D. – RUỘNG ĐẤT MIỄN THUẾ
c) Biện pháp gia tăng diện tích công điền công thổ
Hai biện pháp đáng chú ý hơn cả là: yêu cầu hiến điền và chuyển đồn điền thành công điền. Biện pháp thứ nhất: Chúng ta biết rằng vào năm 1839, việc hạn điền và quân điền đã tiến hành thành công tại Bình Định. Vốn trước kia tỉnh này “có số tư điền nhiều gấp 10 số công điền (cụ thể là trên 6.000 mẫu công điền đối với trên 70.000 mẫu tư điền). Người giàu có ruộng liền bờ, người nghèo không đất cắm dùi”[108]. Hiệp tá Đại học sĩ Hình bộ Thượng thư kiêm Đô sát (tòng nhất phẩm) Vũ Xuân Cẩn và Tham tri bộ Hộ (tòng nhị phẩm) Doãn Uẩn phụ tá tới nơi làm phép quân điền theo như quyết định của triều đình là: “Phàm các thôn ấp, số công điền hơn số tư điền, hoặc số công tư bằng nhau, thời không phải lấy ra quân cấp nữa; còn chỗ nào số tư hơn số công, thời tư điền phải trích lấy một nửa sung công. Lại xét thôn ấp nào có nhơn đinh không có điền thổ, hoặc có thổ không điền, hoặc nhơn số nhiều mà điền số ít, thời: lượng trích quan điền, trại điền hay là công điền các nơi gần đó để cấp cho dân; như vậy thời binh, dân đều được lợi”[109].
Việc truất hữu và quân điền ở Bình Định tuy rất gay go nhưng chỉ làm trong ba tháng là xong (từ tháng Bảy đến tháng Mười, tức lúc mùa màng còn rảnh rỗi). Kết quả là trong tổng số
77.000 mẫu ruộng này có 40.000 mẫu công điền, tức nâng tỷ lệ công điền từ 10/100 lên đến trên 50/100. Hẳn nhiên, một số ít bị truất hữu không bồi thường thì ta thán oán trách, song số đông được nhờ vì có thêm nhiều công điền quân cấp. Số dân nghèo đỡ lưu vong, số đinh tăng thêm, nhà nước cũng có lợi là thu thêm thuế và tránh được nạn “nông dân không ruộng đất nổi lên làm loạn”.
Chắc vì thấy việc quân điền, việc gia tăng diện tích công điền công thổ ở Bình Định thành công không ngờ, nên quan chức cai trị trong Gia Định cũng đề nghị làm phép quân điền cho Nam kỳ, nhất là sau khi lập địa bạ, chế độ công điền công thổ đã được thiết lập, song số ruộng đất để quân cấp còn quá ít mà tư điền rộng lớn thì tập trung trong tay thiểu số chủ điền. Năm 1840, quan tỉnh Gia Định tâu về: “Trong hạt không có ruộng công, các nhà giàu bao chiếm ruộng tư đến ngàn trăm mẫu, dân nghèo không được nhờ cậy. Xin chiếu số ruộng tư tại các xã thôn, chia cắt làm hai. Một nửa để cho chủ ruộng, còn một nửa sung làm ruộng công, để cấp đều cho lính và dân”[110].
Trong lời tâu trên đây, ta thấy hai sự thật: Một là khi đó Nam kỳ “không có công điền” hoặc giả số công điền không đáng kể. Hai là xu hướng chung của quan chức và có lẽ cũng đa số nhân dân nữa là muốn có một chế độ nửa công điền nửa tư điền. Trên thực tế thì toàn quốc, trừ Nam kỳ, lúc đó đã có tổng quát nửa công điền nửa tư điền rồi. Nên ở điểm này ta thấy lời đề nghị của Gia Định cũng giống đề nghị của Bình Định.
Tuy nhiên, Minh Mạng không thuận đề nghị của tỉnh thần Gia Định, cho rằng tình hình ở đây có khác các nơi, nên phải làm khác: “Các tỉnh Nam kỳ có đất tốt và nhiều ruộng. Chỉ lo dân không chăm cày cấy, chứ không lo chẳng đủ ruộng cày. Nếu khéo điều hòa để người giàu đem ruộng dư cho thêm người nghèo không đủ ruộng cày, bằng cách khuyên bảo, khiến dân đều được hưởng lợi, há lại không tránh được khỏi sự tranh giành? Chứ chia cắt lấy một nửa ruộng tư, không khỏi gặp một phen sửa đổi sổ sách gây nhiều sự phiền nhiễu. Nay thuận cho xét xem thôn xã nào có nhiều ruộng đất hoang, khiến dân hợp lực khai khẩn làm ruộng công, rồi đem cấp đều cho lính và dân. Hoặc làng nào trước có nhiều ruộng đất tư không canh tác hết, thì quan phải thân hành hiểu thị khiến người có ruộng trích ra một nửa, hoặc ba, bốn phần mười giao cho làng sung làm công điền, để dân chúng cùng chung hưởng lợi. Thử xem việc ấy kết quả ra sao tâu lên để xét”[111].
Quan chức Nam kỳ thi hành đường lối trên, ít lâu sau có hiệu quả, sử ghi lại: “Tỉnh thần phụng hành dụ chỉ, được dân trong hạt, nhiều người muốn đem tư điền nhường làm công điền, chuẩn y giao dân sở tại đem ruộng ấy cấp đều cho lính và dân trong làng”[112]. Tiếc rằng chúng ta chưa có tư liệu để biết chắc, sau khi “phụng hành chỉ dụ” trên, thì Nam kỳ có tỷ lệ công tư điền thổ bao nhiêu. Nếu chỉ 3/10 của tổng số 630.075 mẫu ruộng đất, thì công điền công thổ đã có tới số gần 190.000 mẫu. Trong sử liệu Việt Nam, chúng ta chưa tìm thấy những chỉ dẫn cụ thể. Còn một số nghiên cứu của người Pháp trước đây thì khẳng định hơn khi nhắc tới chỉ dụ này, phải chăng họ đã có dịp đọc và tính toán chính những sổ địa bạ hay điền bạ thời đó để lại?[113]
Biện pháp thứ hai: Đổi đồn điền làm công điền. Sau khi đã “khuyên bảo người giàu hiến tư điền làm công điền”, có lẽ triều đình thấy công điền ở Nam kỳ chưa lên đủ túc số (như trên phỏng đoán là 50%), nên tháng Năm năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), nhà vua đã quyết định “sắc
xuống bộ Hộ, phàm các đồn điền ở tỉnh Sơn Tây, Định Tường, Khánh Hòa, Biên Hòa, đều giao cho dân sở tại cày nạp thuế và làm công điền. Còn những lính đồn điền trước, thời đều triệt về tỉnh”[114].