ĐƯỢC CỦNG CỐ TẠI NAM KỲ LỤC TỈNH
(Thời kỳ 1800 - 1860)
Kể từ năm 1800 về trước, Gia Định thuộc quyền chúa Nguyễn với xứ Đàng Trong. Từ năm 1800 cho tới khi Pháp xâm lăng, Gia Định là phần đất Việt Nam dưới quyền cai trị của nhà Nguyễn. Trong thời kỳ trước, Gia Định đã phát triển thả nổi với một pháp chế lỏng lẻo; có thể nói đây là phương thức tự do kinh doanh. Việc tư nhân chiếm hữu mọi thứ tài sản, kể cả mua nô lệ, là điều phong tục và luật pháp Việt Nam vốn ngăn cấm[69], đã được tháo khoán không bị hạn chế. Do đó chế độ công điền công thổ không có điều kiện xuất hiện.
Còn thời kỳ sau, thời kỳ nhà Nguyễn cai trị theo chính sách quân chủ tập trung, thì Gia Định đã bị gò dần vào khuôn khổ chung của cả nước. Kinh tế và xã hội Gia Định không còn được tự phát, mà phải trở lại với mẫu mực làm ăn và sinh sống theo tôn ty trật tự, theo đạo lý Nho giáo. Vì thế, tới thời kỳ này, chế độ công điền công thổ mới hội đủ yếu tố để phát sinh và phát triển ở Gia Định cũ.
Để tiện nghiên cứu, chúng tôi tạm chia phần này làm ba giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 1800 đến năm 1836 là giai đoạn chuẩn bị hình thành chế độ công điền công thổ. Giai đoạn II từ năm 1836 đến năm 1850 là giai đoạn đặt để chế độ công điền công thổ. Giai đoạn III từ năm 1850 đến năm 1860 là giai đoạn củng cố mạnh mẽ chế độ công điền công thổ ở Nam kỳ Lục tỉnh.