D. – RUỘNG ĐẤT MIỄN THUẾ
c) Phương thức “mở đồn điền lập ấp” đại quy mô cho Nam kỳ
Vào tháng Giêng năm Quý Sửu (1853), sử đã ghi: “Chuẩn cho xứ Nam kỳ làm phép đồn điền lập ấp. Đình thần tâu: Xin cho xứ Nam kỳ cùng các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc, thông sức người bổn hạt, cho tình nguyện ứng mộ. Mộ được bao nhiêu, giao cho hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, còn dư cho qua Vĩnh Tế, Ba Xuyên, Tịnh Biên, chỗ nào đất hoang thì cứ ở mà cày. Như mộ người đồn điền, thời thúc làm lính đồn điền, chia 50 người (Việt) làm 1 đội, 500 người làm 1 cơ; nhưng mộ người lập ấp phải được 10 người trở lên, mới cho tùy chỗ khai khẩn lập bộ, người Tàu đầu mộ cũng cho. Người nào mộ lính đồn điền được 1 đội cho bổ suất đội; được 1 cơ cho bổ chánh đội, thì sai phó quản cơ. Ngày sau thành căn cước, 1 đội làm 1 ấp, 1 cơ làm 1 tổng, còn quản cơ, suất đội đều lãnh chức tổng trưởng, ấp trưởng. Người nào mộ dân lập ấp ấy,
được 30 người thì tha xâu thuế trọn đời, được 50 người thời thưởng chánh cửu phẩm, được 100 người thời thưởng chánh bát phẩm, nhưng lãnh chức tổng lý. Còn thuế ruộng đất hiện khẩn và thuế đinh, đều cho khoan hạn để khuyến khích người ứng mộ. Nguyễn Tri Phương lại tâu: Phủ Ba Xuyên và phủ Tịnh Biên, dân Thổ mới theo về, nay chẳng cho hết Lục tỉnh làm, mà chỉ cho hai phủ, e hoặc sinh sự chăng? Xin thông sức Lục tỉnh, bao nhiêu người ứng mộ, ai muốn qua Tịnh Biên, Ba Xuyên, ai muốn tìm đất không khoáng trong bổn hạt, khai khẩn lập ấp, đều cho tình nguyện, nhưng phải thuộc vào các tổng đã lập thành rồi. Lại xin cho tù phạm ở Lục tỉnh, như có đứa nào xin lập 1 đội, hoặc 1 thôn, đều được 50 người, thời cho làng họ chúng nó đứng bảo kiết, sẽ tha tội, giao cho tỉnh An Giang phân tháp về chỗ Vĩnh Tế, hoặc giao Hà Tiên phân tháp về chỗ Giang Thành, ở đó cày ruộng, suy xét quả được thành hiệu sẽ nghĩ. Vua đều cho thi hành cả”[134].
Theo phép đồn điền lập ấp trên đây, có ba phương cách đề nghị tiến hành: 1) Mộ lính đồn điền. 2) Mộ dân thường. 3) Mộ tù phạm. Mỗi phương cách lại có dự án thực hiện cụ thể, hợp lý. (Khi người Pháp tới chiếm Nam Bộ, chính sách đồn điền lập ấp mới thực hiện được 7 năm, còn dở dang. Một số nhà cai trị đầu tiên thấy định chế này rất đặc biệt, đã viết bài nghiên cứu, song đều không phân biệt nổi ba phương án khác nhau đó. Những người khảo cứu sau lấy tư liệu của họ, cũng nhầm luôn. Trong phần phụ lục, chúng tôi sẽ nhắc lại những sai lầm này).
