Theo sưu tập địa bạ Lục tỉnh, số lượng ruộng đất nhiều thứ hai sau tư điền tư thổ là công điền công thổ. Như đã nói trên, đây là một loại hạng ruộng đất có định chế riêng, không nên dịch ra là “ruộng làng” hay “ruộng công”, vì có nhiều loại hạng ruộng đất khác nhau của làng hay của công mà vẫn không gọi chính xác là công điền công thổ. Do chưa nghiên cứu trực tiếp qua địa bạ, không nắm được định chế đặc biệt của mỗi loại ruộng đất, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng gây ngộ nhận khi dịch đó là “ruộng đất làng xã” (terrains communaux). Đáng lẽ phải có công trình riêng nghiên cứu về định chế công điền công thổ chung của cả nước, vì đây là vấn đề rất quan trọng, song thiếu số liệu chính xác, nên đến nay vẫn chưa được thực hiện. Sau đây, ta chỉ xem xét tình hình định chế công điền công thổ rút từ sưu tập địa bạ Lục tỉnh. Tại Nam kỳ Lục tỉnh xưa, có 5 loại ruộng đất thuộc hạng công điền công thổ là:
1. Ruộng đất mà địa bạ ghi rõ là hạng công điền công thổ (có nhiều ở huyện Tân Hòa tỉnh Gia Định, nay là Gò Công tỉnh Tiền Giang, và ở 4 huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long là Vĩnh Bình, Vĩnh Trị, Trà Vinh, Tuân Ngãi nay nằm trong phạm vi tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh).
2. “Những ruộng đất thực canh, ở trong sổ ghi là bản xã hay bản thôn đồng canh (BXĐC - BTĐC) thì cho là hạng công điền công thổ” (trích điều 6 tờ tấu của Trương Đăng Quế). Tỉnh huyện nào cũng có loại ruộng đất này, nhưng tỷ lệ nhiều hơn cả là ở tỉnh Hà Tiên (hầu hết ruộng đất Hà Tiên đều do “bản xã hay bản thôn đồng canh và ít nhất là ở tỉnh Định Tường (số ruộng “bổn thôn đồng canh” chỉ có độ 2/1.000).
3. “Những nơi dân chúng ở, chỗ nào là đất hoang gò đống, trong sổ không ghi người nào trước đã nộp thuế, thì liệt vào hạng dân cư thổ, miễn thuế; nếu có chủ khai nhận thì cho dân đánh giá, nộp thuế theo hạng công thổ”. (Trích điều 3 tờ tấu của Trương Đăng Quế). Như vậy, dân cư thổ chia làm hai thứ:
b) Nếu có người đứng tên khai nhận ở, thì phải “nộp thuế theo hạng công thổ”.
4. “Ở ngoài phụ quách thành Phiên An cũ, trừ ra những nơi đặt thành Gia Định mới (thành Phụng) và những chỗ liệu để làm quan xá, quân trại, thủy trưởng, còn thì đạc được hơn 440 mẫu, cho dân phu cần lập sổ địa bạ, nộp thuế theo hạng công thổ”. “Ở tỉnh Gia Định có 3 thửa ruộng bỏ hoang, trước cấp cho đội An Lương khai khẩn cày cấy đã thành ruộng, nay đạc được 14 mẫu linh, cho dân nhận lãnh canh, nộp thuế theo hạng công điền”. “Một thửa đất thành cũ Định Tường, trước đạc được hơn 40 mẫu, cho dân sở tại cày cấy, nộp thuế theo hạng công điền”, “Ở Định Tường, trước kia Tôn Thất Chương để lại 2 thửa thảo điền, từ trước vẫn cho người tá canh, nửa vời, các điền hộ chuyền tay nhau bán đi; nay khám ra là 50 thửa, mà dấu tích tá canh hãy còn rõ ràng, thì có 6 thửa đạc được 398 mẫu linh thì cho dân nhận lãnh nộp thuế, liệt vào hạng công điền” (đều trích từ tờ tấu của Trương Đăng Quế). Cộng chung các khoản trên đây là 440 mẫu công thổ và 801 mẫu công điền, tức linh 1.241 mẫu công điền công thổ.
5. “Những chủ ruộng trốn đi hoặc chết mà không có con cái, thì giao cho dân sở tại cày cấy, nộp thuế theo hạng công điền công thổ”. “Trong sổ trước khai là thực trưng, nay khám ra còn một hai chỗ hoang vu, thì căn cứ vào ruộng thực canh, đo đạc thành mẫu sào rồi trước bạ; còn thì liệt vào hạng lưu hoang, đều do quan địa phương sức dân khai khẩn cày cấy thành ruộng, cho làm hạng công điền, bắt nộp thuế” (đều trích từ tờ tấu của Trương Đăng Quế).
Trên đây là hai trường hợp, trường hợp thứ ba là lấy tư điền tư thổ của người bị án chuyển vào sổ công điền công thổ, thí dụ trong địa bạ xã Bình Hòa huyện Bình Dương tỉnh Gia Định (nay là một phần quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) có ghi: “Một sở ruộng rộng 1 mẫu 9 sào 3 thước, nguyên Lê Văn Duyệt tạo mãi, phụng án xử giao hồi bản xã vi công điền”. Lại “một sở đất rộng 3 mẫu 7 sào 3 thước, nguyên Lê Văn Duyệt tạo mãi, phụng án xử, giao hồi bản xã vi công thổ”.
Trường hợp thứ tư là thỉnh thoảng trong địa bạ ghi tên người “tặng nhượng cho xã thôn một số ruộng đất làm công điền công thổ”. Trường hợp này không nhiều.
Để có một khái niệm rõ ràng về cơ cấu sở hữu ruộng đất đương thời, ta nên biết rằng: ngoài tư điền tư thổ và công điền công thổ, còn có mấy loại ruộng đất khác như sau: