Nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu 234 giải pháp phát triển kênh phân phối chocolate tại thị trường phía bắc của công ty TNHH thương mại lá phong,khoá luận tốt nghiệp (Trang 70 - 75)

2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan

Giao thông đến các khu vực tỉnh xa như Điện Biên, Lai Châu,.. chưa thuận lợi, tốc độ lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ còn bị giới hạn nên việc đảm bảo chất lượng sản phẩm chocolate hay thời gian vận chuyển là rất khó nếu không dùng xe lạnh chuyên dụng. Bên cạnh đó, vận chuyển hàng không còn tốn kém chi phí do chưa quá phổ biến.

Với những sản phẩm ẩm thực cao cấp như chocolate, khách hàng sẽ có xu hướng mua hàng trực tiếp để được tư vấn, dùng thử, so sánh đánh giá các mức độ

ngọt đắng của socola, chất lượng bao bì,... để chọn ra sản phẩm yêu thích, thay vì đặt mua trực tuyến.

Lượng mua hàng trong Valentine có chiều hướng sụt giảm do hiện tại, xu hướng quà tặng trên thị trường tồn tại bộ phận khách hàng ưa thích các mặt hàng quà tặng với đa dạng các mức giá và đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế như mỹ phẩm, trang sức, nước hoa, hoa sáp, phụ kiện, ... chocolate không còn là phần quà ý nghĩa duy nhất trong ngày lễ tình nhân.

Các đối thủ cạnh tranh hiện có của công ty TNHH Thương Mại Lá Phong tại thị trường phía Bắc đều là các thương hiệu mạnh, độ phủ sóng cao với lượng khách hàng lớn, một số bên cũng sử dụng trực tiếp sản phẩm chocolate của Việt Nam, đề cao yếu tố “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam”, chú trọng vào hình thức sản phẩm và các chương trình xúc tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lượng khách đến mua sắm tại TTTM Vincom Bà Triệu có xu hướng giảm nhiều trong những năm gần đây, do sự xuất hiện của các TTTM lớn với diện tích rộng, đa dạng các hình thức, các khu vui chơi giải trí như Aeon Mall Hà Đông, Vincom Trần Duy Hưng,.. điều này cũng gây tác động lớn đến sự sụt giảm doanh thu của chi nhánh showroom L4-96C Vincom Bà Triệu - chi nhánh bán chủ lực của công ty TNHH Thương Mại Lá Phong từ cuối năm 2018.

Đặc biệt, với trường hợp ngừng hoạt động chi nhánh Showroom T102 Aeon Mall Long Biên từ tháng 9 năm 2018, gây tổn thất lớn về mặt doanh thu của toàn khu vực phía Bắc là do tác động của việc sửa chữa, thi công và đổi vị trí toàn bộ các gian hàng khu vực Sweet Zone bên phía TTTM Aeon Mall Long Biên, vị trí mới được sắp đặt không còn là vị trí gian hàng mở và ở trung tâm khu Âm Thực tầng 1 như trước, nên công ty TNHH Thương Mại Lá Phong không lựa chọn tiếp tục kí hợp đồng thuê.

Không thể không kể đến tác động tiêu cực từ đại dịch toàn cầu Covid 19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung. Từ trung tuần tháng 1 năm 2020, quần chúng có xu hướng hạn chế chi tiêu cho các xa xỉ phẩm, tập trung mua sắm và tích trữ các nhu yếu

phẩm như gạo, mì, rau củ, thực phẩm tươi sống; nhu cầu mua và sử dụng các sản phẩm chocolate đã giảm mạnh.

2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Tính chất của các sản phẩm chocolate phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ bảo quản, hình dáng, kích thước, có thể biến tính trước tác động của va chạm hay tác động nhiệt. Điều này gây nhiều hạn chế về công tác bảo quản, vận chuyển sản phẩm của doanh nghiệp.

Với dòng sản phẩm chocolate nghệ thuật, thời gian nhận hàng của khách hàng khu vực phía Bắc là 14 ngày kể từ ngày chốt đơn hàng và duyệt mẫu thiết kế, thời gian đợi quá dài khiến công ty TNHH Thương Mại Lá Phong không thể đáp ứng nhu cầu của phần lớn khách hàng phía Bắc có ý định đặt riêng mẫu quà tặng Chocolate nghệ thuật trong thời gian ngắn.

