Lưu dân lập ấp và tục lệ xã thôn

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 30 - 31)

Trước khi Nguyễn Hữu Cảnh kiến trí xứ Đồng Nai thành Gia Định phủ và chia cắt đất đai dân số thành huyện, có lẽ cả trăm năm trước đã có “Hà Tôm xã” rồi. Đó là xã của 20 người lưu dân tự lập nên, chưa ăn nhập vào phủ huyện nào của Việt Nam. Trong khi tha phương cầu thực, lưu dân không thể sinh sống và khẩn hoang lẻ loi, mà phải đoàn kết tương trợ. Có lẽ họ đi thành từng nhóm năm bảy người, tới đâu thuận tiện dễ làm ăn, gần sông nước, kề đường giao thông, thì dựng lều lập ấp.

Buổi đầu chưa có luật lệ, đất đai thừa thãi, muốn cày cấy và lập thôn xóm đâu cũng được, miễn có sự đồng ý của dân địa phương, nếu khu vực đó dân địa phương chưa nhận chủ quyền. Ta có thể phỏng đoán có nhiều cách thành lập ấp mới: có khi là mấy người rủ nhau đi khai hoang một vùng đất, gieo cấy xong thì trở về; đến mùa lúa chín mới tới gặt hái; nếu thấy đất dễ thuần và mùa tốt, thì cùng nhau đến định cư tại chỗ rồi đặt thôn xóm. Có khi mấy nông hộ cùng làng chia nhau khai hoang những khoảnh đất chưa ai cấy cày ngay giáp cận đó; khi thành điền thổ tốt thì tách ra khỏi làng cũ để lập một thôn mới. Cũng có khi khai hoang lập ấp mới chỉ do một phú nông xướng xuất, một nông dân có vốn trữ đủ thóc ăn và điền khí, rủ hoặc mướn thêm mấy lực điền khỏe mạnh, chồng chất tất cả lên vài chiếc thuyền rồi đi thẳng tới vùng đất khai hoang đã thăm dò trước, đến nơi chỉ cần làm vài cái chòi tạm trú và gieo trồng, xong rồi cũng về nơi cũ; tới mùa gặt, nếu thấy lúa tốt thì kéo nhau tới lập ấp mới, nếu thấy không đủ ăn thì “đá chòi” rồi đi nơi khác.

Việc lập ấp mới chắc còn nhiều cách khác nữa, tuy nhiên cách thứ ba vừa kể chỉ có nhiều từ khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam. Trước đó, xã thôn của lưu dân còn hoàn toàn tự lập tự trị, người cùng thôn tất phải đoàn kết, tương trợ nhau và có lẽ cũng rất bình đẳng và khi lập ấp mới cũng đều sàn sàn như nhau. Còn từ khi Nguyễn Hữu Cảnh đã “đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận”, nghĩa là việc khai hoang lập ấp có tổ chức hơn và nhất là từ khi chính quyền “cho chiêu mộ những người dân có vật lực từ các xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, phủ Quảng Nghĩa và phủ Quy Nhơn thiên cư vào ở đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định”[48], thì trong xã thôn mới chia ra kẻ giàu người nghèo và thôn này phát đạt hơn thôn khác.

Nhờ có ruộng đất phì nhiêu, nhiều phú hộ di cư đã trở thành bá hộ hay thiên hộ để khống chế được từng thôn hay từng tổng. Như Lê Quý Đôn ghi: “Những người di cư mới (từ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn) ra sức chặt phát cây cối, cắt cỏ rậm và mở mang đất đai thành những vùng đất bằng phẳng, thổ địa phì nhiêu. Nhà Nguyễn lại cho dân được tự tiện chiếm đất mở vườn trồng cây và xây dựng nhà cửa. Lại cho họ thu nhận những con trai con gái người dân tộc thiểu số trên đầu nguồn xuống, để mua làm đầy tớ đứa ở. Nhờ vậy mà Gia Định có rất nhiều lúa thóc. Những người giàu có ở các địa phương, nơi thì có bốn năm mươi nhà, nơi thì có hai ba mươi nhà, mỗi nhà có hạng đầy tớ làm ruộng hoặc đến năm sáu mươi người. Mỗi gia đình có thể nuôi hơn ba bốn trăm con bò, cày bừa, trồng trọt, cấy dắm, gặt hái, bận rộn suốt

ngày, không lúc nào nghỉ ngơi”[49]. Nhờ những người này mà công cuộc khẩn hoang lập ấp được thêm nhanh chóng, song cũng chính họ đã gây ra nạn cường hào ác bá trong làng xã và xã hội miền Nam.