Phương án mộ lính đồn điền: “Như mộ người đồn điền thời thúc làm lính đồn điền, chia 50 người (Việt) làm 1 đội, 500 người làm 1 cơ… Người nào mộ lính đồn điền được một đội, cho bổ suất đội; được 1 cơ, cho bổ chánh đội thí sai (tức tạm thời) phó quản cơ. Ngày sau thành căn cước, 1 đội làm ấp, 1 cơ làm 1 tổng, còn quản cơ, suất đội đều lãnh chức tổng trưởng (tức cai tổng), ấp trưởng”. (Khi người Pháp dịch họ thường lấy danh từ chỉ định đơn vị hoặc chức vụ tương đương như cơ là régiment, quản cơ: colonel, đội: compagnie, suất đội: capitaine). Lính đồn điền ăn lương “theo ngạch lính” nghĩa là mỗi tháng được 1 vuông gạo (khoảng 30 lít) và 1 quan tiền. Cấp chỉ huy 1 cơ là phó quản cơ, đã có phẩm cấp hàm chánh lục phẩm (6a) và chỉ huy 1 đội là suất đội, có hàm chánh thất phẩm (7a), nhưng không ở trong ngạch chính quy mà chỉ giữ việc cai tổng và ấp trưởng mà thôi. Đây là một tổ chức bán quân sự đặt dưới sự kiểm soát của Bố chánh và Tổng đốc chứ không thuộc Lãnh binh hay Đề đốc (Trương Định xưa là Quản cơ đồn điền nên được gọi là Quản Định).
Phương án mộ dân lập ấp: “Mộ người lập ấp phải được 10 người trở lên, mới cho tùy chỗ khai khẩn, lập bộ; người Tàu đầu mộ cũng cho… người nào mộ dân lập ấp ấy, được 30 người thì được tha xâu thuế trọn đời, được 50 người thì thưởng chánh cửu phẩm, được 100 người thời thưởng chánh bát phẩm, nhưng lãnh chức tổng lý… Bao nhiêu người ứng mộ, ai muốn qua Tịnh Biên, Ba Xuyên, ai muốn tìm đất không khoáng trong bốn hạt, khai khẩn lập ấp, đều cho tình nguyện, nhưng phải thuộc vào các tổng đã lập thành rồi”. Những người tuyển mộ, ứng mộ và lập ấp mới này có tính dân sự thuần túy, không phải đồn điền. Nhà nước cũng giúp đỡ các ấp mới cho tới khi lập xong bộ đinh và bộ điền rồi cho địa phương hóa thuộc vào tổng sở tại.
Phương án mộ tù phạm: “Cho tù phạm ở Lục tỉnh, như có kẻ nào xin lập 1 đội, hoặc 1 thôn, đều được 50 người, thời cho làng họ chúng nó đứng bảo kiết, sẽ tha tội, giao cho tỉnh An Giang phân tháp về chỗ Vĩnh Tế, hoặc giao cho Hà Tiên phân tháp về chỗ Giang Thành, ở đó cày ruộng”. Nhìn vào bản đồ, ta sẽ thấy “chỗ Vĩnh Tế” và “chỗ Giang Thành” cũng là một đường
kinh đào nối với con sông tự nhiên tạo thành một đường thủy quan trọng nối sông Cửu Long với vịnh Thái Lan, đồng thời cũng là một tuyến phòng thủ chống lại các cuộc xâm phạm của Xiêm thường qua ngả này. Nhà nước “sẽ tha tội” cho tù phạm để khai hoang lập ấp suốt hai bờ kinh Vĩnh Tế và sông Giang Thành là có ý đồ nhắm mấy mục tiêu cùng lúc vậy.
Sau khi đã ấn định chính sách và kế hoạch “làm phép đồn điền lập ấp” như trên, đến tháng Ba, triều đình cử “Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược đại sứ Nam kỳ, Tham tri Phạm Thế Hiển làm Tuần phủ Gia Định Tham tán Kinh lược sự vụ. (Sau Thế Hiển được thăng thọ Tổng đốc Định An (Định Tường, An Giang). Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới, Thế Hiển được Tự Đức vời tới bàn chuyện chấn chỉnh Nam kỳ và đặc biệt hỏi nên làm thế nào để chiêu mộ lưu dân, tập luyện quân lính, giữ vững biên giới, thanh lọc quan lại, Thế Hiển tấu trình: “Lập ấp khẩn ruộng để dụ lưu dân về; cấm sách nhiễu, chăm luyện tập để đổi dần thói lính nhác; tính việc biên phòng chi bằng mộ dân qua chốn biên cảnh, đóng đồn, tập nghề võ;… muốn trừ lại tệ, thời trước nên bớt việc”[135].