CŨ CỦA ANNAM
TẠI NAM KỲ[172]
Việc sáng lập đồn điền (colonies militaires annamites) mới bắt đầu vào những năm sau cùng của triều Minh Mạng. Đồn điền chưa bao giờ được hoàn toàn tổ chức và quy định. Do đó, đồn điền còn để lại chút ít dấu vết trong ký ức người dân và lịch sử về nguồn gốc cũng như phát triển đồn điền khá mờ mịt. Vì đồn điền chỉ còn lại một chút chứng liệu viết vài sự vụ lệnh, vài bằng sắc cử chức dịch, nên chúng tôi phải thảo bản ghi chú ngắn này bằng vào những thông tin truyền miệng có giá trị rất chênh lệch, rất lờ mờ và thường mâu thuẫn nhau, do những người còn sống sót của định chế này cung cấp.
Ông Thượng, tổng trấn Gia Định (tức Lê Văn Duyệt) là người được giao phó lập đồn điền đầu tiên (1830). Ông chọn thành Sài Gòn làm trung tâm thí điểm và luyện tập. Bốn đội lính đồn điền được đặt trong vùng lân cận, không đồn cũng không trại. Người lính đồn điền được ở nhà, cày cấy trên mảnh đất được vua ban và phải đóng chung mọi phí khoản là hai quan tiền với mười giạ lúa. Hằng năm, vào tháng Giêng, lính đồn điền được triệu tập lên thành để xét duyệt và luyện tập. Sau đó, họ được trả về nhà, không bị một sưu dịch nào khác. Tất nhiên, khi có chiến tranh, họ phải tập hợp liền ngay sau lần gọi thứ nhất. Việc tuyển nhập được thực hiện theo cách tự nguyện. Các ngạch trật giống như quân đội chính quy; tuy nhiên không có chức vị cao hơn suất đội điều khiển một đội. Việc thăng chức không tính theo thâm niên, nhưng theo cao tuổi với tối thiểu hai năm có mặt. Chính quyền dân sự điều khiển định chế đồn điền. Tổ chức này tuy thích hợp với mục đích khai hoang của Minh Mạng song không tồn tại lâu. Khi ông Thượng chết (1842)[173], những người lính đồn điền đầu tiên được chuyển sang quân đội chính quy và hợp thành một cơ riêng dưới quyền điều khiển của một người tên Phạm Văn Huy. Huy nhận chức cai khiển của một người tên Phạm Văn Huy. Huy nhận chức cai đội và cùng đội ngũ tới đóng tại làng Thanh Sơn, trong tổng Lợi Trinh, huyện Kiến Đăng (Mỹ Tho). Chính họ là những người trước nhất khai phá Đồng Tháp Mười, lập ra các chợ Vàm Ngựa và Cai Lậy.
Năm Tự Đức thứ hai (1849), một vị quan tên Nguyễn Tri Phương được triều đình cử tới kinh lý Lục tỉnh với quyền hạn hết sức rộng rãi.
Ngạc nhiên vì đất đai còn bỏ hoang rất nhiều và sự phồn thịnh của đồn điền Thanh Sơn, Nguyễn Tri Phương trở lại ý kiến trước kia của Minh Mạng và lập lại các đồn điền với những cơ sở gần như cũ.
Định lệ cho người nhập ngũ được khai trưng đất đai với điều kiện phải khẩn hoang và đóng thuế sau 7 năm. Lính đồn điền phải hợp thành từng ấp và không được ở lẻ loi trong rừng rậm. Mỗi đội có nhiệm vụ lập một ngôi chợ để thỏa mãn nhu cầu của đội. Phần đất trưng tính cho mỗi người, được chỉ định trước và có diện tích 2 hecta (4 mẫu). Việc tuyển mộ do các làng tiến hành hoặc do tự nguyện. Trong trường hợp sau, cần đủ năm mươi người hợp pháp ký đơn xin trưng, nghĩa là sao cho đủ một đội được lập ngay. Tổ chức nhà binh được nới rộng thêm, các chức quản và phó quản được lập ra, nhưng luôn dưới sự binh được nới rộng thêm, các chức quản và phó quản được lập ra, nhưng luôn dưới sự kiểm soát của chính quyền dân sự.
Mỗi năm, quan bố (chánh) thanh tra các trại đồn điền và xét định những tiến bộ đã thực hiện, cắt đặt các chức thấp, còn suất đội và quản cơ thì do chính quyền trung ương hoặc tổng đốc chỉ định.
Ruộng đất cấp cho người thụ hưởng được giữ suốt đời, song không phải khi nào cũng có quyền chuyển lại cho người thừa kế. Muốn có quyền này chỉ cần lên được cấp “bếp” tầm thường, hoặc trong ba năm liền không bị phạt kỷ luật là được.
Việc canh gác trong cái đồn nhỏ thường đặt ở đầu một con rạch thì cắt lượt nhau, nơi đây phải để lại các loại vũ khí, giáo, mác và mấy khẩu súng của sĩ quan hay người thường nhưng phải đậu những kỳ thi ba năm một lần tại Sài Gòn. Các đội có nhiệm vụ gìn giữ đồn và vũ khí.
Chỉ có việc canh gác và nhập ngũ khi có chiến tranh là nghĩa vụ quân sự bắt buộc của lính đồn điền; ngoài ra họ được hưởng mọi đặc quyền về dân sự như làm hương chức, buôn bán và đi lại tự do. Họ phải chịu thuế thân trong điều kiện thông thường, ngoại trừ 7 năm đầu…
Tổ chức mới này được dân nghèo cực kỳ hoan nghênh, chẳng bao lâu rất nhiều đồn điền được thành lập trong các tỉnh miền Tây, đặc biệt ở Ba Xuyên và Lạc Hóa. Đồn điền chiếm cứ tất cả các vàm chính yếu, rồi dần dần lan vào các bờ rạch.
Khi chúng ta (Pháp) tới, các đồn điền ở Gia Định và Mỹ Tho bị giải tán và các đồn canh một phần bị phá hủy. Năm 1867, khi lấy ba tỉnh miền Tây, các tham biện vẫn để cho lính đồn điền bình an làm chủ các mảnh đất đã được khai hoang. Một vài lính đồn điền đã không ngại tới phục vụ chúng ta (Cà Mau).
Một đạo luật của Đô đốc De la Grandière, ban hành ngày 20 tháng 9 năm 1867, tuyên bố giải thể đồn điền. Biện pháp này được thi hành không khó khăn gì, vì hầu hết các làng liên quan gồm toàn là lính đồn điền.
Các đồn điền, riêng trong tỉnh Cần Thơ chẳng hạn, trong thời gian chưa đầy 20 năm, đã thiết lập được các chợ trọng yếu là Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Trà Ôn, một đồn quân sự bậc nhất. Ngoài ra, lính đồn điền đã tổ chức khai hoang Đồng Tháp Mười và bắt đầu tiến đến Cà Mau… Như vậy dự kiến của Minh Mạng tỏ ra hết sức thực tế, chỉ vì thiếu thời gian nên chưa phát huy được hết mối lợi to lớn.