Nhà nước lập nhiều đồn điền và tiếp tục khuyến khích khai hoang

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 45 - 47)

“Bắt đầu đặt đồn điền”, đó là sự kiện mà sử chính biên đã ghi từ cuối năm 1790. Năm ấy Nguyễn Ánh đã lấy lại được xứ Gia Định, song cũng là năm “gạo cao dân đói, tha nửa số thóc thị nạp (để nuôi quân) cho dân bốn dinh, lại phát thóc gạo bán và cho vay. Hai dinh Trấn Định và Vĩnh Trấn mỗi dinh bán cho dân 5.600 hộc thóc, đạo Long Xuyên cho vay 500 hộc thóc, phủ Ba Thắc bán 300 phương gạo. Duy ở Phú Quốc đói lắm, phát chẩn cho 500 hộc thóc”[70]. Cuối năm ấy Nguyễn Ánh bàn với văn quan rằng: “Đạo trị nước, trước hết phải cho dân đủ ăn. Nếu thóc nhiều của thừa thì việc gì chẳng nên? Bốn dinh Gia Định đất đai rất rộng. Trước kia việc quân chưa xong, đói kém xảy ra luôn, đến nỗi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa ra sức việc nông, của nước lương quân còn thiếu. Đồn điền là phép hay đời xưa, nay muốn cử hành mà chưa nắm được chỗ cốt yếu”. Sau khi có sự góp ý và điều trần quy thức, liền “lệnh cho các đội Túc trực và các vệ thuyền dinh Trung quân ra vỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên là trại Đồn Điền, cấp cho trâu bò, điền khí và thóc ngô đậu giống. Đến ngày thu hoạch đem hết về kho (tức kho Trừ Tích, sau đổi làm kho Đồn Điền). Lấy Cai cơ hiệu Tiền dực là Nguyễn Bình trông coi việc ấy”[71].

Ngoài việc lấy quân làm đồn điền, nhà nước còn lấy thêm cả thường dân: “Lại sai văn võ các nha mộ dân lập đội đồn điền, mỗi năm 1 người nạp 6 hộc lúa. Dân có ai mộ được 10 người trở lên, cho làm quản trại, trừ tên trong sổ làng”[72].

Năm 1791, lập đồn điền ở đạo Long Xuyên, Ba Thắc và Trà Vinh. “Ra lệnh cho các hạng dân và người Đường (tức Hoa kiều) cũ mới ở đạo Long Xuyên, ai muốn làm đồn điền mà đồ làm ruộng không đủ thì nhà nước cho vay, mỗi năm thu thóc sưu mỗi người 8 hộc, thuế thân xem như quân hạng giao dịch đều miễn. Kẻ nào không muốn làm đồn điền thì bắt phải thụ dịch tòng chinh, để răn kẻ chơi bời lười biếng. Những người Phiên (tức Miên) và người Đường ở hai phủ Ba Thắc và Trà Vinh cũng cho khẩn đất làm đồn điền, mỗi năm thu thóc sưu mỗi người 15 hộc

(sau giảm cho 5 hộc)”[73].

Nhà nước lập nhiều đồn điền mà đất hoang còn nhiều, nên việc tư nhân chiếm hữu vẫn còn dễ dàng như khi nhà nước “ra lệnh cho dân các dinh lãnh trưng ruộng đất bỏ hoang, ba năm bắt đầu thu thuế, ai xin trưng thì hạn 20 ngày là thôi, ngoài hạn ấy cấp cho quan quân cày cấy, không được tranh nữa”[74].

Nhà nước còn ra lệnh cho một số đơn vị quân đội làm sản xuất lương thực để tự túc: “Sai Tán lý dinh Tiền quân cũ là Chiêu, sai Cai cơ quản Tiền chi là Nguyễn Văn Lợi, sai Cai cơ quản Hậu chi là Nguyễn Văn Tánh chọn đất ở Bà Rịa và Đồng Môn (ở Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai, khoảng giữa đường Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu ngày nay) nơi nào có thể mở đồn điền được thì lường chia quân sở bộ mà cày cấy, làm lấy mà ăn”[75].

Năm 1793, đạo Kiên Giang cũng đã lập đồn điền rồi. Sử có ghi: “Miễn thóc sưu đồn điền năm nay cho dân Phiên (tức Miên) ở đạo Kiên Giang”[76].

Năm 1802, chia cấp ruộng hoang cho dân nghèo. Đây là một hình thức mới, nhà nước giúp vốn cho dân nghèo khai hoang, chứ trước kia thì chỉ nhà giàu mới có của ăn của để khai hoang chiếm hữu ruộng đất. “Sắc các dinh ở Gia Định cấp ruộng hoang cho dân nghèo. Gia Định đất đai màu mỡ, thóc gạo chan chứa mà nhân dân phần nhiều hay làm mạt nghệ (tức buôn bán), nên ruộng đất có chỗ bỏ hoang. Vua bèn dụ các đình thần chăm đi khuyên bảo. Người nào không có điền sản thì đem ruộng hoang cấp cho và cho vay thóc giống, đợi thu hoạch xong sẽ y số trả lại nhà nước”[77].

Năm 1803, ra sắc lệnh bỏ ruộng hoang thì có tội. Trước chỉ khuyên bảo, nay là bắt buộc. Nhà nước “sai lưu trấn thần chiêu tập cùng dân, cấp cho thóc của nhà nước để cho đi khẩn trị. Lại sai các đình thần chia nhau đi đôn đốc, xem chất đất nên trồng gì thì trồng thức ấy. Có ruộng bỏ hoang không cày thì có tội”[78].

Năm 1807, ra lệnh dùng tù phạm để khai hoang. Đây là lệnh chung cho toàn quốc, song tác dụng nhiều nhất ở miền Nam, nơi còn nhiều đất hoang. “Tù tội lưu đi tới chỗ bị đày, quan địa phương cấp cho ruộng đất hoang và thóc giống, trâu bò cùng đồ làm ruộng, khiến cày cấy ở đó; số thóc giống hạn một năm thì thu lại; trâu cày và đồ làm ruộng cứ ba năm chiếu giá thu tiền; hàng tháng cấp gạo lương, hằng năm cấp quần áo; trong một năm không phạm tội gì khác thì tha xiềng chân; ba năm thành sản nghiệp thì bỏ cả bài sắt. Nếu vợ con tình nguyện theo đi và vợ con cùng bị lưu, thì tới chỗ đày bỏ ngay xiềng xích, chỉ để cái bài sắt; vợ con không bị lưu thì không phải mang xiềng xích và bài sắt; cấp gạo lương và quần áo, cho bản thân người phạm tội thì hạn hai năm, cho vợ con thì hạn một năm”[79]. Ngoài cái đạo lý lấy lao động để cải tạo tội nhân, đây còn là một phương pháp hữu hiệu để khai hoang thêm ruộng đất và mở mang những nơi hẻo lánh gần biên cương.

Năm 1817, khai hoang thêm miền Châu Đốc: “Vua nghĩ rằng xứ Châu Đốc đất tốt mà người ít, có nghe quan an phủ Chân Lạp là Diệp Hội (người Tàu làm quan bên Chân Lạp) là người mẫn cán, xử việc gì dân cũng bằng lòng. Liền cho Diệp làm Cai phủ Châu Đốc, khiến chiêu tập người ta, người Miên và người Tàu vào đó cho đông, hễ có biết nghề trồng cây, nuôi súc vật, buôn bán hay làm nghề gồm, nghề rèn, cho tùy nghề nghiệp mà làm. Người nào thiếu vốn thời nhà nước

cho vay”[80]. Năm sau, có lẽ thấy người Việt không đủ sức khai hoang, nên lại ra chỉ thị khuyến khích người dân tộc khác đến cho đông: “Phía sau đồn có nhiều đất hoang, khiến quan trấn Vĩnh Thanh chiêu tập người Tàu, người Chân Lạp, người Đồ Bà cho ở đó, lập phố, lập chợ, khai khẩn ruộng hoang, cấm dân ta không được quấy rối”[81].

Năm 1822, “đổi danh hiệu đồn điền 4 phủ ở Gia Định cho theo ngạch lính”[82]. Lúc này đã thống kê được 117 sở đồn điền với 20 cơ gồm 9.603 lính đồn điền.

Năm 1830, “Châu Đốc mới lập được 41 xã, thôn, phường; dân đinh chỉ được hơn 800 người, địa lợi chưa khai khẩn hết”[83]. Như vậy bình quân mỗi xã chỉ có 20 dân đinh đăng tịch và đất đai còn rất rộng.

Năm 1835, “đặt ra quân đồn điền ở Hà Tiên, cấp cho trâu bò cày bừa, khiến vừa cày ruộng, vừa tập võ”[84]. Cùng năm, “định thuế đinh điền ở phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long. Phàm trang, sách nào lớn gọi là xã, nhỏ gọi là thôn, đặt ra phủ huyện lỵ sở”[85].

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)