Những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến tiền ảo ngày càng thu hút được sự quan tâm của dư luận và được đề cập thường xuyên. Tiền ảo ngày càng được chú ý đến như vậy bởi chúng tác động đến hầu hết các lĩnh vực của các quốc gia trên thế giới, trong đó, có cả những tác động tích cực và các tác động tiêu cực. Về tích cực, tiền ảo là xu hướng cho sự đa dạng các loại phương tiện thanh toán, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Tiền ảo cũng là thời cơ cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đón nhận và áp dụng công nghệ cao phiá sau đồng tiền ảo (ví dụ như công nghệ Blockchain) để đẩy nhanh quá trình phát triển, công nghiệp hóa đất nước. Về tiêu cực, hoạt động liên quan đến tiền ảo cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và là công cụ cho nhiều loại tội phạm. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang có những quan điểm rất khác nhau về đồng tiền này, nhưng chung quy lại thì đang tồn tại ba luồng quan điểm chính đó là: cấm tiền ảo hoàn toàn; tự do sử dụng và có cảnh báo rủi ro về tiền ảo; quản lý, cho phép sử dụng tiền ảo trong phạm vi nhất định. Tuy nhiên, dù với quan điểm nào thì tiền ảo vẫn tồn tại một cách khách quan và các hoạt động liên quan đến tiền ảo vẫn diễn ra liên tục.
Nhìn nhận vấn đề tiền ảo ở góc độ một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng, một số quốc gia cấm cửa triệt để tiền ảo. Điển hình ở đây, chúng ta nhắc đến đất nước Trung Quốc. Kinh nghiệm từ quốc gia này cho thấy rằng, những quy định ngặt nghèo không đủ sức cấm được tất cả các hoạt động liên quan đến tiền ảo, làm phát sinh thêm nhiều rủi ro từ các giao dịch ngầm. Việc cấm triệt để tiền ảo cũng làm cho những nhà phát triển đồng tiền ảo và công nghệ liên quan đến tiền ảo rời bỏ đất nước này để tìm mảnh đất khác màu mỡ hơn. Điều này vô tình dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” trong nước, gây thiệt hại đến nền kinh tế. Bên cạnh các quốc gia cấm các hoạt động liên quan đến tiền ảo, vẫn có các quốc gia khá cởi mở trong vấn đề quản lý tiền ảo ví dụ như Nhật Bản, Mỹ,... Như đã phân tích ở mục
1.2, các quốc gia này đều xây dựng một khung pháp lý phù hợp và khá đầy đủ để điều chỉnh đối tượng đặc biệt này. Trên cơ sở tiếp cận một cách cởi mở, các quốc gia này đã và đang đạt được những thành quả nhất định, không những hạn chế được tác động tiêu cực của tiền ảo mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư, phát triển dịch vụ và thu được nguồn thuế lớn từ hoạt động tiền ảo.
Ở Việt Nam, hoạt động liên quan đến tiền ảo đang diễn ra rất phức tạp và khó lường. Từ thực tế các hoạt động liên quan đến tiền ảo, vụ việc về thuế, các vụ lừa đảo ở Việt Nam (như đã trình bày ở mục 2.2) và thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tác giả cho rằng Việt Nam nên thay đổi định hướng trong việc quản lý tiền ảo. Việc cấm hay không cấm đều có điểm chung là phải xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện và phù hợp. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, nếu lựa chọn con đường cấm các hoạt động liên quan đến tiền ảo thì rất khó bởi những đặc điểm riêng biệt của đồng tiền này. Việc cấm còn có thể làm gia tăng hoạt động của các giao dịch ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh, an ninh xã hội, kìm hãm sự phát triển và áp dụng khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó tác động tiêu cực ngược đến nền kinh tế. Ngược lại, nếu lựa chọn xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý tiền ảo theo hướng quản lý có hiệu quả, minh bạch trên cơ sở đón nhận, tiếp thu thì nhà nước sẽ thu được các lợi ích lớn về thuế, công nghệ, hay thu hút đầu tư,... Do đó, theo tác giả, Việt Nam nên tiếp cận vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý tiền ảo theo hướng cởi mở và đón nhận đối với tiền ảo, có tiếp tiếp thu và phù hợp với thực tiễn đất nước.