5. Kết cấu của luận văn
4.1.2. Bảo đảm bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế
Trong cơ chế thị trường, mọi thành phần kinh tế được bình đẳng trước pháp luật để cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Do đó, hệ thống thuế cũng phải được thực hiện thống nhất nhằm đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ đóng góp cho NSNN giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa các tầng lớp dân cư. Các nhà doanh nghiệp và cá nhân có thu nhập cao phải nộp thuế nhiều hơn những doanh nghiệp và cá nhân có thu nhập thấp. Hàng tiêu dùng cao cấp, dịch vụ xa xỉ phải chịu thuế suất cao hơn hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Qua sự điều chỉnh của thuế góp phần điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, hạn chế sự phân hóa và chênh lệch quá xa về thu nhập, đời sống trong xã hội. Tuy nhiên, người có kỹ thuật cao, làm ăn giỏi vẫn còn thu nhập cao sau khi nộp thuế, khuyến khích làm giàu một cách chính đáng, hợp pháp. Với chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập qua thuế, Nhà nước có nguồn thu để trợ cấp, giúp đỡ các cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn,
thực hiện xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội khác.
Trong thời gian gần 30 năm, nền kinh tế nước ta từng bước chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, đã thúc đẩy nền kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở thành phần kinh tế nhà nước một số doanh nghiệp nhà nước đang từng bước thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại, tháo gỡ khó khăn, cần thiết phải có những ưu đãi phù hợp.
Nhưng để huy động tối đa nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau. Mọi doanh nghiệp, mọi công dân được đầu tư kinh doanh theo các hình thức do luật định và phải được pháp luật bảo vệ. Mọi tổ chức kinh doanh theo các hình thức sở hữu khác nhau hoặc đan xen hỗn hợp đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh có tính chất độc quyền, có nhiều lợi thế về trang thiết bị, về sản xuất, về tiêu thụ, giá cả,... phải có sự điều tiết cao hơn, vì thường các cơ sở này có thu nhập cao hoặc rất cao so với các ngành nghề bình thường.
Đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích phát triển, hướng mạnh vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ có công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng, việc ưu đãi về thuế ở mức độ nhất định, thời gian đầu của quá trình chủ động mở của hội nhập là cần thiết nhằm mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng trên thực tế, đây không phải là yếu tố hấp dẫn duy nhất, những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm hơn là: tình hình chính trị, luật pháp ổn định, điều kiện về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, kinh tế xã hội,.... Ưu đãi về thuế quá nhiều chưa hẳn đã gây được sự quan tâm của các nhà đầu tư, có khi còn tạo cho họ hoài nghi môi trường đầu tư và tạo sơ hở để họ lợi dụng hoạt
động "núp bóng" nhằm trốn thuế. Thường thường, môi trường đầu tư tốt được thể hiện trên các mặt quan trọng về chính sách thuế thống nhất, quyền lực thuế tập trung, pháp chế thuế được kiện toàn. Về mặt tài chính của NSNN, nhiều cuộc điều tra ở các nước đang phát triển cho thấy những ưu đãi về thuế thường làm giảm từ 2 - 13% tổng số thu ngân sách, có khi kết quả mang lại về tài chính - kinh tế - xã hội cho nước chủ nhà bị suy giảm nhưng lại làm giàu cho tư bản nước ngoài, có điều kiện khai thác tài nguyên, nhân công rẻ mạt để có thu nhập siêu ngạch. Do đó, về lâu dài cần phải nghiên cứu, thu hẹp, từng bước xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử tràn lan về nghĩa vụ nộp thuế đối với thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế trong nước, tạo điều kiện bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa phát triển lành mạnh, có lợi cho quốc kế dân sinh.