Đào thêm sông để tiện giao thông và khai hoang

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 47 - 48)

Một thời gian khá dài không thấy sử ghi thêm nhiều thành tích về đồn điền và khẩn hoang ruộng đất mới, có lẽ vì các miền gần sông rạch đã trồng trọt gần hết, mà các vùng xa thì thiếu đường đi lại, lúc này, hầu như nhà nước chú trọng đến việc đào thêm sông rạch. Đầu năm 1817, Gia Long xem bản đồ Châu Đốc rồi bàn với thị thần rằng: “Đất này nay mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng, đi buôn đều lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn”[86].

Năm 1817, đào sông Thoại Hà: “Vét sông Tam Khê, sông cách trấn lỵ Vĩnh Thanh 214 dặm… Vua thấy đất ấy gần Chân Lạp, mênh mông lầy rậm, đường sông đi qua Kiên Giang bị bùn cỏ úng tắc, thuyền bè không đi được, bèn sai Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (viết là Thụy) sửa sang đường sông, điều động 1.500 người để vét, nhà nước cấp cho tiền gạo, khiến nhân lối cũ mà đào sâu rộng thêm. Hơn một tháng sông vét xong (ngang hơn 10 trượng - 42,40m, sâu 18 thước - 7,63m). Vua khen công của Thụy, đặt tên sông là Thụy Hà (dân Nam đọc Thoại Hà). Ở phía đông sông có núi Lạp Sơn (tức núi Sập) cũng đặt tên là Thụy Sơn, cấm không được chặt cây cối”[87].

Năm 1819, đào sông An Thông: “Sai Phó tổng trấn là Huỳnh Công Lý lấy dân Phiên An hơn 10.000 người, cấp cho tiền gạo mà sai làm việc. Khi công việc xong cho tên là sông An Thông. Sông ở phía tây nam trấn, trước có sông từ kinh Thông, qua Sài Gòn đến Lao Giang, xa xôi, nhỏ hẹp, quanh co, nông cạn. Đến nay đổi đường cũ, đào kinh mới, từ kinh Thông thẳng đến sông Mã Trường (Ruột Ngựa) dài hơn 9 dặm (gần 7km), ngang 7 trượng 5 thước (31,53m), sâu 9 thước (3,91m)”[88]. Sông An Thông chính một phần của vàm Bến Nghé kể từ vịnh Bà Thuông (Thông) vô Chợ Lớn, “thuyền bè đi lại ngày đêm nối nhau, bèn thành chỗ bến sông đô hội, người ta đều khen là tiện lợi”.

Cũng năm đó, đào sông Bảo Định (tức kinh Vũng Gù, sau Pháp gọi là Arroyo de la Poste - kinh Trạm - vì đường chạy trạm xưa qua đây). “Đào cho Vũng Gù (nay gọi sông Vàm Cỏ) ở Định Tường thông với sông Mỹ Tho (tức sông Tiền). Sai Trấn thủ Nguyễn Văn Phong lấy hơn 9.000

dân làm việc, hàng tháng cấp cho tiền gạo đầy đủ. Vài tháng xong công việc, cho tên là sông Bảo Định. Cửa sông nối vào sông Hưng Hòa (tức sông Vũng Gù hay Vàm Cỏ) cách phía đông bắc trấn thành 47 dặm. Năm trước sông nhỏ Vũng Gù chảy đến quán Gai, sông nhỏ Mỹ Tho chảy đến chợ Phú Lương, quãng giữa hai sông ruộng đất nam bắc nối liền… Đến nay mới nhân lối cũ đào sông rộng thêm, hoặc khai kênh mới cho liền nhau, dài chừng 14 dặm (14.684km), ngang 7 trượng 5 thước (31,53m), sâu 9 thước (3,91m). Từ đấy dòng sông thông cả, người người đều được tiện lợi”[89]. Sông này đến nay vẫn còn là đường giao thông thủy thuận lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long để chuyên chở lúa gạo và sản vật khác qua lại giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Năm 1819, đào kinh Vĩnh Tế: “Vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên… Vua bảo thành thần Gia Định, đo từ phía tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm - Cây Bàng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người. Sai trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu 5.000 người và binh dân đồn Oai Viễn 500 người, Đồng Phù (quan Chân Lạp) quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào. Dân người Việt cùng với binh đồn Oai Viễn thì mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền 1 phương gạo; dân Chân Lạp cũng mỗi tháng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền 1 phương gạo”[90]. Đời Gia Long quyết định đào, Minh Mạng thực hiện. Công việc quá lớn lao, mỗi khi đến mùa cấy cày hay gặt hái phải trả dân phu về đồng ruộng, nên kéo dài 3 năm mới xong. Đường sông hết sức thuận lợi, hai bên bờ làng mạc mọc lên để khai hoang ruộng đất các vùng lân cận.

Trên đây chỉ giới thiệu những kinh lớn đào trong thời gian này, mà không nói tới những kinh đào từ trước như kinh Ruột Ngựa hay những kinh nhỏ như Trà Cú… Các kinh đào ăn thông nhau hợp lý với hàng trăm sông ngòi vàm rạch tạo thành một mạng lưới dày trải khắp Nam Bộ. Nhờ đó, giao thông thuận lợi, thuyền bè không phải ra biển mà đi được khắp vùng nội địa. Thủy triều ở miền Nam mỗi ngày lên xuống hai lần và ảnh hưởng tới gần Nam Vang, nên thuyền bè cứ lợi dụng con nước mà đi rất đỡ tốn công. Nhờ đó, nông nghiệp cũng phát triển rộng khắp: kinh mương vừa đi sâu vào đồng ruộng hẻo lánh vừa là hệ thống thủy lợi cho việc trồng lúa nước.

Một phần của tài liệu TCT.DT.che-do-cong-dien-cong-tho-trong-lich-su-khan-hoang-lap-ap-o-nam-ky-luc-tinh (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)