Hiện tại, công ty TNHH Thương Mại Lá Phong chưa thể mở rộng thêm các chi nhánh phân phối một phần do hạn chế về tiềm lực tài chính, cũng như chưa đảm bảo nguồn nhân lực đủ để đáp ứng cho việc triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, do là doanh nghiệp thương mại quy mô vừa, kinh doanh đa dạng các danh mục sản phẩm cũng như lượng khách hàng hỗn hợp gồm cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân nên ban lãnh đạo công ty TNHH Thương Mại Lá Phong chưa dành nhiều sự quan tâm đến tình hình hoạt động và việc phát triển kênh phân phối Chocolate khu vực phía Bắc.

Dòng chảy thông tin giữa kênh Online và Offline của doanh nghiệp chưa thông suốt, thông tin về biến động lưu lượng sản phẩm ở các chi nhánh Offline không được cập nhật trên phần mềm chung của toàn hệ thống, dẫn đến một số trường hợp chi nhánh không có sẵn sản phẩm mà khách đặt Online trên trang web hay fanpage. Hơn nữa, nhân viên tiếp nhận đơn hàng Online chính là các sale admin và nhân viên marketing làm việc theo giờ hành chính, vì vậy xảy ra các trường hợp khách hàng đặt mua hàng Online ngoài giờ hành chính sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi để được xử lý đơn hàng.

Tần suất chuyến xe lạnh chuyển hàng từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội còn thấp (2 chuyến 1 tháng) gây thiếu hàng hóa cung ứng kịp thời cho chi nhánh bán, khiến doanh nghiệp có thể bỏ lỡ nhiều đơn hàng vì khiếm khuyết trong dòng vận chuyển.

Hiện tại, doanh nghiệp mới chỉ tập trung đẩy mạnh hành vi mua hàng bằng số lượng mua và chi tiêu mua của khách hàng, vấn đề này được thể hiện qua chương trình thẻ thành viên: điều kiện sở hữu thẻ thành viên VIP của công ty TNHH Thương Mại Lá Phong chỉ yêu cầu hóa đơn mua hàng lần đầu trên 700.000 VNĐ, khiến lượng khách VIP tràn lan, thiếu chọn lọc. Bên cạnh đó, khi có 1 hệ thống thông tin khách hàng đồ độ (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, sinh nhật), công ty chưa có hoạt động chăm sóc khách hàng cụ thể (gửi tin nhắn chương trình khuyến mại, chúc mừng sinh nhật,...) cũng như chưa có các hoạt động marketing hiệu quả để tăng cường độ nhận diện thương hiệu, mức độ yêu thích cũng như gắn kết và củng cố lượng khách hàng trung thành.

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

Trong chương 2, khóa luận đã phân tích thực trạng hoạt động hệ thống kênh phân phối Chocolate của công ty TNHH Thương Mại Lá Phong tại thị trường phía Bắc. Trước hết, luận văn đã giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp, trong đó, tác giả đã đề cập đến lịch sử hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận. Cùng với đó, tác giả đã giới thiệu sơ lược về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gồm: danh mục sản phẩm; mô hình kinh doanh và danh sách các cửa hàng. Tiếp theo, luận văn đã trích dẫn các thông tin, số liệu cụ thể cùng các bảng biểu, sơ đồ về hệ thống kênh và việc quản trị kênh để phân tích thực trạng hoạt động kênh phân phối Chocolate khu vực phía Bắc của công ty TNHH Thương Mại Lá Phong. Từ đó, chương 2 đã khép lại với các đánh giá khách quan về thực trạng hoạt động kênh phân phối, nêu bật những ưu điểm và chỉ ra các hạn chế còn tồn tại cùng những nguyên nhân khách quan và chủ quan của hạn chế đó.

Tiếp sau đây, những hạn chế còn tồn tại vừa được phân tích ở trên cùng với các lý thuyết đã được nêu ra tại chương 1 sẽ trở thành cơ sở để tác giả đề ra giải pháp, kiến nghị phát triển kênh phân phối Chocolate tại thị trường phía Bắc của công ty TNHH Thương Mại Lá Phong ở chương 3.

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KÊNH PHÂN PHỐI CHOCOLATE TẠI THỊ TRƯỜNG PHÍA BẮC CỦA CÔNG TY

TNHH THƯƠNG MẠI LÁ PHONG

Một phần của tài liệu 234 giải pháp phát triển kênh phân phối chocolate tại thị trường phía bắc của công ty TNHH thương mại lá phong,khoá luận tốt nghiệp (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(88 trang)
w