Xã thôn miền Nam cũng tổ chức theo quy cách và truyền thống chung của Việt Nam. Đây là một cơ cấu xã hội rất mạnh, trong đó mỗi người dân có chỗ đứng và hầu như bắt buộc phải đứng trong đó. Mỗi người dân chính thức phải có làng rồi mới có nước, nếu không sẽ thành người lưu dân vô sở cứ. Nơi đây chúng ta không bàn về sự hay dở của xã thôn thời đó, nhưng chỉ ghi nhận rằng khi chính quyền được tổ chức ở miền Nam, thì toàn thể lưu dân cũ nhất loạt phải tuân phục pháp chế mới là “đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh thuế điền và lập sổ bộ đinh bộ điền”. Pháp chế đưa lưu dân vào tổ chức chính thức, thừa nhận quyền lợi mỗi người được “chiếm đất” nhưng cũng đặt bổn phận phải đóng “thuế đinh thuế điền”. Đối với xã thôn, pháp chế bắt thực thi hai điều kiện cơ bản nhất là: lập bộ điền để ghi tả rõ địa bàn của làng và từng mảnh ruộng của mỗi ai, lập bộ đinh để ghi rõ số dân đinh và ghi tên tuổi cùng nghề nghiệp mỗi người.

Tại miền Nam, xã thôn chẳng những đã có tác dụng tốt trong việc khai hoang và phát triển, mà còn có tác dụng trong việc hòa giải dân tộc, chủ yếu là đối với cộng đồng người Hoa. Người Hoa mỗi khi tới đâu, theo thói quen, thường lập thành những bang khép kín như những “quốc gia trong một quốc gia” ở nước đến trú ngụ. Song khi Nguyễn Hữu Cảnh đưa lưu dân Việt Nam vào khuôn khổ chung, thì đồng thời cũng đặt cộng đồng người Hoa vào khung cảnh xã thôn của ta: “Từ đó con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch”[50]. Ta biết rằng ở bên Trung Quốc chỉ có lý chứ không có xã và lý được tổ chức khác xa với xã thôn người Việt. Người Hoa được ghép vào xã, một cơ cấu đặc thù của ta, rồi sống theo pháp chế của chính quyền người Việt, chỉ sang đến đời thứ hai là trở thành dân Việt. Nhiều người Minh Hương (như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định hay Phan Thanh Giản) đã được học hành, thi cử, làm quan tại triều mà không hề có phân biệt đối xử.

Mỗi xã thôn Việt Nam cũng có một ngôi đình làng để làm nơi thờ thần và nhóm họp việc chung. Xem ra thôn ấp trong Nam có vẻ rất dân chủ và tập trung sinh hoạt cả vào dịp Tết Nguyên Đán: Tế xã, “kỳ tế phải trước lựa ngày tốt, đến buổi chiều, lớn nhỏ đều nhóm tại đình,… sự tế có chủ ý, đều gọi là Cầu an. Ngoài hương lệ, chỗ ngồi có nghi tiết thứ tự để nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng có người học thức… giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có phong tục tốt. Đồng thời trong ngày ấy, xét sổ sách trong làng, coi một năm ấy thâu nạp thuế khóa diêu dịch, lúa tiền dư thiếu thế nào, nông điền được mất thế nào, giữa hội đồng trình bày tính toán, cùng bầu cử người chức sự coi làm việc làng cũng bàn giao trong ngày ấy”[51].

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)