D. – RUỘNG ĐẤT MIỄN THUẾ
a) Tình hình đồn điền trước Nguyễn Tri Phương
Đồn điền đã được lập từ lâu và ở khắp nơi Nam kỳ, nhưng chưa bao giờ lập thành “phép” cho có hệ thống và quy củ như khi Nguyễn Tri Phương đứng ra đôn đốc. Trong một đoạn trên,
chúng ta đã thấy nhiều đồn điền được xây dựng. Nhiều đồn điền đã rất thành công còn để lại dấu ấn tốt đẹp.
Dưới đây là mấy thí dụ cụ thể:
“Lúc bấy giờ (Tây Sơn đánh Nguyễn Ánh), xứ (Gia Định) này bị tàn phá, ruộng lúa bỏ hoang; làng mạc điêu tàn hay bị đốt cháy, dân làng phiêu tán, đặc biệt vùng lân cận Sài Gòn, tức các tổng Bình Trị Thượng, Dương Hòa Hạ và Bình Trị Trung (bao trùm các quận nội thành từ quận Bình Thạnh đến quận 8 ngày nay). Năm 1802, một vụ đói kém lớn đã tác hại cả vùng. Giữa lúc còn đang giằng co giữa chiến với hòa, Gia Long đã tìm cách hàn gắn vết thương. Ông đã dựng lại làng mạc và khuyến khích canh nông. Ông giải ngũ một số quân đội, cho họ ruộng đất và lập đồn điền mà người đăng tịch là binh lính và hương chức là sĩ quan, họ lại sẽ trở thành quân nhân chống thù khi giặc tới. Sau khi đất nước thanh bình, các đồn điền trở nên thuần túy dân sự. Nhiều làng trong các tổng An Thành (Thủ Đức) và Dương Hòa Hạ (Sài Gòn) được thành hình theo kiểu cách đó, đó là Đức Hưng, Tân Điền v.v…”[130]
Thí dụ thứ hai: Sau đạo dụ năm 1841 đổi đồn điền thành công điền và giao cho các làng, còn “lính đồn điền trước, thời đều triệt về tỉnh”, nhưng một số lính đồn điền khi trở về quân đội chính quy lại “tập hợp thành một cơ đặc biệt dưới quyền một sĩ quan tên là Phạm Văn Huy”. Huy có chức Cai đội, đem lính tới đóng tại làng Thanh Sơn (Cai Lậy), tổng Lợi Trinh, huyện Kiến Đăng (Định Tường). “Chính họ là những người đầu tiên khai hoang Đồng Tháp Mười và lập ra các chợ Vàm Ngựa và Cai Lậy”.[131]
Rất nhiều đồn điền đã lập ở Vàm Cỏ, Tây Ninh, Châu Đốc, Hà Tiên, đảo Côn Lôn, miệt kinh Vĩnh Tế… Cho nên thời Minh Mạng, vào năm 1822, đã có tới 117 sở với khoảng 20 cơ gồm 9.603 lính đồn điền. Như vậy, số đồn điền chuyển thành làng dân sự cũng phải tới số trăm và đất ruộng trao cho các xã thôn địa phương làm công điền công thổ cũng phải tới số chục ngàn mẫu. Phần đóng góp của các đồn điền kể là khá lớn.
Tuy nhiên, như đã nói trên, các đồn điền lập ra trước Nguyễn Tri Phương chưa được phát triển có hệ thống, quy chế cũng mỗi nơi, mỗi lúc một khác. Tới Nguyễn Tri Phương, đồn điền mới được khẩn trương, đồng loạt mọc lên ở khắp Lục tỉnh và theo một quy chế như một quốc sách phát triển kinh tế - xã hội.