Nguyễn Tri Phương được cử vào kinh lý Nam kỳ

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 74 - 76)

D. – RUỘNG ĐẤT MIỄN THUẾ

b) Nguyễn Tri Phương được cử vào kinh lý Nam kỳ

Khi ấy Tự Đức mới lên ngôi, kế vị Thiệu Trị. Triều Thiệu Trị ngắn, chỉ làm vua được 7 năm (1841 - 1847). Vì Minh Mạng có nhiều tham vọng thống trị, đã trải mỏng lực lượng ra khắp nơi trên bán đảo Đông Dương; bị phản ứng mạnh, nhất là từ phía Xiêm, Thiệu Trị theo chính sách thu hồi lực lượng và củng cố nội bộ. Tự Đức tiếp tục chính sách của Thiệu Trị. Trước hết, Tự Đức cử những trọng thần đi kinh lý khắp nước để nắm tình hình, giải quyết mọi việc quân dân khẩn cấp và nghiên cứu, điều trần phải làm gì ngõ hầu chấn hưng các địa phương. Nguyễn Tri Phương được đặc phái vào Nam kỳ Lục tỉnh.

Nói đến Nguyễn Tri Phương, người ta thường nghĩ tới một võ tướng từng thắng Xiêm và kiêu dũng chống Pháp ở Đà Nẵng, Sài Gòn rồi Hà Nội, chứ ít ai nghĩ đến Nguyễn Tri Phương như

một Nguyễn Công Trứ với sự nghiệp khẩn hoang lập ấp. Có hai phương thức chính để khẩn hoang lập ấp do nhà nước chủ trì, đó là dinh điền và đồn điền. Nếu dinh điền thành công nhất ở Bắc Hà nhờ Nguyễn Công Trứ, thì đồn điền kết quả nhất ở Nam kỳ chính là do Nguyễn Tri Phương.

Ta nên biết qua về nhân vật Nguyễn Tri Phương. Nguyên tên thật là Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1800 trong một gia đình nông dân và làm thợ mộc tại Phong Điền, Thừa Thiên. Thuở nhỏ được học chữ, học võ. Chăm học và thông minh, nhưng không thể theo đường cử nghiệp vì nhà nghèo. Vào thời đó, muốn tiến thân thường phải đậu đạt mới được bổ làm quan. Thăng quan tiến chức cũng rất lâu, mà ngạch quan chia thành 18 bậc từ tòng cửu phẩm lên tới chánh nhất phẩm[132]. Ngay những người đậu tú tài cũng thường quanh quẩn suốt đời làm thơ lại và chỉ ở vào bốn cấp thấp nhất. Những người không đậu đạt mà văn hay chữ tốt cũng có thể xin làm lại mục nhưng trước hết phải ở bậc “vị nhập lưu”, nghĩa là chưa được vào ngạch; rồi khi lớn tuổi thạo việc mới được nhập ngạch và chỉ ở mấy bậc dưới.

Năm 19 tuổi, Chương xin làm lại dịch (vị nhập lưu) ở huyện nhà. Năm sau, vì làm được tờ tra cứu minh bạch khúc chiết một vụ án bí ẩn gởi lên tỉnh rồi đưa về bộ, Chương được chú ý và được vời lên làm thơ lại ngay tại bộ Hộ. Chỉ trong 3 tháng, Chương đã thạo các phép toán, biết làm rành rẽ sổ đinh sổ điền đúng quy tắc. Ba năm sau (1823) lúc mới 23 tuổi, Chương được tiến cử lên vua. Minh Mạng cho làm thử tại chỗ một tờ sớ, kết quả xuất sắc, liền được bổ là Biên tu (7a) tại Nội các. Sau 2 năm, Chương được thăng Tu soạn (6b), 2 năm sau nữa, thăng Thị độc (5a), lại 2 năm nữa, thăng Thị giảng (4b). Năm 1831, thăng Hồng lô tự khanh (4a) vẫn tòng sự ở Nội các. Năm 1835, Chương được cử vào Nam cùng với Trương Minh Giảng lo việc trị an, tỏ ra thạo cả việc quân lẫn việc dân, nên được thăng Tham tri (2b). Chương được cử đi ngoại quốc nhất là Hạ Châu (Singapore) nhiều lần để mua bán đồ quốc dụng và xem xét tình hình. Thuộc hạ của Chương cũng có nhiều người giỏi tính toán nên đã được chỉ định vào Nam năm 1836 làm đạc điền quan trong đợt làm địa bạ cho Nam kỳ Lục tỉnh.

Năm 1837, Chương được cử tra xét các kho Nội vụ; do sơ suất trong công việc nên bị cách tuột hết chức tước, trở về thơ lại hạng bét, song chỉ cuối năm được khôi phục hàm Chủ sự (6a). Năm 1838 thăng Thị lang (3a), năm 1839 hàm Tham tri (2b), được cử làm Tuần phủ Quảng Nam và Quảng Ngãi, rồi giữ chức Tham tri bộ Công. Năm 1841, Thiệu Trị cử làm Tổng đốc (2a) An Giang và Hà Tiên. Năm 1847, sau nhiều chiến công đánh thắng lão tướng và danh tướng Xiêm tên là Chất Tri đang xâm lấn Cao Miên, Chương được thăng Hiệp biện Đại học sĩ (1b) lãnh Thượng thư bộ Công.

Năm 1850, Tự Đức cho đổi tên mới là Nguyễn Tri Phương và cử vào Nam kỳ làm Kinh lược đại sứ để thanh tra và giải quyết mọi việc quân dân. Năm 1853, được thăng Đông các Đại học sĩ (1a), tức là một trong “tứ trụ triều đình”. Rồi được cử làm Kinh lược đại sứ Nam kỳ để đặc trách việc đồn điền, tới 1857 mới về triều, được cử làm Tổng thống quân thứ, đối đầu với quân Pháp ở Đà Nẵng. Pháp kiệt sức, phải bỏ vào chiếm Gia Định. Năm 1860, lại được cử vào Nam, xây đại đồn Chí Hòa kiên cố chống Pháp. Năm sau thua, bị thương và xuống chức. Năm 1865, lại được thăng tột đỉnh Võ hiển Đại học sĩ (1a) rồi được cử ra Bắc. Năm 1873, đóng quân ở Hà Nội, đối đầu với Françis Garnier; sau trận chiến ác liệt, để mất thành, bị thương rồi nhịn ăn mà chết (20-12-1873), lại bị cách hết các chức. Rồi chỉ được phục hàm Tham tri (2b) và giữ

nguyên tước Tráng Liệt bá.

Chúng ta hãy trở lại năm 1850: Tự Đức mới lên ngôi, muốn nắm tình hình các nơi, đã cử “Thượng thư bộ Công là Nguyễn Tri Phương sung Kinh lược đại sứ Nam kỳ, lãnh Tổng đốc Định Biên (Gia Định, Biên Hòa), kiêm Tổng đốc Long An (Vĩnh Long, An Giang). Lãnh cờ tiết mao tới lỵ, cốt để bày điều lợi, trừ điều tệ, cấm trấp quan lại, chiêu an nhân dân”[133]. Lúc đó Nguyễn Tri Phương có uy tín rất cao, quân dân đều kính nể vì mới đánh thắng Chất Tri, một viên tướng giỏi của Xiêm, trong tay có cờ tiết mao toàn quyền Kinh lược Đại sứ (Pháp thường dịch nhầm là vice-roi) kiêm Tổng đốc 4 tỉnh lớn, khác nào “Tổng trấn Nam kỳ” lúc trước. Nguyễn Tri Phương giải quyết mọi việc, xem xét tình hình cặn kẽ, rồi về kinh điều trần nên làm lại đồn điền với quy tắc mới cho khắp 6 tỉnh Nam kỳ; nhằm 3 mục tiêu: 1) “Dụ lưu dân” làm ruộng. 2) Chặn đứng tình trạng “hào hữu bá chiếm”. 3) Lập một đạo quân tự túc, “khi chiến thì ra trận, khi bình thì lo bản nghiệp”.

Đấy cũng là những mục tiêu của phương thức lập đồn điền từ thời Lê. Nhưng đồn điền thời đó chỉ lập lẻ tẻ cạnh những nơi có binh biền hay lính thú đóng, chứ không mộ dân đinh “cho ăn theo ngạch lính” gọi là “lính đồn điền” để đi khai hoang lập ấp, và cũng không tổ chức thành một hệ thống đồn điền riêng. Đề nghị lập đồn điền ở Nam kỳ của Nguyễn Tri Phương khác trước là thế.

Ngoài chính sách chung về đồn điền, Nguyễn Tri Phương còn đề nghị những biện pháp cụ thể thích hợp với điều kiện tại chỗ để mở đồn điền lập ấp. Biết rằng Nguyễn Tri Phương từng làm ngoại thương, từng giao dịch với người Tây dương lúc đó đã cai trị Hạ Châu (Singapore), Lữ Tống (Luzon)… từng quản trị Nội vụ tức nhà kho và xưởng thợ, từng tòng sự lâu năm và làm Thượng thư bộ Công, tức bộ xây dựng thành quách, dinh thự, cầu cống, đắp đê, đào sông; nghĩa là Nguyễn Tri Phương, đối với triều đình lúc đó, có lẽ là người thành thạo tính toán, quen kỹ thuật, biết tổ chức hơn cả. Nên đề án về “phép đồn điền lập ấp” của Nguyễn Tri Phương có những điểm rất thực tế, rất phù hợp và rất Việt Nam (nghĩa là không có chút gì học lại của Đường Ngu hay Tần Hán như một số tác giả ngoại quốc đánh giá sai: “Phong kiến An Nam hoàn toàn chép phong kiến Tàu!”)

Vua quan ở kinh đô Huế phải để ba năm nghiên cứu, bàn thảo về dự án “đồn điền lập ấp” của Nguyễn Tri Phương, sau cùng đã chấp thuận và cử chính Nguyễn Tri Phương vào Nam kỳ thực hiện công tác đó.

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)